Theo Sở TN&MT, để hoàn thành dự án Vành đai 3 TPHCM điều kiện tiên quyết và rất quan trọng là công tác bồi thường, tái định cư và giải phóng mặt bằng phải đảm bảo kế hoạch. Nếu công tác này chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến nhiều dự án thành phần và toàn bộ tiến độ của dự án.
Trên địa bàn TP, dự án có chiều dài 47,51km với diện tích đất cần thu hồi hơn 408ha với 2.377 trường hợp bị ảnh hưởng, tổng số trường hợp phải tái định cư khoảng 752 trường hợp... với tổng mức đầu tư cho công tác đền bù, tái định cư là 25.610 tỉ đồng.
Cũng theo Sở TN&MT, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là công việc vô cùng khó khăn, phức tạp khi triển khai một dự án do ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của rất nhiều cá nhân, tổ chức bị thu hồi đất, do đó cần chuẩn bị rất kỹ về nhân sự, kinh phí, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các sở ngành, địa phương có liên quan.
Ngoài ra, do tính chất của công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thường phát sinh những vụ việc vướng mắc mà địa phương không thể giải quyết, cần xin ý kiến hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ của các sở liên quan, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo ngay Ban Chỉ đạo giải quyết nhằm rút ngắn thời gian. Còn nếu các địa phương chỉ gửi công văn theo cách thông thường chờ hướng dẫn giải quyết sẽ rất chậm.
Đối với các địa phương có dự án đi qua cũng cần thành lập Ban Chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cấp huyện, TP do đồng chí Bí thư làm trưởng ban. Những “kinh nghiệm” trên được Sở TN&MT rút ra từ các dự án trọng điểm của TP, như dự án Metro số 2, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự án Kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên.
Được biết theo kế hoạch ký kết giữa TPHCM - Bình Dương - Đồng Nai - Long An về tiến độ triển khai dự án từ ngày 1/10/2022 bắt đầu bàn giao mặt bằng và đến tháng 3/2024 bàn giao toàn bộ mặt bằng; tháng 6/2023 khởi công dự án, tháng 10/2025 thi công hoàn thành, thông xe kỹ thuật tuyến cao tốc; thi công toàn bộ dự án trong tháng 6/2026; bàn giao quyết toán dự án vào năm 2027.