Phát hiện một chiếc xe tải đang vận chuyển nhiều thùng xốp khả nghi, cảnh sát giao thông yêu cầu tài xế dừng xe để kiểm tra. Kết quả cho thấy, những thùng xốp nói trên đang chứa nội tạng, gân, xương, chân bò, óc heo và trứng gà non.
Tổng số hàng trên hơn 8,5 tấn. Phần lớn số nội tạng động vật này đều bốc mùi hôi thối, không đảm bảo vệ sinh thú ý và an toàn thực phẩm. Tài xế lái xe tải biển số Hưng Yên khai rằng, số thịt thối nói trên được thuê chở từ Hà Nội vào TPHCM giao cho khách hàng.
Hàng năm vào cữ cận Tết, rất nhiều chuyến xe chở thịt heo, gà, nhất là nội tạng động vật vào các tỉnh phía Nam, nhất là Bình Dương và TPHCM - những nơi có các bếp ăn tập thể dành cho công nhân và các trường học nội trú để tiêu thụ.
Thời gian vận chuyển dài ngày cộng với nhiệt độ thay đổi nên số thịt đều bị ôi thiu, thậm chí đã thối. Cũng có chuyến xe vận chuyển cả thịt và nội tạng động vật đã thối không thể bán ở chợ được.
Nguồn hàng được thu gom từ các vùng quê bị dịch bệnh ở gia súc do thời tiết mùa này ở các tỉnh phía Bắc khá khắc nghiệt. Cũng có những chuyến hàng “nhập” theo đường tiểu ngạch ở biên giới phía Bắc.
Lại cũng có những chuyến xe chở heo sữa bị chết từ các tỉnh miền Tây Nam bộ tuồn về TPHCM để chế biến thực phẩm bán cho người tiêu dùng được núp dưới các nhãn mác “an toàn”.
Số thịt và nội tạng động vật bị ôi thối được đưa vào các cơ sở chuyên chế biến thịt thối thành “thịt an toàn” bằng cách dùng oxy già để tẩy trắng. Chỉ cần vài ba muỗng oxy già hòa với vài trăm lít nước là đủ để tẩy trắng và khử mùi hàng tấn thịt và nội tạng ôi thối.
Sau khi được “tẩy xóa”, số thịt và lòng sẽ được chế biến thành dăm bông, ruốc, thậm chí được chế biến thành mồi nhậu “thơm tho” và khá bắt mắt. Người tiêu dùng hoàn toàn không thể phát hiện nguồn gốc của loại thực phẩm mình đang dùng từng là thịt, lòng thối được “phù phép” từ những kẻ bất lương.
Số gia súc, gia cầm bị chết dịch, thay vì mang đi tiêu hủy thì nhiều chủ hộ xót của đã mang bán cho những người chuyên “săn” lợn chết. Dù giá rất bèo, 300 - 400 nghìn đồng/con lợn chết nhưng khi đã tẩy xóa màu và mùi, thịt lợn được bán ngang bằng với giá thịt sạch. Vì lợi nhuận cao, nhiều chủ giết mổ bất chấp đạo đức lẫn luật pháp vẫn lén lút “hành nghề” mổ thịt lợn chết để bán ra thị trường.
Lâu lâu lại nghe một vụ ngộ độc thực phẩm từ một bếp ăn tập thể hoặc một đám cưới nào đó, có thể là từ những loại thịt bẩn này nhưng để truy tận nguồn gốc thì… quá khó! Những lò giết mổ gia súc gia cầm bị chết và các cơ sở chế biến thịt thối, nếu bị phát hiện cũng chỉ thu giấy phép hành nghề có thời hạn rồi phạt tiền. Chính vì hình phạt quá “tượng trưng” này khiến những kẻ bất lương tiếp tục hành nghề sau thời hạn bị thu giấy phép.
Cần phải truy tố hình sự đối với những đối tượng này thì mới tránh được tình trạng ăn phải thịt thối mà không biết như lâu nay.