Dũng tướng họ Nguyễn Cảnh

GD&TĐ - Thời nhà Lê Trung hưng, có một dòng họ xuất hiện nhiều tướng lĩnh cự phách ở xứ Nghệ và giỏi nhất chính là Nguyễn Cảnh Hoan (1521 - 1576) người huyện Thanh Chương.

Đền Hữu (xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương, Nghệ An), nơi lưu giữ nhiều giai thoại về Nguyễn Cảnh Hoan.
Đền Hữu (xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương, Nghệ An), nơi lưu giữ nhiều giai thoại về Nguyễn Cảnh Hoan.

Sớm thành danh

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà tướng có cha là Hưng hưu tử Nguyễn Cảnh Huy, Cảnh Hoan sớm được học văn võ, binh thư theo nghiệp nhà.

Mới 14 tuổi, Cảnh Hoan thi đỗ Hương cống, lại được cha, anh và cận tướng có biệt tài truyền dạy các tri thức làm tướng rất tận tình; bản thân Cảnh Hoan tinh nhạy, chuyên tâm rèn tập thường xuyên nên vừa thông hiểu văn chương, biết trận pháp, giỏi võ nghệ, sức địch hàng trăm người.

Tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung ám hại vua Lê Cung Hoàng và cướp ngôi lập nên vương triều Mạc. Cựu thần nhà Lê là An Thành hầu Nguyễn Kim quyết chí phù Lê diệt Mạc nên rút lên vùng Sầm Châu (Lào) chiêu nạp anh hào và đưa Lê Ninh lên ngôi vua với tôn hiệu là Lê Trang Tông (1533 - 1548) mở đầu cho thời kỳ được sử sách gọi là Lê Trung hưng.

Lúc đó, khắp vùng Thanh - Nghệ trộm cướp và giặc giã nổi lên quấy phá. Hưng hưu tử Cảnh Huy cùng năm con trai (sau này con cả được phong hầu, còn 4 người còn lại đều nhận tước công) về giữ trại Nùng Quán (Thanh Chương), đứng ra tổ chức dân binh và khai khẩn đất đai lập nên làng Tùng Lâm (2 xã Thanh An và Thanh Chi, Thanh Chương ngày nay).

Họ còn tích trữ lương thực, khí giới, dần chiêu mộ thêm binh sĩ biên chế thành quân ngũ để luyện tập và khởi binh tại thôn Chiêu Quả ở vùng Nam Đường (phủ Anh Đô). Đội quân của cha con Cảnh Huy đã tích cực tiễu trừ bọn sơn tặc, thu phục và tiêu diệt dần thế lực đối kháng, giúp đỡ cư dân địa phương, cả vùng Nam Đường từ đó mới tạm được yên ổn, nhân dân có thể kiếm kế sinh nhai.

Năm 1536, cha con ông mang quân sĩ đến Sầm Châu theo Lê Trang Tông sau khi trình diện Nguyễn Kim liền được tin dùng. Nguyễn Cảnh Huy được phong làm Bình Dương hầu, người con thứ Cảnh Hoan nhận tước Dương Đường hầu dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Kim.

Vị hầu tước trẻ tuổi Cảnh Hoan tướng mạo rất phi phàm: “Lông mày lưỡi mác, tác phong nghiêm ngặt, mắt nhỏ uy mãnh, đánh địch thần tốc, bộc lộ lòng son”, khi xuất hiện trước Nguyễn Kim, ngay lập tức được Dực Nghĩa hầu Trịnh Kiểm (lúc đó là tướng giỏi và là con rể Nguyễn Kim) mến mộ, coi trọng, tin cậy.

Năm 1548, Trang Tông mất, Trung Tông kế nghiệp, vào năm 1549 nhân khi lên ngôi Trung Tông phong Nguyễn Cảnh Huy là Dương Vũ dực vận tán trị công thần, hành đạo Hạ Nghệ An (Nam xứ Nghệ), Đô tổng binh sứ, tước Phúc Khánh công.

Trận đánh mở đầu cho sự nghiệp làm tướng của Cảnh Hoan là trận đánh tháng 12 năm 1547. Năm đó, nhà Mạc kéo quân vào đánh phá Thanh Hóa, căn cứ địa của vua Lê. Nguyễn Cảnh Hoan được giao trách nhiệm chỉ huy cánh quân phục kích, đón lõng.

Sử cũ chép rằng: “Dương Đường hầu Nguyễn Cảnh Hoan đem quân mai phục các con đường trọng yếu mà quân Mạc không ngờ tới. Ngay trong đêm, Cảnh Hoan tung hết quân mai phục ra đánh, chém hơn vạn đầu giặc. Quân Mạc thua to, vứt bỏ vũ khí mà chạy. Đại tướng Nguyễn Kính ôm vợ lên ngựa chạy ra khỏi cửa quan, rồi nhằm hướng Đông Kinh mà đi”.

Do lập được công lớn, Nguyễn Cảnh Hoan được nhà vua phong Đề đốc Tấn Quốc công, lúc này ông 26 tuổi (năm 1547).

Tiếp nối các chiến công

Tháng 7 năm Nhâm Tý (1552), thực hiện phương lược “Tiên hạ thủ vi cường” của trọng thần Lê Bá Ly, Thái sư Trịnh Kiểm của nhà Lê kéo đại quân ra chiếm Thăng Long.

Trong chiến dịch kéo dài 2 năm này, Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan lập được nhiều chiến công lớn, được gia phong là chức Thái bảo và được ban quốc tính theo họ của nhà chúa, gọi là Trịnh Mô, được coi là bề tôi tâm phúc, chúa lại cấp thêm quân binh, trao cho ông quyền được trông nom mọi việc quan trọng trong kinh ngoài trấn và luôn kề cận bàn việc trong màn trướng với chúa Trịnh.

Năm 1570, hay tin Thái sư Trịnh Kiểm qua đời, nhà Mạc cử danh tướng Khiên vương Mạc Kính Điển vét hết binh mã kinh thành vào đánh phá vùng đất Thanh Hóa, hòng chiếm lấy vùng đất Thang Mộc, căn cứ của triều Lê Trung hưng.

Trước nguy cơ đó, vua Lê Anh Tông (1556 - 1573) phong Trịnh Tùng làm Trường quốc công, thống lĩnh thủy bộ đại quân cự địch. Tùng cử Vinh quận công Hoàng Đình Ái, Tấn quận công Trịnh Mô, Lai quận công Phan Công Tích, Nghĩa quận công Đặng Huấn, Dương quận công Nguyễn Hữu Liêu... chia quân đắp lũy, đào hào cắm chông, bày trận.

Sau đó, Trịnh Mô và một số tướng giỏi nhận lệnh theo đường An Định, Vĩnh Phúc (Phủ Thiệu Thiên) đánh Tống Sơn; còn Hoàng Đình Ái và các tướng khác theo hướng từ Lôi Dương, Nông Cống đánh chiếm Quảng Xương. Vua tự làm Đô tướng cùng Trịnh Tùng lĩnh trung quân, đóng đại doanh ở Đông Sơn để chi viện.

Các mũi tiến công của nhà Lê đều thu thắng lợi, binh nhà Mạc lâm vào bất lợi, bèn rút quân. Tháng 2 năm Tân Mùi 1571, xét công phong thưởng, vua Lê gia phong cho Trịnh Mô làm Thiếu phó.

Sau nhiều tháng đánh chiếm Thanh Hóa bằng đường bộ không được, Tướng quân nhà Mạc bèn đem quân vượt biển đánh vào Nghệ An, hòng chiếm lấy hậu phương của triều Lê, tạo thế trong đánh ra ngoài đánh vào…

Trước tình thế đó, vua Lê lại giao cho Thiếu phó Tấn Quốc công Trịnh Mô và Lại quận công Phan Công Tích đem quân vào chiếm giữ Nghệ An. Năm 1574, hai tướng đem binh vào cứu Nghệ An, đánh nhau với đại tướng nhà Mạc là Thạch quận công Nguyễn Quyện vài tháng, Nguyễn Quyện thua trận bỏ chạy về Kinh.

Sự ra đi của danh tướng lừng lẫy

Năm Quý Dậu (1573), Triết vương Trịnh Tùng thấy ông làm tướng đã lâu, tiếng tăm lừng lẫy, có tài hùng biện, muốn đưa ông vào hàng quan văn, bèn phong làm Hiệp mưu công thần, đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Binh bộ Thượng thư, Thái phó Tấn Quốc công.

Từ năm Giáp Tuất (1574) đến năm Bính Tý (1576), quân Mạc do Nguyễn Quyện chỉ huy đánh phá Hoan châu, Cảnh Hoan đã chỉ huy đại quân cùng với 30 viên tướng, trong số đó có 5 người con trai của ông là Thế Quận công Nguyễn Cảnh Hựu, Trung Quận công Nguyễn Cảnh Huân, Cường Quận công Nguyễn Cảnh Vạn, Lập Quận công Nguyễn Cảnh Chiêu, Thư Quận công Nguyễn Cảnh Kiên chống cự đánh bại quân Mạc từ sông Tam Kỳ ra khỏi Cửa Hội.

Năm Bính Tý (1576), Mạc Kính Điển lại đem quân xâm lược Thanh Hóa, sai Tây Đạo tướng Mạc Ngọc Liễn đem quân đánh sông Đồng Cổ huyện Yên Định.

Tiết chế Trịnh Tùng cho mời Trịnh Mô từ Hoan châu về Thanh Hóa bàn việc chống giặc. Trên đường hành quân về Thanh Hóa ông bị thuộc tướng của mình phản bội báo thời gian, địa điểm hành trình cho Nguyễn Quyện. Quyện mừng quá cho quân mai phục ở huyện Ngọc Sơn, khi Cảnh Hoan đi đến thì hô quân đánh, Trịnh Mô ít quân, voi bị sa lầy, chống đỡ gần 1 ngày rồi bắt được Trịnh Mô đưa về Thăng Long.

Dũng tướng Nguyễn Cảnh Kiên (con thứ của Cảnh Hoan) cùng anh em và các tướng tâm phúc vừa khóc vừa thúc quân đuổi theo cứu cha, nhưng đến bờ biển thì thuyền của bọn Quyện đã đi xa.

Trịnh Tùng tiếc thương quá, vội phái người ra Bắc mang nhiều vàng chuộc Cảnh Hoan nhưng không có kết quả. Trong nhà giam, Cảnh Hoan vốn có tài làm thuốc nên chép các bài thuốc quý thành cuốn “Dược tính” giao cho gia nô vô thăm mang về quê.

Nhà Mạc thấy Trịnh Mô là danh thần, tráng sĩ nên hậu đãi định dụ hàng ông theo quân Mạc. Dụ dỗ mãi không được, nhà Mạc đã sai ngục tốt bỏ rượu độc hãm hại ông trong ngục.

Ngày 16 tháng 9 năm Bính Tý (1576), ông qua đời, thọ 57 tuổi. Thấy tấm lòng trung trinh của Trịnh Mô, tướng nhà Mạc - địch thủ của Trịnh Mô là Nguyễn Quyện cũng cảm khái, nể trọng.

Quyện sai sắm áo quan khâm liệm và xin vua Mạc cho đưa thi hài về an táng tại Hoan châu. Nguyễn Quyện đích thân đưa linh cữu Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan ra tận bờ sông, rồi cho thuyền chở linh cữu về tận Cửa Hội.

Nhà Lê tổ chức lễ quốc tang cho ông và năm 1602 triều đình Lê - Trịnh truy tặng Nguyễn Cảnh Hoan tám chữ: “Hùng Nghị Khuông Tế Trạch Dân Đại vương” (Hùng Nghị là tên thụy do triều đình đặt cho ông), đồng thời nhà vua sai Quốc sư Chính Hòa đưa hài cốt cát táng tại xứ Chọ Mây trong dãy núi Cấm và xây ngôi đền thờ lớn bên bờ sông Lam thuộc xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An để nhân dân hương khói phụng thờ.

Trong trận tổng công kích Thăng Long vào 1/1592, chính Nguyễn Cảnh Kiên, con thứ của Cảnh Hoan là một trong các tướng dũng mãnh nhất tham gia bắt Nguyễn Quyện.

Cảnh Kiên được phong tước Thư Quận công và tiếp nhận sách thuốc của cha về sau ngoài chiến công hiển hách, sự nghiệp y thuật cũng nổi danh.

Con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh đã tiếp nối được truyền thống của gia tộc, tiếp tục sự nghiệp trung hưng nhà Lê, nhiều người làm tướng, 18 người được phong quận công, 72 người tước hầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ