ĐB Nguyễn Thị Thanh Hòa cho rằng cần bổ sung quy định để đảm bảo quyền lợi của con dâu, con rể
Chiều 25/6, Quốc hội (QH) thảo luận về Bộ Luật Dân sự (sửa đổi), một vấn đề gây chú ý là quyền thừa kế của con dâu, con rể.
Đại biểu (ĐB) Khúc Thị Duyền (Thái Bình) cho rằng cần xem xét con rể, con dâu cũng được hưởng quyền thừa kế, vì hiện nay với quy mô gia đình ít con, con rể, con dâu cũng chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ vợ/chồng như con ruột, thậm chí ở nhiều gia đình, họ còn chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ nhiều hơn con đẻ.
ĐB Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) đồng tình với ý kiến này và đề nghị xem xét, bổ sung các quy định đảm bảo quyền lợi của con dâu, con rể trong việc thừa kế.
Theo vị ĐB là Chủ tịch Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam này, dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) chưa đề cập đến đối tượng trong quan hệ gia đình đó là con dâu và con rể. Có rất nhiều trường hợp con dâu, con rể sống chung với bố mẹ chồng, bố mẹ vợ trong thời gian dài đã có nhiều đóng góp và công sức vun đắp, chăm sóc gia đình chồng, vợ và đóng góp vào khối tài sản chung.
Bà Hòa phân tích: “Sự đóng góp này không tính được bằng vật chất và ngược lại tài sản giá trị nhất của gia đình thường là bất động sản lại đứng tên bố mẹ chồng, vợ; khi bố mẹ vợ, chồng mất đi để lại di chúc thì những người kia không được thừa kế”.
“Thực tế cho thấy không ít chị em cuộc sống hôn nhân không thuận lợi khi buộc phải ly hôn họ phải ra đi tay trắng vì tài sản có giá trị là nhà, đất đứng tên bố mẹ chồng dù trước đó có công sức chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ chồng trong thời gian dài” - bà Hòa tỏ qua quan ngại.
Trong khi đó, nhiều ông chồng mặc nhiên coi việc chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ mình là nghĩa vụ của vợ chứ không phải của mình. Về phương diện pháp lý, Luật hôn nhân gia đình đã quy định rất rõ, pháp luật đã công nhận mối quan hệ con dâu, con rể sống chung với bố mẹ vợ/chồng như là mối quan hệ giữa cha mẹ và con thông thường. Do đó, bà Hòa cho rằng bổ sung quy định như vậy sẽ đảm bảo bình đẳng giữa các mối quan hệ trong gia đình.