Đường dây GCG ASIA đứng sau loạt sàn DKTRADE, ACXFX, LCM

GD&TĐ -  Công ty Trách nhiệm hữu hạn GCG Asia hoạt động trái phép tại nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á

Đường dây GCG ASIA đứng sau loạt sàn DKTRADE, ACXFX, LCM

Đường dây bất hợp pháp xuyên quốc gia GCG ASIA

Sự việc hàng nghìn nạn nhân của hệ thống sàn chứng khoán quốc tế DK TRADE, ACXFX, LCM…kêu cứu đang thu hút sự quan tâm của người dân cả nước.

Theo tìm hiểu, đứng đằng sau hệ thống đội lốt chứng khoán quốc tế đó chính là công ty xuyên quốc gia GCG ASIA. Công ty này hoạt động mạnh mẽ ở khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Campuchia, Việt Nam.

Năm 2019, Thủ tướng Campuchia - Hun Sen đã đưa ra “Thông báo khẩn cấp an ninh quốc gia” nói rằng tập đoàn tài chính GCG Asia là lừa đảo và họ đã sử dụng hình ảnh và tên của ông để đưa thông tin sai sự thật.

Thủ tướng Hun Sen đặc biệt nhắc nhở công chúng hãy cẩn thận với trò lừa đảo của tập đoàn tài chính GCG. Ngay sau đó người đứng đầu công ty GCG Asia tại Campuchia là Darren Yaw và vợ đã bị bắt giữ.

Theo báo chí Campuchia, GCG Asia đã lôi kéo, dụ dỗ được tới hơn 5000 nạn nhân, hoạt động theo mô hình kim tự tháp đa cấp Ponzi, rất giống với cách thức của Lite Forex tại Việt Nam trước đây.

Tổng Giám đốc Sở Cảnh sát của Campuchia - Tướng Neshavin đã mô tả GCG ASIA là một "nhóm lừa đảo xuyên quốc gia" và xác nhận rằng hầu hết các nạn nhân là từ Trung Quốc.

Tướng này cũng cho biết thêm Tập đoàn tài chính Yan Fu không được đăng ký với Ngân hàng Quốc gia Campuchia và các chính quyền liên quan. Công ty này đã lừa đảo ở Malaysia và Indonesia và sau đó trốn sang Campuchia để thành lập trụ sở.

Theo thông tin chúng tôi có, mặc dù trụ sở chính ở Campuchia, không có người Campuchia nào có mặt. Hầu hết nạn nhân là người Trung Quốc. Công ty chủ yếu nhắm vào người nước ngoài”, ông Neshavin lúc ấy nói.

Tại Việt Nam, theo tìm hiểu của chúng tôi, GCG ASIA hoạt động dưới những cái tên là GKFX, GCFX sử dụng nền tảng giao dịch MT4, MT5 có khả năng can thiệp vào tài khoản của khách hàng.

Tại Việt Nam, GCG ASIA hoạt động dưới hai cái tên là GKFX và GCFX. GCG ASIA xây dựng hệ thống các sàn chi nhánh dưới nhiều cái tên như DK TRADE, ACXFX, LCM…và sử dụng chung một nền tảng giao dịch là Meta Trade 4, Meta Trade 5 (hay còn được gọi là MT4, MT5).

Thủ đoạn chung của những sàn này là cho các nhân viên môi giới mời chào lôi kéo, thu hút người chơi qua hình thức telesales (chào mời đầu tư qua điện thoại), liên hệ qua mạng xã hội zalo, facebook, tư vấn người chơi "đánh lệnh".

Ban đầu thường cho nhà đầu tư đánh thắng để nạp thêm nhiều tiền vào tài khoản; sau đó, tư vấn đánh các lệnh lớn, thu mức phí lớn và không rõ ràng dẫn đến mất hết tiền trong tài khoản của nhà đầu tư.

Khi đã thua hết tiền, các đối tượng sẽ giới thiệu nhà đầu tư sang một sàn Forex mới, với cam kết nếu nạp tiền vào sẽ chơi thắng lại được số tiền đã thua.

Nhà đầu tư trên các sàn giao dịch này thực chất là chơi với chủ sàn, toàn bộ tiền đánh thua là chủ sàn được hưởng (đã có nhiều người dân bị thua số tiền rất lớn lên đến cả chục tỷ đồng).

Trường hợp nhà đầu tư thắng nhiều, chủ sàn sẽ can thiệp kỹ thuật như: chặn quyền truy cập tài khoản, tự đặt lệnh khống, dẫn đến cháy tài khoản và không thể rút được tiền.

Cuối cùng, khi đã chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư, các đối tượng đánh sập sàn giao dịch để tránh sự truy vết của cơ quan Công an.

Mặc dù GCG ASIA tuyên bố là một công ty kinh doanh về lĩnh vực ngoại hối của Thụy Sĩ được bảo chứng bởi cơ quan giám xác tài chính nổi tiếng DUKASCOPY.

Tuy nhiên, DUKASCOPY đã lên tiếng khẳng định không hề có bất cứ liên quan gì đến GCG ASIA hay GCFX cả, đồng thời không quên cảnh báo rằng đây là một sàn lừa đảo, không đáng tin cậy: “GCG Asia đang gian lận khi sử dụng tên và logo của Dukascopy để thu hút khách hàng/ nhà đầu tư mà không có sự cho phép của Dukascopy Bank.”

Người dân cần cảnh giác, cơ quan chức năng cần vào cuộc

Hiện nay, bóng ma GCG ASIA vẫn đang len lỏi vào thị trường đầu tư chứng khoán phái sinh tại Việt Nam.

Bằng cách xây dựng hệ thống các sàn, hoạt động theo mô hình đa cấp, GCG ASIA đã khiến hàng trăm nghìn người dân rơi vào cảnh lao đao vì nợ nần.

Trong khi đó, các nạn nhân của hệ thống lừa đảo này vẫn đang mong mỏi từng ngày sự vào cuộc của cơ quan chức năng.

Chị Trần Thị Thùy Dương, một nạn nhân bị lừa mất hơn 5,3 tỷ đồng cho biết: “Hệ thống sàn chứng khoán quốc tế giả mạo LCM, ACXFX, SCOPE MARKETS, BOSTONMEX…đang ngang nhiên hoạt động tại Việt Nam mà chưa bị xử lý.

Chúng tôi cũng đã làm đơn thư tố cáo gửi nhiều nơi như Bộ Công an và Văn phòng Quốc hội. Chúng tôi mong rằng pháp luật sẽ sớm vào cuộc điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhóm đối tượng này”.

Một nạn nhân khác thì cho biết, khi liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng của sàn LCM, chẳng những không được hỗ trợ mà còn bỗng nhiên bị đánh đập.

“Sau khi mở tài khoản tại sàn LCM thì bản thân tôi không đi lệnh mà tài khoản vẫn tự động đánh. Như vậy đã có sự can thiệp của sàn lên tài khoản của nhà đầu tư.

Sau khi biết mình bị lừa tôi đã đến địa chỉ của sàn tại số 108 Nguyễn Hoàng. Tại đây tôi gặp một người quản lý. Sau đó sàn thỏa thuận trả lại cho tôi 40%.

Tuy nhiên khi về đến nhà tôi liên tục bị người lạ gọi điện hăm dọa. Tôi mong cơ quan chức năng và báo chí vào cuộc phanh phui nhóm đối tượng lừa đảo này”, chị Dương Thị Thập, nạn nhân bị lấy mất hơn 1 tỷ đồng kể lại.

Theo cảnh báo trên Báo Nhân dân ngày 26/5/2022: “Thủ đoạn của những công ty này là gắn mác các sàn chứng khoán phái sinh, nghe như là được chúng tôi cấp phép nhưng thật ra đều hoạt động bất hợp pháp..."

Trong số 17 công ty được cấp phép để giao dịch phái sinh tại thị trường Việt Nam không có tên của những công ty nêu trên.

Hiện nay, theo quy định của Nhà nước, các công ty chứng khoán phái sinh phải được cấp phép, nhân viên phải có chứng chỉ hành nghề mới được tư vấn cho nhà đầu tư.

Nhưng có nhiều tổ chức lừa đảo họ dựng lên những công ty hoạt động môi giới bất hợp pháp nhằm chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư.

Mặc dù những giao dịch này là ảo nhưng người chơi nộp tiền thật và không hề biết môi giới là ai thì đó là lừa đảo.

Những đường dây này đánh vào lòng tham của nhà đầu tư. Ban đầu họ sẽ cho nhà đầu tư có lãi nhỏ sau đó mới kêu gọi nạp vốn lớn và đánh cháy tài khoản.

Theo Điều 290, hành vi lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: phạm tội 02 lần trở lên; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tài sản từ 50 - 200 triệu đồng… thì phạt tù từ 02 - 07 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 đến dưới 500 triệu đồng; gây thiệt hại từ 300 đến dưới 500 triệu đồng… thì bị phạt tù từ 07 - 15 năm.

Nặng nhất, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 - 20 năm, nếu chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại trên 500 triệu đồng.

Hiện nay xuất hiện tình trạng các đối tượng lừa đảo trong lĩnh vực đầu tư tiền ảo, Forex, cờ bạc…đã bắt đầu len lỏi vào trong hệ thống trường học để lôi kéo giáo viên, sinh viên, học sinh tham gia.

Để hạn chế hậu quả của việc làm bất hợp pháp này, Báo Giáo dục và Thời đại bắt đầu triển khai chuyên đề: “Tuyên truyền nhằm làm rõ phương thức, thủ đoạn của các tổ chức lừa đảo chứng khoán, tiền ảo, cờ bạc trá hình” nhằm hạn chế các tác động xấu đến môi trường học đường và nền giáo dục nước nhà.

Tài liệu tham khảo: https://nhandan.vn/canh-bao-thu-doan-moi-goi-dau-tu-chung-khoan-trai-phep-post698706.html

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ