Đứng núi này trông núi nọ

GD&TĐ - Cái câu ông trời không cho ai tròn vẹn hết, quả là chí lý. Người được cái này thì lại mất cái kia. Trong cuộc sống vợ chồng, nếu không bằng lòng với những gì mình có, mà cứ nghĩ “bên kia hàng rào có cỏ xanh hơn” thì cũng sẽ có ngày đường ai nấy bước.

Đứng núi này trông núi nọ

Chị đi làm về muộn, ghé lớp học thêm đón con. Thằng bé hí hửng chạy ra, khoe ngay với mẹ: Nhà mình có cô Trang chú Quân lên chơi. Có xe địa hình luôn đấy mẹ, đẹp lắm!

Chưa kịp ngạc nhiên vì bạn lên mà không thấy báo, chị đã nhận được tin nhắn của chồng. Rằng em về sớm nhé, có vợ chồng Trang lên tái khám đợt này…

Chị chẳng quá ngạc nhiêu khi chồng biết chuyện khách khứa đến nhà, còn mình thì không. Cả Trang và Quân đều là bạn học chung lớp của chị hồi phổ thông. Thời đại học và sau này vẫn luôn thân thiết, dù họ chọn con đường về quê lập nghiệp, không như chị quyết ở lại thành phố.

Chị kết hôn rồi cố bám trụ lại nơi đất chật người đông, còn Trang và Quân bằng lòng với hạnh phúc be bé thuở ấy. Chị từng chọc ghẹo Trang rằng, sau bao nhiêu bay nhảy cùng vô số anh chàng đeo đuổi, lại về ta tắm ao ta thế này!

Hồi xưa Quân nghèo, gia cảnh tầm thường, bề ngoài gầy gò dong dỏng. Giờ nhìn người đàn ông dáng bệ vệ, ăn nói rổn rang kia, thật chẳng có gì liên quan. Trang dần đổi cách xưng hô, kêu Quân bằng “anh”, khiến chị ban đầu bắt chước để trêu bạn, cuối cùng cũng quen miệng gọi luôn bạn cũ cùng lớp bằng anh.

Có lần tình cờ, khi tiếng “anh” buột ra, chị thấy Quân dành cho mình ánh nhìn là lạ. Vậy thôi, chứ chị cũng không để ý gì nhiều.

Bây giờ, cuộc sống vợ chồng Trang đã lật sang trang khác, chẳng những no đủ mà còn sang chảnh, sành điệu. Suy nghĩ ấy chấp chới trong đầu khi chị về đến, nhìn chiếc xe bốn chỗ dạng bán tải mới toanh màu cam rực rỡ đang đậu trong hẻm. Hèn gì con trai chị chẳng trầm trồ. Thằng bé vốn mê ô tô từ lúc còn tí xíu, đã từng thủ thỉ trong một dịp hiếm hoi được đi taxi, rằng con thèm có một cái “xe thiệt” như vầy ở nhà mình quá chừng chừng, mẹ ơi!

Ước mơ của con, đối với vợ chồng chị chắc còn khó hơn lên trời. Ngôi nhà nhỏ đang ở, hơn nửa mua bằng tiền vay ngân hàng, trả mãi mà lãi với gốc vẫn thấy còn nhiều quá.

Chẳng bù với vợ chồng Trang, nghe bảo đã có đất đai, căn hộ cho thuê, cơ ngơi đề huề. Quân giờ đã lên phó giám đốc sở, quen ăn to nói lớn rồi. Chị thoáng chạnh lòng khi nghĩ tới chồng mình.

Hồi ấy, khi chị nhanh chóng lập gia đình, bạn bè trang lứa đồng hương rì rầm với nhau, rằng chị may mắn, có phước mới lấy được người đàn ông làm trong một ngành thời thượng. Xe máy, điện thoại di động, mọi thứ ổn định cả. Tiếc thay, sau hơn mười năm mà anh vẫn trung thành với câu “dậm chân tại chỗ”, chẳng có gì thay đổi. Chỉ có cuộc sống là cứ âm thầm dịch chuyển không ngừng về phía trước…

Cái câu ông trời không cho ai tròn vẹn hết, quả là chí lý. Mấy năm gần đây, vợ chồng Trang thường xuyên lên thành phố điều trị hiếm muộn, tìm kiếm một đứa con. Lần nào họ cũng ghé nhà chị dùng cơm, ngủ lại.

Ban đầu, chị đãi bạn bằng những thức ăn có sẵn trong tủ lạnh, cá kho, rau luộc chấm chao, lấy nước vắt chanh. Bốn người lớn và hai đứa con nít quây quần bên mâm cơm đơn sơ mà ấm cúng, Trang ăn xong còn vô tư cạo nồi lấy cơm cháy ra nhai rào rạo.

Sau này, họ hay mang lên ít tôm cua gì đấy làm quà, và chồng chị ra đầu hẻm mua thêm mấy chai bia, cả bọn vừa ăn uống vừa tếu táo kể chuyện hồi bé…

Gần đây nhất, vợ chồng Trang hễ lên tới là nhờ chị đi siêu thị sắm sanh hoa quả, thức ăn. Lại nhiệt tình lấy xe chở đi, đợi chị mua hàng xong là giành phần thanh toán. Có khi Trang làm biếng ở nhà, mặc kệ chị một mình với Quân.

Để đỡ ngại, chị rủ con trai mình theo cùng. Quân vô cùng yêu chiều thân thiết với hai đứa con chị, hay rộng rãi mua đồ chơi quà bánh cho chúng. Khen chị khéo sinh, đủ trai đủ gái, đứa nào cũng bụ bẫm ngoan ngoãn. Giá mà…

Hai tiếng “giá mà” ấy nói lên bao nhiêu là mong mỏi. Vợ chồng lâu năm, kinh tế khá giả, bắt đầu thèm tiếng trẻ con bi bô trong nhà. Dù tuềnh toàng hay sang trọng, mà vắng vẻ chỉ hai vợ chồng ra vô với nhau mãi, chắc cũng buồn lắm... Chị nói vài câu an ủi, hy vọng việc chữa trị nhanh chóng có kết quả.

Bây giờ y học phát triển lắm, đừng nản lòng. Quân nói cảm ơn chị, rồi như nhân tiện bâng quơ rằng, thấy vợ chồng bạn hạnh phúc đủ đầy mà thèm…

Hạnh phúc đủ đầy ư? Chị cứ loay hoay trong lòng mãi. Chồng chị tuy không nói ra lời, nhưng thái độ đặc biệt mến Trang. Bằng tuổi nhau, nhưng Trang có vẻ xởi lởi trẻ trung hơn chị. Cuộc sống an nhàn thong thả, lại chưa từng trải qua sinh nở khiến Trang vẫn còn thon gọn, mơn mởn, tính tình nhẹ nhàng ham vui.

Nghe Quân kể, vợ mình hay tháp tùng chồng đi nhậu, có khi sức uống còn có thể hạ gục luôn cả khách khứa, đối tác của chồng nữa kìa. Chứ ai như anh, công việc đòi hỏi xã giao mà uống dở ẹc! Trang nửa đùa nửa thật “trả treo” chồng.

Riêng chuyện bia bọt ấy thôi là Trang rất hợp rơ với chồng chị rồi. Chị vốn ghét rượu chè, mà anh thì luôn lấy câu “vào năm ra bảy” làm luật. Đôi khi chị ước chồng mình giống được Quân, chỉ khi nào cần thiết, chẳng đặng đừng mới phải nhậu nhẹt…

Điều dễ thấy nhất, Trang luôn tỏ ra ân cần với ông xã chị. Bới cơm, gắp thức ăn, hỏi han các kiểu. Bình thường thôi, chẳng có gì khiến chị phải lăn tăn, tính Trang nào giờ vẫn nhiệt tình như vậy. Huống gì, vợ chồng Trang và Quân luôn cực kỳ hạnh phúc. Điều duy nhất để chị phải nghĩ, ấy chính là chồng mình…

Chị vẫn biết, chồng vốn là người hay ảo tưởng về bản thân, luôn cho là mình hay, mình giỏi, chẳng qua không gặp thời. Tiền tài danh vọng phù du, đâu phải cơ sở để đánh giá một con người.

Nên “chỉ có Trang là hiểu và trân trọng anh, chưa bao giờ chê anh lẹt đẹt mãi không thăng tiến. Mở miệng ra toàn khen ngợi đấy thôi, không như vợ anh hay cằn nhằn. Khích lệ cái gì mà như áp lực lên đầu người ta thế hở?!”

Chị cũng nhận ra sự quý mến kia không còn đơn thuần là quảng giao hiếu khách, coi trọng bạn vợ nữa.

Trang ngày càng giống bạn anh nhiều hơn. Từ dưới quê lên thì báo cho anh biết trước để chuẩn bị tiếp đón. Có phải ai xa lạ đâu mà bắt bẻ, khách sáo. Chị nghĩ vậy, cũng không lo lắng hoặc hờn ghen vu vơ gì cả. Chỉ là hơi buồn cười, cảm giác như mình thừa thãi khi chồng đang tíu tít tiếp đãi “bạn”.

Mà nói thế cũng hơi quá lời, vì Quân đối đãi với chị có phần dịu dàng quá đỗi. Cảm giác Quân quan tâm tới chị còn nhiều hơn dành cho Trang nữa. Ngồi vào bàn mà hai cặp dường như bị tréo ngoe, bên kia chồng chị hỏi Trang uống đá hay không, thì bên này Quân nhắc chị bỏ thêm tiêu vào tô cháo cho ấm. Ai lạ nhìn vào chắc khó mà đoán được đâu với đâu...

Thói quen lịch sự chu đáo vậy thôi, hay người ta cứ đứng núi này trông núi nọ một cách vô thức, ngưỡng mộ rằng cỏ bên kia hàng rào thì luôn xanh tươi hơn phía bên này?

Vợ chồng bạn chuẩn bị ra về, con trai chị dường như âm ỉ tiếc, cứ quẩn quanh bên cái xe đẹp đẽ “của mình”. Thấy vậy, chị đùa với con, hay theo cô chú về quê nhé, vừa có xe hơi xịn lại còn được ăn ngon? Cô chú cưng con nít lắm đó!

Thằng bé ra chiều suy nghĩ lung lắm, rồi buông câu trả lời khiến cả bọn người lớn giật mình: Con thích xe địa hình, nhưng ở nhà mình là vui nhất đó mẹ…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ