Mỹ đang ở trong chu kỳ 4 năm được gọi là “mùa ngớ ngẩn” đi kèm với cuộc bầu cử tổng thống. Đây là thời điểm mà mọi người đều để ý tới những “bất ngờ tháng 10” được thiết kế để làm lung lay cử tri Mỹ theo cách này hay cách khác. Hầu hết các chuyên gia tin rằng, với tính thời sự của đại dịch Covid-19 và trong bối cảnh TT Trump bị chê trách vì xử lý dịch, thông tin ông bị mắc Covid-19 sẽ giống như một thông báo trước bầu cử về việc phát hành vaccine. Thực ra, ông Trump đã ám chỉ điều này trong cuộc tranh luận đầu tiên với ứng cử viên Joe Biden.
Tuy thông báo bất ngờ rằng ông Trump cùng phu nhân và ít nhất một cố vấn thân cận dương tính với Covid-19 ít có tác dụng trong việc khiến công chúng bớt quan tâm tới dịch bệnh này, nhưng nó lại có thể thay đổi đáng kể sân chơi mà tổng thống có thể điều hành vào tháng sát nút ngày bầu cử là 3/11.
Trước hết, khả năng diễn ra bất kỳ một cuộc tranh luận tổng thống nào nữa đã giảm đáng kể. Thứ 2, vấn đề về “một phương pháp chữa trị” tiềm năng đã được thay thế bằng cuộc chiến của chính tổng thống với căn bệnh này.
Trong khi vấn đề mắc Covid-19 thoạt đầu có vẻ không mang lại lợi ích cho TT Trump, nhưng một sự kiện gần đây cho thấy việc ông bị nhiễm nCov có thể dẫn đến tỷ lệ tín nhiệm dành cho ông tăng cao. Thủ tướng Anh Boris Johnson từng chứng kiến mức tín nhiệm của công chúng đối với mình tăng tới 61% trong tháng sau khi ông loại bỏ được virus này khỏi cơ thể, bất chấp rất nhiều chỉ trích về việc ông xử lý đại dịch trước khi ông dương tính với SARS-CoV-2.
Mặc dù sự chia rẽ của nền chính trị Mỹ hoàn toàn không loại trừ khả năng mức tín nhiệm đối với TT Trump sẽ tăng lên đáng kể trong bối cảnh cuộc đua đang rất gay cấn, đặc biệt là ở các bang quan trọng, chỉ cần một thay đổi nhỏ cũng có tác động mang tính quyết định.
Ngoài ra, do tổng thống chỉ tập trung vào việc tái đắc cử, khả năng ông ấy sẽ tìm cách tận dụng việc mắc Covid-19 để có được lợi thế bằng cách thực hiện một hành động đặc biệt, mở ra những khả năng khó tưởng tượng cho đến nay, chẳng hạn như một bước đột phá liên quan đến hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân quy mô lớn NEW START giữa Nga và Mỹ.
Các điều kiện cứng rắn của Washington nhằm gia hạn hiệp ước NEW START đã bị Nga từ chối. Tuy nhiên, Đại sứ Mỹ tại Nga vẫn hy vọng về một thỏa thuận và việc ông Trump mắc Covid-19 có thể khiến việc này có thể diễn ra.
Cả Mỹ và Nga đều hiểu hậu quả nghiêm trọng của việc hiệp ước NEW START hết hiệu lực vào tháng 2/2021. Trong khi cả 2 bên dường như đã cố thủ vào vị trí khó hòa giải, nhưng trên thực tế, vấn đề gia hạn hiệp ước đang được đặt ra, mở khả năng cho các thỏa hiệp lẫn nhau và có thể thổi luồng gió mới cho một hiệp ước đang bế tắc.
Bên cạnh đó, trong khi TT Trump đang cần một “cú hích” phù hợp với thực tế chính trị xung quanh việc ông bị bệnh, khả năng về một “điều bất ngờ tháng 10” dưới hình thức một thỏa thuận kiểm soát vũ khí được nhiều người coi là mang lại lợi ích an ninh quốc gia Mỹ sẽ dễ trở thành hiện thực. Đây cũng có thể là cơ hội tốt nhất để một tổng thống mắc bệnh làm chủ cuộc chơi vào thời điểm quan trọng trong nỗ lực tái tranh cử.