Đường làng vàng óng rơm quê

GD&TĐ - Mấy hôm nay trời nắng khủng khiếp. Mới tờ mờ sáng nắng đã rọi thẳng vào phòng và cho tới tận chiều muộn nắng dường như vẫn còn lưu luyến chẳng muốn rời đi.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Buổi tối nghe điện thoại của mẹ từ quê biết rằng mùa gặt cũng đã bắt đầu. Tự dưng lòng rưng rưng nhớ, nhớ cái thuở đang còn ở quê, mùa gặt về với bao háo hức cùng con đường quê rơm vàng óng trải dài miên man.

Hồi đó, ở quê tôi, lúa gặt xong được mang về sân rồi mới tuốt chứ không tuốt ngay giữa đồng. Một phần vì hồi đó chưa có máy gặt chuyên dụng “hai trong một” vừa gặt vừa tuốt như thời nay. Vậy nên có bao nhiêu lúa gặt xong đều được mang về chất đầy sân chờ máy đến tuốt.

Cả làng mấy chục hộ dân nhưng chỉ có một cái máy tuốt lúa nên lúa lúc nào cũng trong tình trạng chờ máy, có khi chờ đến ba, bốn năm ngày mới tới lượt. Để lúa ở sân mà lòng người thì như có lửa đốt vì sợ lúa không tuốt kịp sẽ mọc mống, chưa kể nắng mưa thất thường không phơi khô lúa, rơm được.

Rơm hồi đó được người dân coi trọng không kém hạt lúa là bao. Rơm được phơi khô, xây thành cây cao lớn dùng dần cho trâu bò ăn, làm ổ ấm trong mùa đông lạnh giá và dùng làm củi đốt nấu nướng hàng ngày nữa.

Rơm mới tuốt xong thì phải tranh thủ phơi liền cho được nắng. Xung quanh nhà, vườn tược, ngõ ngách chỗ nào hở không bị bóng râm đều được tận dụng phơi rơm.

Có nhà ngõ ngắn cũn, vườn bé nên phơi rơm ra cả đường. Mùa gặt con đường làng vốn dĩ là con đường đất đỏ bỗng nhiên “biến” thành con đường vàng óng, bồng bềnh toàn rơm là rơm.

Lũ trẻ con chúng tôi khoái chí vô cùng. Tận dụng con đường “khoác áo mới” chúng tôi chơi ở đó cả ngày mà không biết chán. Những trò nhào lộn được “trình diễn” ngay giữa đường mà chẳng sợ đau. Đạp xe trên con đường rơm ì ạch mồ hôi nhễ nhãi vì những cọng rơm níu kéo bánh xe nhưng đứa nào cũng thích.

Một cuộc thi xem ai đạp xe nhanh hơn giữa đường rơm được diễn ra ngay sau mùa gặt. Tiếng reo hò, cổ vũ nồng nhiệt rổn rang khắp cả một miền quê nhỏ. Tôi nhớ có lần thi đạp xe xong mệt quá tôi bỏ xe qua một bên vệ đường rồi ngả người xuống đường rơm êm ái.

Một làn gió khe khẽ thoáng qua thổi vào tôi mát rượi. Thoang thoảng tôi nghe mùi thơm của rơm rạ, của hương lúa mới và cả mùi của những giọt mồ hôi mặn mòi của người nông dân lẫn quất.

Tôi nhớ có năm con đường rơm chưa kịp thu dọn thì bị những cơn mưa trái mùa rơi xuống làm ướt nhẹp. Những đợt nắng sau đó cũng chẳng vớt vát gì được nhiều mỗi khi rơm đã ướt và dính bết với bùn đất.

Lúc phụ ba ra đường dọn rơm tôi đã nghe được tiếng thở dài của ba. Chỗ rơm đó chẳng còn cách nào khác ngoài đưa về ủ vào những gốc cây ăn quả. Hai ba con dọn mãi mới xong chỗ rơm, mồ hôi thi nhau túa ra ướt hết cả manh áo lao động.

Hồi đó không hiểu sao lòng tôi cứ nung nấu một ngày nào đó thật sớm để thoát khỏi cảnh nhà nông, thoát khỏi mùi rơm rạ. Nhưng thật lạ, khi đạt được ý nguyện ấy, cũng đã mấy chục năm trôi qua tôi lại muốn quay trở về quê nhà, với con đường rơm rạ.

Lại thêm một mùa gặt nữa, thêm một mùa tôi xa quê. Bây giờ đường rơm chỉ còn trong hoài niệm.

Không biết lũ bạn của tôi ngày xưa có còn nhớ hay không chứ tôi lòng thì đang rưng rưng, thèm được về ngay mùa gặt, được thả chân trần đi trong rơm, thèm được phụ ba mẹ cào rơm giữa nắng và thèm được ngả lưng để hưởng những mùi vị của rơm rạ, đồng quê tuyệt vời...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.
Ngoài thờ Kinh Dương Vương, trong đền còn thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ với bức đại tự “Đại Nam tổ miếu”.

Tháng Ba, thăm lăng mộ Thủy tổ nước Nam

GD&TĐ - Mấy nghìn năm có lẻ, ở gò đất cao tụ khí làng Á Lữ, xã Đại Đồng (Bắc Ninh) đã lưu giữ linh hài của ông nội Vua Hùng, Thủy tổ nước Nam Kinh Dương Vương.