Đường đua vào Nhà Trắng khó lường vì… virus

GD&TĐ - Dương tính với Covid-19 đúng vào thời điểm sát cuộc bỏ phiếu nên Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn nôn nóng vượt qua dịch bệnh mà ông thường xem nhẹ.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Điều này có thể khiến ông đối mặt nhiều rủi ro về sức khỏe lẫn sự ủng hộ, bất chấp việc ông tuyên bố đã miễn dịch và đang trở lại với các hoạt động tranh cử bình thường.

Đội ngũ bác sĩ tại Nhà Trắng vốn chịu áp lực lớn khi điều trị cho bệnh nhân là tổng thống, do nhà lãnh đạo này luôn tìm cách xây dựng hình ảnh mạnh mẽ kể cả khi đã nhiễm căn bệnh nguy hiểm vốn đang làm cả thế giới đảo lộn. Bối cảnh này khiến những người phụ trách y tế thường đưa ra những tuyên bố không thực sự rõ ràng về tình trạng sức khỏe của ông Trump. 

Hôm 10/10, bác sĩ trưởng của Nhà Trắng là Sean Conley thông báo rằng, tổng thống đã hết khả năng lây truyền virus cho người khác, nhưng lại không cho biết rõ ông Trump đã âm tính với Covid-19 hay chưa. Bản thân Tổng thống Mỹ sau đó khi được hỏi về tình hình sức khỏe cũng tuyên bố mơ hồ rằng ông “đã hoàn toàn miễn dịch”.

Giới chuyên gia y tế đang nghi ngờ tính xác thực của những thông tin trên nhưng vẫn trở thành “giấy thông hành sức khỏe”, mở đường cho Tổng thống Trump có thể nối lại các sự kiện vận động tranh cử trực tiếp vốn bị gián đoạn hơn một tuần kể từ khi ông thông báo nhiễm Covid-19. 

Mở đầu cho một loạt hoạt động đang làm dấy lên lo ngại về lây lan dịch bệnh này là cuộc mít tinh tại thành phố Sanford, bang Florida vào ngày 12/10. Tiếp theo, ông Trump sẽ có mặt tại thành phố Johnstown, bang Pennsylvania và Des Moines, bang Iowa trong hai ngày liên tiếp 13 và 14/10.

Ngay trước các sự kiện công cộng dồn dập này, ông Trump còn khiến người ta quên đi việc ông đang mắc bệnh khi xuất hiện tại ban công Nhà Trắng để vẫy chào người ủng hộ mà không đeo khẩu trang. Thậm chí, ông còn muốn tranh luận trực tiếp với đối thủ Joe Biden vào ngày 15/10 như kế hoạch nhưng sự kiện này đã bị hủy. 

Các hoạt động trên của ông Trump đã vượt xa mọi khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đối với những người dương tính với virus Corona. Trong khi đó, việc bị nhiễm Covid-19 vào thời điểm nhạy cảm đang như con dao hai lưỡi đối với ứng viên Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử.

Đương kim Tổng thống Mỹ có thể nhận sẽ được sự ủng hộ lớn hơn của cử tri sau khi nhiễm bệnh, do ông có thể sử dụng chính sức khỏe bản thân để chứng minh cho quan điểm xem nhẹ đại dịch Covid-19 của mình.

Tuy nhiên, những phát biểu như kêu gọi người dân không sợ Covid-19 có nguy cơ “gậy ông đập lưng ông” khi động thái này đang bị chỉ trích là vô trách nhiệm trước sức khỏe người dân, trong bối cảnh đại dịch đang hàng ngày cướp đi nhiều sinh mạng. 

Bên cạnh đó, sự tự tin thái quá trước dịch bệnh cũng bị cho là đặt những người xung quanh ông Trump vào nguy cơ bị phơi nhiễm virus. Việc ông tuyên bố phục hồi nhanh hơn nhiều so với những người mắc Covid-19 khác còn khiến dư luận hoài nghi khi đặt giả thiết liệu ông có thực sự nhiễm bệnh hay không.

Thái độ “không ngán virus” khi vận động tranh cử của ông Trump cũng có thể giúp đối thủ Joe Biden ghi điểm. Ứng viên phe Dân chủ này luôn chủ trương phải thận trọng với Covid-19 và quan điểm trái ngược này có thể khiến ông gia tăng sự ủng hộ trong bối cảnh nước Mỹ vẫn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch gây ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ