Thông tin này nhận được nhiều ý kiến trái chiều, trong đó không ít ý kiến bày tỏ quan ngại.
Lâu nay, khối ngành Y dược thường tuyển sinh theo tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh). Đây được coi là các môn truyền thống để xét tuyển đầu vào thuộc nhóm ngành sức khỏe. Việc một số cơ sở giáo dục đại học sử dụng tổ hợp có môn Văn để xét tuyển đầu vào nhóm ngành này được coi là bước “đột phá” và có phần táo bạo.
Tuyển sinh là câu chuyện tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học. Do đó, việc xác định tổ hợp môn xét tuyển thuộc thẩm quyền của mỗi trường. Tuy nhiên, cơ sở đào tạo có trách nhiệm giải trình căn cứ của việc lựa chọn tổ hợp môn để xét tuyển đầu vào. Theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định, cơ sở đào tạo quyết định phương thức tuyển sinh, áp dụng chung cho toàn trường hoặc áp dụng riêng cho một số chương trình, ngành, lĩnh vực và hình thức đào tạo, trong đó bao gồm tổ hợp môn thi. Tổ hợp môn mà trường đại học dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo.
Đặc biệt, tại Khoản 5, Điều 6, Thông tư trên yêu cầu rất rõ, cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh; trong đó có dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hằng năm.
Không phải ngẫu nhiên, nhóm ngành đào tạo sức khỏe và giáo viên lại là hai lĩnh vực được Bộ GD&ĐT quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Điều này cho thấy tầm quan trọng của chất lượng nguồn tuyển đối với khối ngành sức khỏe.
Song nhìn vào tổ hợp xét tuyển ngành Y của một số trường đại học gồm: Toán - Văn - Sinh; Văn - Hóa - Anh văn; Toán - Khoa học tự nhiên – Văn, thì việc dư luận băn khoăn, lo ngại không phải là không có cơ sở. Bởi lẽ, trong đào tạo ngành Y, Hóa học và Sinh học là hai môn quan trọng nhất, có thể chiếm tới hơn 2/3 kiến thức nền tảng của nghề Y.
Không sai khi nói “Văn là người” và cần thiết trong tất cả lĩnh vực, ngành nghề. Nhưng dùng môn Văn để tuyển sinh đầu vào ngành Y lại là câu chuyện hoàn toàn khác và cần cân nhắc, tính toán thiệt hơn. Bởi suy cho cùng, yếu tố quan trọng nhất mà cơ sở giáo dục đại học và dư luận xã hội quan tâm là chất lượng đào tạo của các trường như thế nào?
Trường nào có hình thức, cách thức tuyển sinh không phù hợp, đầu vào tuyển sinh quá thấp… sẽ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu và chất lượng đào tạo. Lẽ tất nhiên, về lâu về dài thí sinh sẽ không lựa chọn theo học. Đơn vị sử dụng lao động không thiết tha khi tuyển dụng.
Thiết nghĩ, để tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”, Bộ Y tế cần xây dựng Chuẩn chương trình đào tạo của khối ngành Sức khỏe. Chuẩn này không chỉ quy định về ngưỡng đầu vào, mà còn gồm yêu cầu khác về điều kiện bảo đảm chất lượng và chuẩn đầu ra cho từng nhóm ngành, ngành đào tạo.
Riêng với chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo, cần xác định rõ những yêu cầu tối thiểu về năng lực, kinh nghiệm phù hợp với từng trình độ, ngành và định hướng đào tạo mà người học cần đáp ứng để có thể học tập thành công.
Khi quy định về chuẩn đầu vào, các trường cần quy định rõ yêu cầu về kiến thức, năng lực… của người học; trong đó có thể yêu cầu về kiến thức các môn trong tổ hợp xét tuyển hay bài thi đánh giá năng lực đầu vào.