Ông Nguyễn Thịnh Thành cho biết sở dĩ dư luận phản ánh nhiều trong những ngày qua, nhưng đến nay Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội mới có văn bản cụ thể, chi tiết về vấn đề này để đảm bảo sự phát ngôn cẩn trọng, có cơ sở pháp lý, khoa học, vì tuyến đường này đã được quy hoạch từ năm 2000.
Vì sao cong kiểu “ghi đông xe đạp”
Trên cơ sở thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt và mặt bằng đã được giải phóng, chủ đầu tư đã tổ chức thi công gói thầu xây dựng số 01 (đoạn hồ Hố Mẻ đến Cống Chéo sông Lừ) và gói xây dựng số 4 (cầu L5 - cầu Sông Lừ) vào tháng 10/2013.
Đến nay, gói thầu xây dựng số 01 đã thi công xong hệ thống thoát nước, bó ống kỹ thuật, thảm bêtông nhựa hạt thô được phần đường bên phải tuyến (dài 620m) và đã được phân luồng giao thông để thi công tiếp làn đường bên trái tuyến, dự kiến hoàn thành đoạn đường này vào quý 1/2015;
Toàn bộ dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2015 (hình ảnh dải phân cách và tuyến đường uốn cong đăng trên một số báo và bình luận là “cong ghi đông xe đạp,” do tuyến đường đang thi công, thưng tôn và cần phân luồng tạm để đảm bảo an toàn giao thông, khi đoạn đường được thi công xong, dải phân cách sẽ được tháo dỡ, hình ảnh con đường sẽ không như vậy).
Phải mất thêm nguồn kinh phí lớn để “đúng như ý muốn”
Qua khảo sát thực tế, nếu xác định tuyến đường đi thẳng, phải mở rộng đường về phía Bắc, tổng diện tích đất thu hồi tăng thêm về phía Bắc (thuộc quận Đống Đa, từ hồ Hố Mẻ đến Cống chéo sông Lừ) là gần 16.240m2, gồm: diện tích thu hồi thêm của 09 cơ quan gần 11.720m2; diện tích thu hồi hồ Hố Mẻ là hơn 2.150m2; ngõ đi là 135m2; diện tích thu hồi tăng thêm của các hộ dân hơn 2.230m2; tăng thêm 07 hộ dân thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng và 11 hộ từ cắt xén thành thu hồi hết đất; đồng thời phải cấp đất cho các cơ quan để làm trụ sở mới do bị thu hồi hết và gần hết đất.
Mặt khác các công trình kiến trúc trên đất cơ bản phải phá dỡ, hồ điều hòa Hố Mẻ bị thu hẹp diện tích, ảnh hưởng đến tiêu thoát nước của khu vực (dự toán kinh phí bồi thường tăng thêm khoảng hơn 190 tỷ đồng, 9 cơ quan phải phá dỡ và cấp đất xây trụ sở mới, thêm 11 hộ phải phá dỡ hết nhà cửa, thêm 7 hộ phải giải phóng mặt bằng)
Thiết kế đường Trường Chinh thẳng trên bản vẽ |
Đối với phương án quy hoạch như hiện nay công tác giải phóng mặt bằng đã chiếm một khối lượng hết sức nặng nề. Theo dự án được phê duyệt, tổng diện tích đất phải thu hồi toàn bộ dự án gần 116.870m2.
Trong đó bao gồm 618 hộ dân với diện tích gần 27.800m2, chiếm 24%; 34 cơ quan với diện tích gần 31.810m2, chiếm 27%; đất giao thông công cộng với diện tích 57.260m2, chiếm 49%. Trong đó đoạn từ Ngã Tư Sở đến hồ Hố Mẻ dài 634m, giải phóng 377 hộ dân, kinh phí 1.310 tỷ đồng; đoạn từ Cống Chéo đến ngã tư Vọng dài 523m, giải phóng 211 hộ dân, kinh phí hơn 350 tỷ đồng.
Riêng đoạn từ hồ Hố Mẻ đến Cống Chéo sông Lừ (đoạn đường đi qua phần đất do Bộ Quốc phòng quản lý có chiều dài khoảng 800m), gồm 30 hộ dân và 11 cơ quan trong phạm vi giải phóng mặt bằng với kinh phí 135 tỷ đồng.
Trong đó, quận Đống Đa (phía Bắc đường) có 30 hộ dân với diện tích thu hồi 1.406m2 (có 20 hộ cắt xén đất và 10 hộ thu hồi hết đất) và 10 cơ quan diện tích 2.084m2 với kinh phí 104,7 tỷ đồng. Hiện nay có 29/30 hộ dân đã được lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư (còn 01 hộ bà Bùi Thị Toàn chưa thống nhất cho đo đạc hồ sơ kỹ thuật thửa đất, kiểm đếm tài sản gắn liền với đất để lập phương án bồi thường).
Đối với các cơ quan đã công khai 10/10 phương án, phê duyệt 09/10 phương án, trả tiền 09/10 cơ quan với số tiền 9 tỷ/9,7 tỷ đồng; có một cơ quan đề nghị cấp đất để làm trụ sở mới (Tổng cục 2, Bộ Quốc phòng).
Phạm vi quận Thanh Xuân (phía Nam đường), có một cơ quan (Quân chủng Phòng không-Không quân) phải giải phóng mặt bằng, với diện tích thu hồi 14.538m2, kinh phí bồi thường, hỗ trợ 30,18 tỷ đồng, đã chi trả tiền và bàn giao mặt bằng để thi công đường; không có hộ dân phải di chuyển.
Hiện nay, bà Bùi Thị Toàn, ông Phan Văn Toản và ông Nguyễn Tâm Trinh có đơn kiến nghị về chỉ giới đường đỏ tuyến đường, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Quân chủng Phòng không-Không quân xem xét giải quyết theo quy định.
Cơ sở pháp lý để quy hoạch
Ông Nguyễn Thịnh Thành cho biết, việc lập, thẩm định và phê duyệt Chỉ giới đường đỏ tỷ lệ 1/500 đường Trường Chinh là cụ thể hóa Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 (tỷ lệ 1/10.000) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg; đảm bảo thống nhất và phù hợp với đồ án Quy hoạch chi tiết quận Đống Đa (quy hoạch giao thông tỷ lệ 1/2000) và các quy hoạch chi tiết khu vực đã được phê duyệt.
Quá trình lập, thẩm định và phê duyệt chỉ giới đường đỏ có sự phối hợp chặt chẽ giữa thành phố Hà Nội với Bộ Quốc phòng; phương án hiện nay đã được các cơ quan Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không-Không quân đề nghị và tán thành.
Chỉ giới đường đỏ đã được phê duyệt đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật (với bán kính cong R=600, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật bán kính tối thiểu R=250); đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, phát triển kinh tế-xã hội.
Công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đến nay các cơ quan, đơn vị và các hộ dân đã đồng ý bàn giao đất để triển khai dự án. Dự án đang được đẩy nhanh tiến độ và tích cực triển khai, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2015. Riêng đoạn đường từ hồ Hố Mẻ đến Cống Chéo sông Lừ sẽ hoàn thành vào quý 1/2015.
Quá trình lập, thẩm định và phê duyệt chỉ giới đường đỏ, từ năm 2000, Ủy ban Nhân dân Thành phố giao nhiệm vụ cho Văn phòng Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội (nay là Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội) và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội xác định chỉ giới mở rộng đường Trường Chinh.
Sau khi làm việc với Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội và nghiên cứu phương án dự kiến mở rộng đường Trường Chinh, Bộ Tư lệnh Phòng không-Không quân đã có công văn số 193/CV-PK-KQ ngày 13/4/2000: “Đề nghị mở đường Trường Chinh đoạn từ hồ Hố Mẻ đến Cống Chéo (Sông Lừ) như sau:
Phía Bắc đường Trường Chinh: lấy mép đường phía Bắc sâu vào 7m. Phía Nam đường Trường Chinh sẽ phát triển cho đủ theo mặt cắt của đường là 53,5m. Việc mở rộng xuống phía nam đoạn đường trên không làm ảnh hưởng đến Quy hoạch của Quân chủng và các công trình ngầm và nổi của Quân chủng.”
Trên cơ sở này Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội đã lập bản vẽ Chỉ giới đường đỏ tỷ lệ 1/500 đường Trường Chinh đoạn qua khu vực do Quân chủng Phòng không - Không quân quản lý (bản vẽ đề ngày 18/10/2000) và tiếp tục lấy ý kiến của Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân và đơn vị này đã có công văn số 301/PKKQ ngày 14/5/2001 và ghi ý kiến trực tiếp tại bản vẽ: “Chỉ giới đường đỏ đường Trường Chinh (đoạn qua khu đất của Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân) do Viện Quy hoạch Thành phố xác lập trình Kiến trúc sư trưởng và Ủy ban Nhân dân Thành phố phù hợp với quy hoạch khu vực cơ quan Bộ Tư lệnh quân chủng, khi mở rộng đường theo chỉ giới này không ảnh hưởng đến các công trình ngầm và công trình quốc phòng quan trọng hiện có tại khu vực này của Quân Chủng.
Quân chủng Phòng không Không quân kính đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng xem xét, chấp thuận phương án mở rộng đường Trường Chinh (đoạn qua khu vực Bộ Tư lệnh Phòng không-Không quân) theo chỉ giới đường đỏ do Viện Quy hoạch Thành phố xác lập.”
Ngày 12/2/2007, Bộ Quốc phòng đã có văn bản số 762/BQP-TM nêu ý kiến: “Về chỉ giới đường đỏ đường Trường Chinh (đoạn qua khu vực Quân chủng Phòng không-Không quân), Bộ Quốc phòng thống nhất với ý kiến của Bộ Tư lệnh Phòng không-Không quân tại công văn số 193/CV-PK-KQ ngày 13/4/2000 và được thể hiện trên bản vẽ Chỉ giới đường đỏ do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập ngày 18/10/2000 - tỷ lệ 1/500.
Đường Trường Chinh được mở rộng chủ yếu về phía Nam. Cụ thể: phía Bắc đường Trường Chinh lấy từ mép phía Bắc đường hiện trạng sâu vào khoảng 6m, phía Nam đường Trường Chinh sẽ phát triển cho đủ mặt cắt ngang đường là 53,5m.”
Trên cơ sở ý kiến của Bộ Quốc phòng, qua khảo sát, đo đạc, lập bản đồ và đánh giá hiện trạng tuyến đường, cũng như xem xét các yếu tố về tiêu chuẩn kỹ thuật, kinh tế - xã hội, gắn phát triển kinh tế với đảm bảo yêu cầu về quốc phòng, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 19/2008/QĐ-UB ngày 31/3/2008, phê duyệt Chỉ giới đường đỏ đường vành đai II (đường Trường Chinh - đoạn từ phố Vương Thừa Vũ đến Ngã Tư Vọng tỷ lệ 1/500 - Bản vẽ số 3).
Theo đó, Chỉ giới tuyến đường chia làm 3 đoạn: đoạn từ Ngã tư Vọng đến Cống chéo và đoạn từ hồ Hố Mẻ đến Ngã Tư Sở tuyến đi thẳng và mở rộng chủ yếu về phía Bắc đường Trường Chinh hiện có.
Riêng đoạn từ Cống Chéo đến hồ Hố Mẻ tuyến đường được mở rộng chủ yếu về phía Nam (phía Bắc mở rộng từ mép đường vào 6m, thuộc phần đất của một số cơ quan và gia đình đang quản lý, sử dụng; phía Nam mở rộng đủ mặt cắt tuyến đường là 53,5m, thuộc phần đất của quân đội và đất công cộng).
Do đó đã tạo ra đường cong kết nối với bán kính R=600 (đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật bán kính tối thiểu R=250).
Như vậy, Chỉ giới đường đỏ được xác định như hiện nay, đảm bảo các yêu cầu cả về kinh tế, xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị và quốc phòng (số tiền giải phóng mặt bằng, mức đầu tư dự án, số hộ gia đình và cơ quan bị ảnh hưởng bởi dự án ít hơn so với phương án đường đi thẳng, hạ tầng kỹ thuật đô thị khu vực được đảm bảo).
Vì vậy, phương án như hiện nay vừa đảm bảo về kỹ thuật, thiết kế, quy hoạch và không mất thêm nguồn kinh phí lớn.