Vợ không làm bớt tình cảm của con trai với mẹ
Làm sao để dung hòa mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu là một câu chuyện đau đầu của nhiều gia đình. Chị Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị REE chia sẻ:
“Khi có con dâu mới trong gia đình, tôi nghĩ rằng mình có thêm một đứa con thứ ba. Khi con dâu về sống cùng gia đình, tôi để con dâu mình được tự do, tự nhiên, thoải mái như chính trong gia đình”.
Chính vì điều này mà cô con dâu của chị cảm thấy biết ơn và rất thương mẹ chồng. Bản thân chị cũng cảm thấy mình may mắn vì có được một cô con dâu lúc nào cũng vui vẻ, cởi mở, hiểu chuyện.
Đôi lúc cha mẹ chồng có rầy la, nhắc nhở, cô con dâu cũng chỉ cười chứ không tỏ vẻ bực bội. Trong bữa cơm gia đình, cô luôn mời ba mẹ trước khi ăn. Thái độ và thói quen tốt này khiến chị rất hài lòng.
Tuy nhiên, không phải bà mẹ chồng nào cũng có được những suy nghĩ tích cực như chị. Có những bà mẹ chồng còn có suy nghĩ “không cần biết mặt mũi con dâu ta ra sao, ta lo, ta ghét trước rồi”.
Tại sao? Vì họ nghĩ rằng cô con dâu đã lấy hết tình thương của con trai bà trong khi bà dành hết thảy tình thương yêu, nỗi nhớ cho nó. Và cũng có trường hợp, cô vợ đặt anh chồng vào thế khó xử khi đặt ra cho chồng sự lựa chọn “giữa mẹ và tôi, anh chọn ai”.
Theo chị Mai Thanh, không có chuyện con trai san sẻ bớt tình cảm đã từng dành cho mẹ khi có vợ. Tình thương của con và mẹ không bao giờ thay đổi, và tùy cách ứng xử của mẹ chồng với cô con dâu mà tình thương con trai đối với mẹ nhân lên hay giảm đi mà thôi. Và ngay cả đối với người vợ, bản thân người chồng cũng cảm thấy hạnh phúc hơn khi vợ đối xử tốt với ba má chồng.
Tuy nhiên, lắm lúc cũng có gia đình rơi vào trường hợp mẹ và vợ không đồng quan điểm, gặp tình huống này, chị Giang, một nữ doanh nghiệp cho rằng luôn tránh đối đầu giữa việc này với việc kia, dù đó là mình hay là chồng mình cũng không bao giờ có sự thắng, thua trong quan hệ gia đình và xã hội.
Suýt mất con vì không biết khen
Được xem là người không chỉ có thành tích nổi bật trên thương trường mà chị còn nuôi dạy con cái rất thành đạt, trong đó, đứa con gái lớn của chị hiện đã tốt nghiệp Tiến sĩ tại Harvard và làm việc ở nước ngoài, chị Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc PNJ, Chủ tịch Hội Nữ Doanh nhân TP.HCM cho rằng, chị may mắn có được một mái ấm cân bằng giữa hạnh phúc gia đình và công việc. Tuy nhiên, chị cũng nhìn nhận từng mắc sai lầm trong cách dạy con.
“Gia đình chị hồi đó là thương gia giàu có, có năm, sáu người giúp việc nhà, nhưng con cái trong gia đình không được có tư tưởng “hưởng thụ”, “ỷ lại” mà phải tập tành làm việc ngay từ nhỏ.
Ba chị muốn các con hiểu được giá trị đồng tiền và nỗi vất vả của cha mẹ, ba cũng từng hoạt động cách mạng nên thường lấy đạo đức Bác Hồ răn dạy, lấy khuôn khổ, kỷ luật trong quân ngũ để giáo dục các con nghiêm khắc.
Tuy nhiên, việc gì cũng có hai mặt, cũng nhờ vậy mà chín anh chị em của chị đã trưởng thành, ra đời sống có nghị lực. Năm 31 tuổi chị đã là giám đốc” - chị Cao Thị Ngọc Dung trải lòng.
Tuy nhiên, vì thừa hưởng cách giáo dục đó từ gia đình nên vô tình chị áp dụng một phần khắt khe của cha ngày xưa vào trong cách dạy con bây giờ.
Chị không bao giờ cho các con nhận quà từ người khác, cũng chưa từng “khen” con dù con đạt nhiều thành tích học tập nổi bật mà coi đó là trách nhiệm đương nhiên của bọn trẻ.
Ngay cả trong cách quản lý nhân viên, chị cũng không “khen” và không biết khích lệ, động viên khi họ có được thành tích tốt, nên đôi lúc cũng có nhân viên không hài lòng về chị.
Chính vì cái “sai” này, chị đã trả giá không nhỏ. Năm con gái lớn của chị 13 tuổi, trong lòng cháu đã âm ỉ những bất mãn và bức xúc với mẹ. Lúc đó chị đã nhận ra nhưng vẫn không coi đó là vấn đề nghiêm trọng.
Mãi đến khi cháu nhận được học bổng, ra nước ngoài học tập và mang theo nỗi bức xúc ngày càng lớn trong lòng, và trước khi cháu tốt nghiệp tiến sĩ Harvard, thì đã có hai năm cháu phải điều trị tâm lý vì stress nặng.
Chị khóc rất nhiều khi nghe con nói ra những suy nghĩ của mình và trách cứ mẹ rằng các con chị không có được tuổi thơ vui chơi hồn nhiên như bao đứa trẻ khác. Đó là nỗi đau của một người mẹ mà suốt đời chị không bao giờ quên.
Bây giờ, đối với con gái út và ngay cả với nhân viên, chị đã biết “khen” nhiều hơn khi họ có thành tích tốt, nên con gái út của chị được xem là đứa “cân bằng” nhất trong ba đứa con của chị.