Dưới mắt tôi, trong mắt ai...

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhà văn Trương Chính (tên khai sinh Bùi Trương Chính), viết với các bút danh khác Nhất Văn, Nhất Chi Mai, tuổi Bính Thìn (1916 - 2004).

Bút tích và chân dung nhà văn Trương Chính.
Bút tích và chân dung nhà văn Trương Chính.

Quê ông ở Thuận Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh - đất địa linh nhân kiệt.

Hẳn nhiên, khi tên tuổi Trương Chính lần đầu xuất hiện trên văn đàn Việt Nam hiện đại trong tư cách một nhà phê bình với công trình đầu tay “Dưới mắt tôi” (1939), thì công chúng tự khắc liên hệ tới cái suối nguồn văn chương mà ông thừa hưởng truyền thống của các bậc tiền bối trên quê hương mình như Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Huy Tự, Bùi Dương Lịch từ thời trung đại.

Trương Chính hiện diện vẻ vang cùng thời với các văn nhân cũng một lứa bên trời như: Trương Tửu, Trần Thanh Mại, Lê Thanh, Kiều Thanh Quế, Lê Tràng Kiều… trong lĩnh vực nghiên cứu - lý luận - phê bình được coi là nền tảng mới của đời sống văn học thời kỳ 1930 - 1945.

Trong công trình đồ sộ “Nhà văn hiện đại (1942), Vũ Ngọc Phan nhận xét: “Lối phê bình của Trương Chính đã bắt đầu kỹ càng và có phương pháp. (...). Đối với cái “phương pháp 3 W” của người Anh, Trương Chính là người rất trung thành” (3 W được tác giả chú thích: What/ cái gì?; Why/ tại sao?; How/ làm sao?)”.

Khát vọng thành thực

Tác phẩm 'Dưới mắt tôi' của nhà văn Trương Chính được tái bản. Ảnh tư liệu.

Tác phẩm 'Dưới mắt tôi' của nhà văn Trương Chính được tái bản. Ảnh tư liệu.

Nhà văn Trương Chính (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, 1957), vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Khoa học Xã hội và Nhân văn (đợt I, năm 2000) cho bộ sách “Tuyển tập Trương Chính”. Nhà văn - Nhà giáo Ưu tú - Phó Giáo sư Trương Chính là niềm tự hào của các thế hệ thầy trò và giới sáng tác văn chương Hà Tĩnh, miền đất phát tích từ văn hóa Hồng Lam.

Nhà văn Trương Chính viết văn như là nghiệp, còn dạy học (ở các bậc phổ thông và đại học) mới là nghề của ông. Nghề dạy học tạo cốt cách con người Trương Chính sự mực thước, chuẩn chỉnh và cao hơn cả là lòng trung thành, trung thực với nghề, với người.

Bởi thầy giáo là tấm gương sáng trước học trò. Nhà văn vốn được xã hội quan niệm là nghệ sĩ (ngôn từ) nên thường có cái chất a-ma-tơ (amateur).

Nhưng trái lại, tiếng là nhà văn nhưng không phải người sáng tác, mà là người làm nghiên cứu - lý lụận - phê bình nên chất tỉnh táo, lý trí, bài bản đã hướng dẫn ngòi bút của ông, một người vốn trọng sự trung thành, trung thực, trung nghĩa, trung dũng như tự bạch: “Là một nhà phê bình và nghiên cứu văn học, tôi chú ý nhất tính trung thực, nói thật những cảm nghĩ của mình, không phụ họa ai, không nói theo ai, không có ý kiến thì không viết. Tôi cho rằng, sống hay viết đều phải có lý tưởng (lý tưởng của thế hệ mình và thời đại mình).

Rất ghét thứ văn chương trống rỗng, văn chương xu thời, văn chương xu nịnh. Đơn giản chỉ có thế” (Nhà văn Việt Nam hiện đại tỉnh Hà Tĩnh, NXB Hội Nhà văn, 2011). Hẳn là, với khí chất này, sự viết của nhà văn Trương Chính không thể không va chạm với văn giới vốn trọng triết lý “văn mình vợ người”.

Ngay nhan đề tác phẩm đầu tay “Dưới mắt tôi” (phê bình 25 tác phẩm của các văn sĩ tiền chiến đương thời, toàn những cây đa cây đề như: Hoàng Ngọc Phách, Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Lan Khai, Nguyễn Khắc Mẫn, Lê Văn Trương, Từ Ngọc, Trương Tửu, ông cũng tỏ rõ khí chất của một người cầm bút viết phê bình chính trực, ngoan cường không phải thuộc dạng “lườm nguýt” như sau này Xuân Diệu hay nói vui về giới này.

Ví như khi Trương Chính phê bình tiểu thuyết “Đoạn tuyệt” của Nhất Linh - người sáng lập, đứng đầu Tự lực văn đoàn (từ 1933), đã thẳng thắn viết: “Tác giả không được phép nấp sau những nhân vật trong truyện mà biện luận. Như thế thiếu thành thực và hại cho nghệ thuật”.

Vậy nên, Vũ Ngọc Phan đã phản bác: “Ý kiến này thật là một ý kiến trái ngược. Các nhà phê bình Âu Tây thường căn cứ vào cuộc đời văn nhân, thi sĩ để xét các văn phẩm, thi phẩm của họ; như vậy, nếu các văn nhân, thi sĩ không nấp sau một vài nhân vật do họ sáng tạo, thì các nhà phê bình làm cái việc kia chẳng là vô ý thức lắm sao?” (Vũ Ngọc Phan - Nhà văn hiện đại, tái bản, Tập hai. NXB Khoa học xã hội, 1989).

Trong bài “Tư tưởng nào là chủ yếu?”, nhà văn Trương Chính đã không phải thường xuyên, song cũng không phải lần duy nhất bàn về vấn đề tư tưởng dân tộc (nói chung) và tư tưởng nghệ thuật (nói riêng). Luận giải của nhà văn thuyết phục: “Trong văn học dân gian có nhiều yếu tố duy vật chủ nghĩa, bởi vì nó có nguồn gốc từ cuộc sống, từ lao động. (...).

Theo ý chúng tôi, không nên dựa vào tư tưởng bác học mà theo quá trình phát triển tư tưởng của người Việt Nam ngày trước, đã là bác học, đều thấm nhuần tư tưởng trong sách kinh điển của Nho, Phật, Lão, không có gì khác.

Phải dựa vào tư tưởng dân gian mà tìm tư tưởng dân tộc, dựa vào văn học dân gian mà tìm sự chống đối của nhân dân trước sự lan tràn của tư tưởng duy tâm do các nhà bác học truyền bá” (Tuyển tập Trương Chính, Tập 2, NXB Văn học, 1997).

Sự nghiệp trồng người - tiếng thơm để đời

Hơn hai mươi năm dạy học (bậc phổ thông và đại học) thầy Trương Chính hẳn có rất nhiều học trò. Có thể thầy không nhớ trò nhưng trò thì nhớ thầy. Tất nhiên, trong số học trò giỏi của thầy Trương Chính thời đại học có người đồng hương, đồng nghiệp - nhà văn, Giáo sư Phong Lê (quê Hương Trà, Hương Sơn, Hà Tĩnh; nguyên Viện trưởng Viện Văn học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).

Khi nhà văn tương lai Phong Lê ra đời (1938) thì nhà văn Trương Chính đã nổi bật trên văn đàn Việt Nam bằng tác phẩm trình làng đầu tay “Dưới mắt tôi” (1939).

Sau này, khi trở thành sinh viên thụ giáo thầy Trương Chính, dù thời gian chỉ có một năm, thì ký ức đẹp về thầy trong anh không phai mờ, vì: “Thời sinh viên, tôi chỉ học thầy Trương Chính có một năm, nhưng đời nghề nghiệp của tôi thường luôn luôn có ông ở bên cạnh. (...).

Tuyển tập Trương Chính (2 tập) do NXB Văn học ấn hành. Ảnh tư liệu.

Tuyển tập Trương Chính (2 tập) do NXB Văn học ấn hành. Ảnh tư liệu.

Ông có một sự nghiệp làm thầy hơn hai mươi năm” (Phong Lê - 85 chân dung văn hóa văn chương Việt, NXB Thông tin truyền thông, 2018).

Cũng chính Giáo sư Phong Lê là người từng níu giữ hồi ức đẹp về người thầy của mình: “Một con đường dài có chút vòng vo, nhưng lúc nào cũng miệt mài thầm lặng, với một niềm yêu mến văn chương dường như bẩm sinh. Niềm yêu mến đó cùng kết quả những kiếm tìm ở ông, thường kín đáo, không khoa trương.

Người viết “Dưới mắt tôi”, về sau lại là người ít khi nói về mình, cũng ít tranh cãi với ai. (...). Một lòng yêu nghề và được làm việc theo khả năng và sở thích - thế cũng đủ hạnh phúc rồi! Ông đã trở thành chuyên gia tin cậy về văn học cổ, văn hóa cổ Việt Nam.

Ông viết bằng vốn hiểu biết, niềm yêu mến, cùng với đức tin của mình, chứ không viết tùy thời, hoặc dựa dẫm theo ai. Và viết sao cho có văn, có giọng điệu riêng - cố nhiên là văn phê bình, nghiên cứu kiểu Trương Chính. Điều đó góp phần giải thích vì sao trong giới lý luận phê bình đương đại, ông chỉ viết riêng Đặng Thai Mai, và sau đó, Hoài Thanh” (Báo Giáo dục và thời đại, 20/11/1998).

Nhà văn Trương Chính có một chỗ đứng vững chắc trên văn đàn Việt Nam hiện đại. Tên tuổi của ông đã đi vào lịch sử văn học dân tộc thế kỷ hai mươi, qua các công trình của Vũ Ngọc Phan, “Nhà văn hiên đại” (1942); Mộng Bình Sơn - Đào Đức Chương, “Nhà văn phê bình” (NXB Văn học, 1996); Nguyên An, “Mảnh vườn văn” (NXB Nghệ An, 2000); “Từ điển văn học” (Bộ mới, NXB Thế giới, 2004); “Chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam” (2 tập, Trần Thanh Phương & Phan Thu Hương biên soạn, NXB Giáo dục, 2008), “Nhà văn Việt Nam hiện đại tỉnh Hà Tĩnh” (NXB Hội Nhà văn, 2011); “Phong Lê, 85 chân dung văn hóa văn chương Việt” (NXB Thông tin truyền thông, 2018); “Nhà văn Việt Nam hiện đại” (in lần thứ V, NXB Hội Nhà văn, 2020).

Ngạn ngữ phương Tây có câu “Người khác là tấm gương soi bản thân mình”, quả chí lý khi vận vào trường hợp nhà văn - nhà giáo Trương Chính.

Ngót 60 năm cầm bút tham gia văn đàn, trải trường văn trận bút, nhà văn Trương Chính đã để lại một văn sản không quá đồ sộ nhưng hợp quy luật “quý hồ tinh bất quý hồ đa” hết sức khắt khe trong sáng tạo nghệ thuật: “Dưới mắt tôi” (phê bình, 1939), “Những bông hoa dại” (nghiên cứu văn học dân gian, 1941), “Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam” (viết chung, 1955), “Giáo trình văn học Trung Quốc” (viết chung, 1961), “Thơ văn chữ Hán Nguyễn Du” (nghiên cứu, 1965), “Thơ Tống” (chủ biên, 1968), “Thơ văn Nguyễn Công Trứ” (nghiên cứu, 1979), “Hương hoa đất nước” (phê bình - tiểu luận, 1979), “Tuyển tập Trương Chính” (1977); một số tác phẩm dịch văn học Trung Quốc: “Gào thét”, “Bàng hoàng”, “Chuyện cũ viết lại”, “Tạp văn Lỗ Tấn”…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.