“Dược sĩ tay ngang” nơi núi rừng Nà Hẩu

GD&TĐ - “Quê tôi ở Yên Bình, nhưng tôi gắn bó với vùng cao Mù Cang Chải nhiều năm. Trước đây, do điều kiện khó khăn, người dân chưa được tiếp cận với y tế hiện đại nên họ thường tìm đến dược liệu trong rừng để thay thế thuốc tây chữa bệnh.

Thạc sĩ Phạm Tiến Thịnh (phải) chia sẻ tài liệu nghiên cứu về cây dược liệu.
Thạc sĩ Phạm Tiến Thịnh (phải) chia sẻ tài liệu nghiên cứu về cây dược liệu.

Nhưng do hiểu biết hạn chế, nên không ít người đã thiệt mạng bởi ăn quả độc, nấm độc. Vì vậy, tôi trăn trở làm sao để bảo tồn, gìn giữ những cây thuốc bản địa phổ biến cho nhân dân biết được giá trị, công dụng và cách sử dụng các loại dược liệu... từ đó, biết cách giúp mình, giúp người”. Đó là chia sẻ của Thạc sĩ  Phạm Tiến Thịnh, “dược sĩ tay ngang” nơi núi rừng Nà Hẩu...

Từ cán bộ kiểm lâm tâm huyết...

Chúng tôi đến Nà Hẩu vào một sáng mùa thu, khí hậu mát mẻ, trong lành. Những tảng mây lớn ôm trọn cả một khu rừng khiến khung cảnh thật hoang sơ và thanh bình. Đã hẹn từ trước, Phạm Tiến Thịnh đón chúng tôi tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu.

Sau cái bắt tay chắc nịch, rót tách trà thảo mộc mời khách, anh Thịnh kể: “Tôi sinh ra và lớn lên tại huyện Yên Bình. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, tôi vinh dự được cống hiến ở ngành Kiểm lâm - ngành mà tôi ấp ủ, mơ ước từ nhỏ.

Hơn 12 năm gắn bó với ngành và lần lượt trải qua môi trường công tác ở huyện Mù Cang Chải, TP Yên Bái, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái, đầu năm 2018 tôi được điều động, luân chuyển đến công tác tại Hạt Kiểm lâm huyện Văn Yên, trực tiếp phụ trách Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu”.

Anh Thịnh được giao phụ trách gần 5.000 ha rừng vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu - nơi có những loài động vật nhóm 1B, 2B, các thực vật nhóm 1A, 2A và các loại động vật thông thường khác.

Người dân xã Nà Hẩu phát triển cây dược liệu dưới tán rừng.
Người dân xã Nà Hẩu phát triển cây dược liệu dưới tán rừng.

Vì vậy, việc bám sát địa bàn và tham mưu giúp chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật, ngăn chặn, xử lý kịp thời các đối tượng đốt, phá, phát nương làm rẫy lấn chiếm đất rừng, săn bắn, bắt, bẫy và khai thác lâm sản trái phép luôn được Phạm Tiến Thịnh đặt lên hàng đầu.

Bởi hơn ai hết, anh hiểu đây là nơi chủ yếu đồng bào dân tộc Mông sinh sống, nhận thức của một số người dân còn hạn chế, nhiều người không biết nói tiếng phổ thông, cho nên việc tuyên truyền gặp không ít khó khăn.

Để những cánh rừng luôn xanh tốt, phát huy hiệu quả về môi trường, kinh tế, không còn hiện tượng đốt, phá rừng làm nương rẫy, buôn bán trái phép lâm sản, cùng với cán bộ trong đơn vị, Thịnh thường xuyên đi đến các thôn, các hộ tuyên truyền, vận động bà con hiểu về pháp luật, vận động người dân sống gần rừng ký cam kết không khai thác, săn bắn, bẫy các loài động vật hoang dã. Công việc tưởng chừng đơn giản, nhưng thực tế không hề dễ với cán bộ kiểm lâm.

“Không phải người địa phương, bất đồng ngôn ngữ, anh có giải pháp gì trong tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ rừng?” -  tôi hỏi. Thịnh trả lời: “Thú thực, lúc đầu gian nan lắm! Ở đây, đồng bào sống thưa thớt, giao tiếp bằng tiếng Mông. Để nói chuyện, gần gũi và hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân, không có cách nào khác là phải bố trí thời gian học tiếng Mông”.

“Vậy, anh đã tuyên truyền người dân bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) như thế nào? “Bây giờ người dân rất chú trọng bảo vệ rừng, PCCCR nên các công đoạn như: Phát dọn thực bì, đốt nương vào buổi sáng, lúc không có gió, làm đường ranh cản lửa... được đồng bào nơi đây nhớ kỹ và thực hiện nghiêm túc.

Nhiều năm nay, trên địa bàn không còn hiện tượng khai thác, săn bắn, bẫy các loài động vật hoang dã và rừng luôn được bảo vệ xanh tốt”, anh Thịnh cho hay.

Công tác ở địa bàn vùng cao đầy khó khăn và phức tạp, nhưng điều mà Phạm Tiến Thịnh cảm thấy hạnh phúc là luôn được đồng bào nơi đây tin tưởng, yêu quý. Anh Hảng Seo Thống, thôn Trung Tâm, xã Nà Hẩu cho biết: “Mới về đây công tác nhưng cán bộ Thịnh luôn gần gũi với chúng tôi, hướng dẫn cho đồng bào cách bảo vệ rừng, PCCCR và tuyên truyền cho người dân hiểu thế nào là vi phạm pháp luật. Ngoài ra, cán bộ Thịnh còn giúp dân lấy thuốc nam chữa bệnh”.

Một góc Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu.
Một góc Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu.

...Đến “dược sĩ tay ngang”

Không học ngành y, nhưng lại đam mê bảo tồn, phát triển các loại dược liệu quý hiếm là mong ước cháy bỏng của Thạc sĩ Phạm Tiến Thịnh ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Lý do duy nhất là anh không muốn để các loại dược liệu quý trên địa bàn tỉnh nhà và cả nước bị tuyệt chủng.

Cùng với đó, anh còn có suy nghĩ, thông qua việc bảo tồn, phát triển các cây thuốc quý còn giúp người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ hiểu biết để chữa bệnh mà còn làm giàu từ rừng.

Anh Thịnh tâm sự: “Quê tôi ở Yên Bình, nhưng tôi gắn bó với vùng cao Mù Cang Chải nhiều năm. Trước đây, do điều kiện khó khăn, người dân ở đó chưa được tiếp cận với y tế hiện đại nên họ thường tìm đến dược liệu trong rừng để thay thế thuốc tây chữa bệnh.

Do hiểu biết hạn chế nên không ít người đã thiệt mạng bởi ăn quả độc, nấm độc. Vì vậy, tôi trăn trở làm sao để bảo tồn, gìn giữ những cây thuốc bản địa để phổ biến cho nhân dân biết được giá trị, công dụng và kiến thức sử dụng các loại cây dược liệu... từ đó, biết cách giúp mình, giúp người”.

Trong quá trình nghiên cứu, Thạc sĩ Phạm Tiến Thịnh nhận ra trên địa bàn tỉnh Yên Bái, nhất là ở huyện vùng cao Mù Cang Chải có nhiều loài cây dược liệu quý như: Sâm vũ diệp (tam thất lá xẻ), thất diệp nhất chi hoa, hoàng liên, hoàng liên gai, hoàng liên ô rô, hoàng tinh hoa đỏ, hoàng tinh hoa trắng, ngũ vị tử, bạch cập, dương đào, tam thất hoang, lan kim tuyến…

Đặc biệt, có những loại có tuổi thọ hàng trăm năm nên dược tính rất cao. Tuy nhiên, do một số yếu tố khách quan, đến nay nhiều loại thảo dược quý không còn nhiều, một số loại đã đi vào sách Đỏ. Trong đó, không ít loại thảo dược quý gần như tuyệt chủng, điển hình như tam thất hoang, lan kim tuyến, sâm vũ diệp, thất diệp nhất chi hoa.

Anh Thịnh hướng dẫn người dân hiểu về tác dụng của các loại dược liệu quý.
Anh Thịnh hướng dẫn người dân hiểu về tác dụng của các loại dược liệu quý.

Theo Thạc sĩ Thịnh, nếu cứ để thảm thực vật rừng ngày càng suy kiệt thì không chỉ đơn thuần mất đi nguồn cây dược liệu quý mà còn làm mất đi thế mạnh đặc thù góp phần làm phong phú thêm loại hình du lịch sinh thái.

Anh Thịnh cho biết thêm: “Hiện nay, cả nước có khoảng trên 200 loại dược liệu có tên trong sách Đỏ thì tỉnh Yên Bái có khoảng gần 100 loại. Người dân có thể ươm, trồng và làm giàu trên đất đồi núi”.

Từ sự trăn trở đó, ngoài việc tham mưu giúp chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền về pháp luật trong bảo vệ rừng, ngăn chặn mọi hành vi khai thác lâm sản, phá đốt, lấn chiếm rừng làm nương rẫy, Phạm Tiến Thịnh còn tranh thủ thời gian nghiên cứu, bảo tồn các loài cây thuốc quý của tỉnh và của cả nước.

Anh luôn trăn trở rằng, chúng ta đang sống trên “núi” dược liệu quý nhưng thực tế nguyên liệu làm thuốc có nguồn gốc thảo mộc đều được nhập từ nước ngoài về. Đặc biệt, nhiều loại dược liệu quý chỉ còn tên trong sách. Vì vậy, việc nghiên cứu, bảo tồn các loài gen quý hiếm nằm trong sách đỏ nhóm 1A, 2A và 1B, 2B là rất cần thiết.

“Trong quá trình nghiên cứu, anh gặp khó khăn gì?” - Thịnh đáp: “Khó khăn nhiều lắm! Chẳng hạn, về mẫu vật, thông tin xác định đúng loài, hoạt chất, công dụng làm thuốc… Vì đam mê, nên tôi đã đi “gõ” và phối hợp với một số giáo sư, tiến sĩ của các trường như: Đại học Lâm nghiệp, Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Học viện Nông nghiệp, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, Viện Dược liệu, Đại học Y - Dược Thái Nguyên… cùng nghiên cứu để định danh cũng như công dụng, hiệu quả của các loại cây thuốc”.

Để trau dồi kiến thức y học, Phạm Tiến Thịnh còn chủ động tìm tòi, nghiên cứu nhiều tư liệu như: Từ điển Phương thang Đông y, Cây thuốc và động vật làm thuốc, Danh mục cây thuốc Việt Nam, các đề tài nghiên cứu của Viện Dược liệu… và học hỏi kinh nghiệm từ các lương y nổi tiếng trong, ngoài tỉnh.

PGS.TS Đại tá Hồ Bá Do - Phó Chủ tịch Hội Y học cổ truyền Việt Nam, giảng viên cao cấp Học viện Quân y cho biết: “Phạm Tiến Thịnh là một tấm gương sáng, quý và hiếm ở Việt Nam khi ở tuổi 37 mà có hơn 10 năm nghiên cứu về cây dược liệu.

Tuy không được đào tạo ngành y học, nhưng với lòng đam mê, nhiệt huyết, Phạm Tiến Thịnh đã nghiên cứu, khảo sát và bảo tồn được nhiều loại dược liệu quý, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của y học nước nhà”.

Phạm Tiến Thịnh “khoe” anh đã điều tra khảo sát được hơn 2.000 loài cây thuốc của Việt Nam và sưu tầm nhân giống được hơn 100 loài dược liệu quý.

Hiện anh tham gia một số đề tài khoa học ươm thử nghiệm cây trà hoa vàng, sâm hoàng sin cô, cát sâm, xuyên khung, đàn hương, sâm bố chính… bước đầu đem lại kết quả rất khả quan.

Đó là những tiền đề quan trọng để Phạm Tiến Thịnh biến ước mơ, mong muốn xây dựng đề án bảo tồn, phát triển các loại dược liệu quý trở thành hiện thực, đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển của y học nước nhà.

Chia tay núi rừng Nà Hẩu khi cơn mưa rào vừa ngớt. Những tia nắng thu xuyên qua tán lá, rọi xuống từng thung lũng làm bừng sáng cả một vùng rừng núi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ