Nâng cao nhận thức về chăm sóc 1.000 ngày đầu đời của trẻ

GD&TĐ - Qua triển khai ở địa phương, dự án Câu lạc bộ học tập cộng đồng vì sự phát triển toàn diện của trẻ đã giúp nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc trẻ em trong 1000 ngày đầu đời.

Chăm sóc tốt trong giai đoạn 1000 ngày đầu đời giúp cho sự phát triển toàn diện của trẻ (Ảnh minh họa: Viện Dinh dưỡng quốc gia).
Chăm sóc tốt trong giai đoạn 1000 ngày đầu đời giúp cho sự phát triển toàn diện của trẻ (Ảnh minh họa: Viện Dinh dưỡng quốc gia).

Ngày 5-10, tại Hà Nội, Vụ Sức khoẻ bà mẹ, trẻ em (Bộ Y tế) phối hợp cùng với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cộng đồng (RTCCD), Đại học Monash (Australia) tổ chức hội thảo "Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện của trẻ trong 1.000 ngày đầu đời: Từ nghiên cứu đến vận động chính sách"

Theo TS Trần Tuấn, Giám đốc RTCCD, 1.000 ngày đầu đời của trẻ tính từ lúc người mẹ mang thai đến lúc bé được hai tuổi. Trong giai đoạn này, não bộ của trẻ phát triển nhanh nhất. Đây cũng là giai đoạn vàng để tác động tích cực tới sức khỏe và sự phát triển toàn diện của bé.

Cụ thể, nếu được đầu tư chăm sóc tốt trong giai đoạn “vàng” này, trẻ sẽ được cải thiện được các khả năng lúc trưởng thành như: thành tích học tập, mức sống, sức khỏe, khả năng hồi phục, khả năng quản lý cuộc sống... Điều này tạo cơ hội cho trẻ học cách kiểm soát, và tích nghi với những bất lợi trong đời sống.

Phân tích hệ thống chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trong nước cho thấy, hiện các mô hình chủ yếu tập trung vào vấn đề làm mẹ an toàn, cải thiện chế độ dinh dưỡng và sự phát triển thể chất thông qua việc bổ sung vi chất, hoặc hướng dẫn về nuôi con bằng chất sữa mẹ...

Tuy nhiên, hiện nay chưa có đủ chính sách hoặc chương trình can thiệp trên diện rộng tới tám yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện của trẻ em ở Việt Nam như: trẻ kém phát triển trong bào thai; thiếu máu do thiếu sắt ở mẹ; thiếu i-ốt ở mẹ; trẻ sinh ra nhẹ cân, còi xương; thiếu tương tác giữa cha mẹ, người thân và trẻ; thiếu cơ hội học tập; rối loạn tâm trí thường gặp ở mẹ; bạo hành gia đình.

Do đó, mô hình Câu lạc bộ học tập cộng đồng vì sự phát triển toàn diện của trẻ đã được triển khai nhằm mục tiêu cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của bà mẹ, sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

TS-BS Trần Tuấn cũng cho hay, kết quả nghiên cứu tại Hà Nam đã chỉ ra những vấn đề rất đáng lưu tâm về sức khỏe người phụ nữ khi mang thai và ảnh hưởng sự phát triển của trẻ. 33% phụ nữ mang thai ở ba tháng cuối và hai tháng đầu sau sinh bị chứng rối nhiễu tâm trí thường gặp; 32% thường xuyên lo lắng về an ninh lương thực gia đình, 20% phụ nữ mang thai ba tháng cuối có chỉ số cân nặng so với chiều cao thấp hơn chuẩn quy định.. Vì vậy, Hà Nam được chọn để triển khai thí điểm dự án Câu lạc bộ học tập cộng đồng từ năm 2014.

Chương trình áp dụng tại ba xã của địa phương này với các nội dung chính như hướng dẫn chăm sóc thai nghén; sức khỏe tâm trí phụ nữ mang thai và sau sinh; chăm sóc trẻ sơ sinh, trẻ bệnh; kích thích sự phát triển của trẻ…

Kết thúc giai đoạn 1 (2014-2015), Câu lạc bộ thu hút hơn hai nghìn lượt người tham gia, góp phần giảm tỷ lệ trầm cảm, lo âu ở bà mẹ ( 6,2% can thiệp, 11,1% đối chứng), đồng thời tăng chỉ số phát triển với sức khỏe của trẻ trên các điểm giao tiếp, điểm xã hội tình cảm….

Đáng ghi nhận, dự án đã nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của việc chăm sóc trẻ em trong 1.000 ngày đầu đời; giúp trẻ một thể chất khỏe mạnh nhờ chăm sóc đúng cách, qua đó góp phần giảm chi phí do bệnh tật.

Sau thành công của giai đoạn 1, dự án sẽ triển khai giai đoạn 2 với quy mô lớn hơn tại 84 xã ở tỉnh Hà Nam.

Từ thực tế triển khai dự án, TS-BS Trần Tuấn cũng khuyến nghị đưa chăm sóc 1.000 ngày đầu đời của trẻ vào gói y tế dự phòng cơ bản; lồng ghép chương trình chăm sóc này vào hệ thống đào tạo cán bộ y tế, cán bộ Hội Phụ nữ, giáo viên mầm non. Ngoài ra, cần thiết lập hệ thống dịch vụ khám và tư vấn toàn diện trong 1.000 ngày đầu đời cho trẻ em.

Theo NDĐT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.