Theo các chuyên gia, các sản phẩm nước giặt, nước rửa bát tự chế không gây hại, nhưng thời gian giặt tẩy sẽ lâu hơn, hoạt tính nhẹ hơn, khó tìm nguyên liệu.
Nước rửa bát, nước giặt thảo mộc
Chị Phạm Thị Thanh Hà (khu chung cư Ecohome, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ công thức tự làm nước rửa bát bằng những nguyên liệu thảo mộc, chỉ với 15.000 đồng và 40 phút để làm ra 1 lít nước rửa bát.
Nguyên liệu gồm 1,5-2 lạng bồ kết, 8 củ sả, vỏ 2 quả bưởi. Bồ kết nướng hoặc rang lên, bẻ nhỏ, sả dập nát, cắt khúc, vỏ bưởi rửa sach, thái lát. Cho tất cả vào nồi rồi đổ nước xâm xấp. Đun sôi 15-20 phút rồi để nguội, cho vào chai là hoàn thành.
Theo chị Hà thì loại nước này dễ chế tạo, bát đũa sạch bóng, an toàn vì tự tay làm. Tuy nhiên nhược điểm của loại nước rửa bát tự chế này là dùng khá tốn, chai 1 lít chỉ dùng khoảng hơn 1 tuần là hết.
Ngoài nước rửa bát, người nội trợ còn có thể tự làm nước giặt. Theo hướng dẫn của nhân viên tư vấn thuộc Trung tâm Dược liệu Búp Xanh (TP Hồ Chí Minh), lấy 5-15 quả bồ hòn với 2 lít nước đun nhỏ lửa khoảng 1 giờ, sau đó tắt lửa, ủ qua đêm là quả bồ hòn tiết ra hết chất saponin (xà phòng tự nhiên) màu nâu đậm.
Chà nát quả bồ hòn, lọc lấy nước xà phòng đậm đặc cho vào hũ thủy tinh đậy kín để dùng. Khi dùng giặt quần áo bằng máy, với 7 kg quần áo cho 4 - 5 thìa canh dung dịch bồ hòn vào ô đựng xà bông trong máy giặt rồi bật bình thường. Nếu giặt tay dùng 3 thìa canh nước bồ hòn, ngâm vào quần áo để qua đêm.
PGS.TS Trần Hồng Côn - Khoa Hóa, Trường ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, đây là các phương pháp tự chế khá hữu ích. Quả bồ kết nướng lên, cho vào nước đun sôi kỹ để giặt đồ len, dạ, tơ tằm, voan, lụa hay các loại đồ bò muốn bền màu cũng dùng nước bồ kết đậm đặc ngâm 45 phút. Giấm ăn cũng có thể làm sạch tã lót sơ sinh, khiến da bé không bị mẩn ngứa khó chịu. Tinh dầu bưởi, quả bồ hòn cũng vậy.
Hoạt tính thấp
PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết, trước đây khi công nghiệp hóa mỹ phẩm chưa phát triển, người dân vẫn sử dụng những nguyên liệu sẵn có để làm đồ dùng giặt tẩy trong gia đình mà vẫn đảm bảo vệ sinh. Đây là xu hướng khuyến khích để bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe, không độc hại.
Tuy nhiên những thành phần như bồ kết, bồ hòn, giấm… có thành phần hoạt động bề mặt thấp nên ở góc độ nào đó thì không thể so sánh với nước giặt, nước rửa bát công nghiệp được.
Hoạt tính không mạnh nên khả năng giặt tẩy, làm sạch các chất bề mặt thấp, thời gian giặt tẩy sẽ lâu hơn.
“Giá thành của những nguyên liệu này nếu ở các vùng quê thì rẻ, nhưng nếu phải đi tìm mua thì so sánh với giá thành của đồ công nghiệp không phải là rẻ, chưa nói là khó tìm do nguồn nguyên liệu không phong phú. Với những vết bẩn lớn, cần tẩy rửa mạnh, đồ trắng cần giữ màu trắng tinh… thì loại hóa phẩm tự chế này không đáp ứng được.
Đây là những chất tẩy rửa sinh học rất tốt, nhưng khó để thay thế các loại hóa phẩm công nghiệp đang sử dụng. Nên với các gia đình có điều kiện tự điều chế loại hóa phẩm này, tốt nhất là nên sử dụng song song cả hai.
Với các loại quần áo, bát đĩa có ít dầu mỡ, vết bẩn, thì việc sử dụng đồ tự chế này là tất tốt. Ngược lại thì cần đến hóa chất có hoạt chất tẩy rửa mạnh”, PGS.TS Trần Hồng Côn chia sẻ.
Theo các chuyên gia, sử dụng loại hóa phẩm tự chế phải lưu ý thường xuyên kiểm tra bởi các loại thảo mộc này dễ biến chất khi để lâu, hoặc khi thời tiết nắng nóng kéo dài dễ bị lên men, dung dịch bị nhớt, chuyển mùi… thì cũng không còn tác dụng tẩy rửa.
Dùng nước rửa bát thảo dược thế nào để an toàn?
Nước rửa bát hữu cơ có đến 95% thành phần là các thảo dược và tinh dầu tự nhiên như trà xanh, oải hương, bạc hà, hương sả, bồ kết, cam… nên ít độc hại.
Trên thị trường, hầu hết các sản phẩm nước rửa bát hữu cơ đều là hàng nhập khẩu từ Mỹ, Nhật, Pháp… có giá khá cao, khoảng 100.000 đồng/500ml. Nước rửa bát hữu cơ tạo rất ít bọt khi rửa nên cho cảm giác không “sạch mấy” khiến bà nội trợ dùng nhiều và tốn kém.
Trên thị trường, một số loại nước rửa bát chỉ bổ sung một vài chiết xuất từ thảo dược cũng tự nhận là sản phẩm hữu cơ.
Để chọn được sản phẩm tẩy rửa hữu cơ thật sự, các bà nội trợ hãy tìm dấu chứng nhận hữu cơ của các tổ chức uy tín như Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Ủy ban Hữu cơ Quốc gia USDA, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ, Viện Pasteur TPHCM, Bộ Y tế… hoặc đọc trên nhãn mác của sản phẩm xem ghi bao nhiêu phần là hữu cơ và bao nhiêu phần là hóa chất tổng hợp.
Theo chuyên gia công nghệ thực phẩm Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ thực phẩm - Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội), nước rửa bát hóa học được pha trộn nhiều loại hóa chất, những sản phẩm này nếu chưa qua kiểm nghiệm khi vào cơ thể người sẽ có tác động xấu tới dạ dày, ăn mòn miệng, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, viêm da, ung thư da, gây ra các bệnh về đường hô hấp…
"Vì vậy, khi mua nước rửa chén bát, chị Thu nên đọc kĩ thành phần và không chọn những sản phẩm có 11 loại hóa chất siêu độc hại sau đây: 1,4 dioxane (giảm kích ứng da, có thể gây ung thư); phosphate (hương liệu thực phẩm); triclosan (chất sát khuẩn); SLS (Natri Lauryl Sulfate)/ SLES (Sodium Laureth Sulfate) là chất hoạt động bề mặt và thuốc tẩy; nước hoa; DEA (Diethanolamine), MEA (Monoethanolamie), TEA (triethanolamie) là các chất tạo bọt, giúp hòa tan các thành phần trong sản phẩm; thuốc nhuộm; APE (ethanols phenoxy alkyl); clo; formaldehyde (tạp chất tạo ra từ chất bảo quản hóa học); amonia".