Nhớ bữa cơm mùa gặt

GD&TĐ - Mùa hạ thấm thoắt lại về, cùng lúc lúa ngoài đồng đã uốn nặng trĩu bông, nắng lặn vào hạt lúa chắc mẩy và người nông dân thì đợi chờ thêm một mùa gặt rộn ràng.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Người dân quê tôi làm nông, quanh năm trông chờ vào hai vụ lúa, được mất thành bại gì cũng nhờ hết vào hai vụ lúa này.

Tôi nhớ những năm hồi còn sống ở quê, mùa gặt về chộn rộn những bước chân, những sự chuẩn bị gấp gáp để đưa lúa từ đồng về và những bữa cơm đơn sơ đạm bạc trong mùa gặt đến cám cảnh, xót xa.

Những bữa cơm quê nhà xưa vốn dĩ đã giản dị, đơn sơ nhưng mỗi khi đến mùa gặt lại đơn giản hết sức có thể, không thịt thà đầy ắp mà chủ yếu rau củ trong vườn, có gì nấu nấy.

Mùa gặt bận lắm nên bữa cơm cũng được tối giản. Không chỉ riêng nhà tôi mà hầu như trong làng nhà ai cũng vậy.

Buổi sáng lót dạ đỡ dăm ba củ khoai, củ sắn, bát cơm nguội rang với mỡ lợn. Còn bữa trưa đi gặt về, mẹ vội vàng chạy ra vườn lục tìm những bụi rau dại hái vào nấu canh.

Có mùa cà chua bi trĩu quả thì vặt một ít trái vào nấu canh. Bữa ăn mùa gặt cũng chẳng cần lên kế hoạch, chuẩn bị gì trước, cứ “tùy cơ ứng biến”.

Cứ thế không biết bao nhiêu mùa gặt gia đình tôi ăn những bữa cơm như vậy. Nhưng cũng chẳng hề hấn gì, mà ngược lại cả nhà đều vui vẻ, hạnh phúc khi được quây quần bên mâm cơm đầm ấm.

Những bữa cơm mùa gặt đạm bạc đó theo những đứa con làng quê lên phố với biết bao nhiêu ký ức ngọt lành. Căn bếp nhỏ có cục bồ hóng bám đen kịt quanh tường, khói củi đốt bay lên cay xè mắt, những giọt mồ hôi thi nhau túa ra ướt hết cả tấm áo khi ngồi trong bếp hì hục thổi cơm.

Mùa hạ nắng về càng nực nội hơn bao giờ hết. Nhớ những bữa cơm mùa gặt được nấu từ những hạt gạo xát vội khoảng lúa cắt trước phơi chưa được già nắng, lúc nấu lên hạt cơm vỡ vụn, bé li ti như những hạt tấm.

Mẹ tôi cứ đùa rằng, cả nhà đến mùa gặt là lại được ăn cơm tấm. “Cơm tấm” gạo mới rất thơm, hạt cơm dẻo mịn, nhẩn nha từng hạt trong miệng thấy vị ngòn ngọt của hạt ngọc trời chắt chiu bao ngày.

Cái ngày đó đã lùi xa mấy chục năm trời nhưng mỗi khi tới mùa gặt, mùi cơm gạo mới lại hiện về trong ký ức. Bất giác cảm giác ấy khiến làm cho tôi nhớ nhà da diết, nhớ bữa cơm mùa gặt đến nao lòng.

Bữa cơm mùa gặt đôi khi được cải thiện chất đạm nhờ những lần gặt lúa ba mẹ nhặt nhạnh con cá rô, cá diếc hay lũ cua đồng trốn chui trốn lủi dưới bụi lúa. Cá thì mẹ thường kho mặn với khế chua, lá nghệ thơm lừng.

Còn cua đồng mẹ dành nấu canh với rau dại trong vườn. Khỏi phải nói đó là những bữa cơm ngon nhất của cả nhà. Những lúc đó mẹ luôn nhắc tôi phải nấu thêm thêm cơm để mọi người ăn cho đã, no bụng khỏi thèm thuồng, góp phần lấy sức cho mấy ngày gặt tiếp theo.

Nhớ những bữa cơm mùa gặt của nhà nông trăm bề cực khổ. Miếng ăn lúc nào cũng vội vàng để chuẩn bị ra đồng cho kịp thời vụ. Mùa hạ nắng cháy lưng, mồ hôi tua tủa ướt đẫm như tắm, điện đóm thì chưa có, tất cả chỉ nhờ vào vài chiếc quạt mo cau tự chế để làm dịu cơn mát.

Câu chuyện trong mâm cơm mùa gặt ba mẹ luôn nhắc nhớ đám con sau này cố gắng học hành để mà thoát khổ, không còn chân lấm tay bùn nữa.

Cũng nhờ những dặn dò ấy mà anh chị em tôi đã vào được đại học, học hành tới nơi tới chốn. Tuy cuộc sống không giàu sang nhưng cũng đủ để cho ba mẹ tự hào với những đứa con cố gắng trưởng thành.

Những bữa cơm mùa gặt, mới đó mà giờ đây đã cách hơn hai mươi năm có lẻ, những đứa trẻ chúng tôi của ngày xưa giờ đều đã trở thành người lớn. Cuộc sống không còn vất vả như xưa nhưng không phải vì thế mà chúng tôi đã quên đi những kỷ niệm cũ.

Với tôi, những bữa cơm mùa gặt là những bữa cơm đáng nhớ nhất trong cuộc đời. Khoảnh khắc bên những mâm cơm mùa gặt đã giúp tôi trưởng thành, biết trân quý hơn ngày tháng cực nhọc để có một hình hài của tôi như ngày hôm nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.