Đừng nhìn về phía biển

GD&TĐ - Biển bao năm vẫn vậy, có khác chăng là tâm thế con người khi đứng trước biển.

Đừng nhìn về phía biển

Đi hết con dốc là tới biển.

Hàng dương vẫn đứng trong gió hát, cát vẫn trải dài ôm mặt nước xanh. Biển bao năm vẫn vậy, có khác chăng là tâm thế con người khi đứng trước biển. Giống như anh bây giờ, biển chỉ còn là niềm khát khao, là nỗi nhớ cồn cào vị mằn mặn, thèm khát được ngụp lặn trong làn nước xanh.

Nhiều lần chị muốn nói với anh đừng ra biển làm gì nữa, bởi chị biết mỗi lần ra biển là một lần anh thức trắng đêm bên ấm trà, ngồi mân mê cây đục. Hèn chi cây đục dù không dùng đến mấy năm nay vẫn bóng loáng, sắc lẹm.

Chị biết đàn ông không bao giờ muốn bó buộc mình trong mấy bức tường, nhất là những người quen ngụp lặn như anh. Nhưng chúng ta, đôi khi phải chấp nhận sự thật, dù phũ phàng đau đớn đến đâu. Chấp nhận để vượt qua chứ không phải để ngã gục dưới chân nó. Biết nói sao cho anh hiểu bây giờ.

Trong đôi mắt anh giờ đây chỉ ngập tràn nỗi buồn. Trong trái tim anh chỉ ngập tràn nỗi bất mãn với bản thân. Giống như mụn nhọt lâu ngày, dẫu biết lể hết mủ sẽ mau lành, nhưng chỉ cần chạm nhẹ thôi là nó nhức đến tận óc. Anh có chịu được nỗi đau nhức ấy để cho chị lể không, và chị có đủ can đảm để lể nó không khi chỉ cần chạm nhẹ anh đã la hét than đau?

Chị không đủ can đảm! Chị không thể giả lơ, giả điếc không nghe tiếng anh rên la. Thành ra mụn nhọt càng ngày càng lớn, rễ ngày càng ăn sâu vô tim anh mất rồi. Nhiều lần anh bảo chỉ muốn ra đi, giải thoát cho chị và con. Mấy lần đầu, chị chỉ khóc, nhưng nghe hoài chị đâm bực, có lần tức quá chị quát:

- Anh cho đó là giải thoát ư? Đó chỉ là sự trốn chạy hèn nhát mà thôi!

Anh lặng im nhìn chị, từ đó không nói đến cái chết nữa. Anh đòi ra biển nhiều hơn, hầu như mỗi chiều, trừ những ngày chị tăng ca về tối.

Chiều nay cũng vậy, anh đòi ra từ sớm, khi trời chưa tắt nắng, bờ cát còn óng lên màu vàng ruộm. Gió thổi hơi nước phả vào tóc anh ẩm ướt. Anh nghe mùi mằn mặn của muối biển thấm qua lớp biểu bì. Anh hít hà hơi vị của biển, như đứa trẻ đã cai sữa vẫn còn thèm hơi mẹ.

Và anh nhìn những con thuyền đằng xa kia với nỗi thèm khát. Anh tưởng tượng ra những người đàn ông vạn chài đang tung mạnh tấm lưới vào khoảng không rộng lớn của biển, rồi khi kéo lên cơ man nào là cá giãy đành đạch trên khoang tàu. Yêu sao cái màu vảy bạc. Cái màu no đủ. Nhưng đó vẫn chưa phải là thú nhất. Thích nhất vẫn là được lặn xuống dưới đáy, men theo đá đục sò.

Có người gan hơn thì lặn sâu hơn, phía rặng san hô mò trai kiếm ngọc. Anh hít một hơi thật dài, ráng giữ hơi trong bụng lâu nhất có thể, y như cái hồi còn đi lặn, rồi khi thở ra, trở về hiện tại, anh lại buông tiếng thở dài thất vọng. Được ngụp lặn trong lòng biển rộng lớn ngoài kia giờ thành ước mơ xa vời. Kể từ khi tai nạn xảy ra, anh gắn cuộc đời mình trên bốn bánh xe lăn, nghe mọi thứ dần dần tan vỡ…

Chị để mặc chồng lặng yên trước biển. Chị hiểu anh đang nghĩ gì nên không muốn xen vào khoảng không gian riêng tư ấy. Biển có thời đã là chiếc cầu nối cho tình yêu của chị và anh. Nhớ hồi đó, khi mới về quê anh chơi, lần đầu được ra biển, chị đã thích thú đi chân trần trên cát cho đến khi mệt nhoài mới ngồi tựa vào vai anh nghe biển hát. Nhìn ra mặt nước mênh mông, chị đột nhiên hỏi:

- Bên kia là ở đâu?

- Bên nào?

- Thì bên bờ bên kia đó? Là đâu vậy anh?

Anh cười giòn tan:

- Làm gì có bên kia. Biển chớ có phải sông đâu mà có bờ?

Chị ngớ người ra rồi bẽn lẽn đỏ mặt. Thì từ hồi nào giờ mới ra biển, chị vẫn quen thói nhìn của người đồng bằng, bên này và bên kia sông! Rồi cũng từ đó, chị yêu biển, yêu anh. Biển mênh mông biết bao điều cho ta khám phá. Anh cũng yêu biển. Đàn ông xứ biển ai cũng yêu biển như anh. Họ ra khơi từ hồi vừa sẩm tối, tới sáng thì giong thuyền về, chỉ vào mùa sò mới đi đục ban ngày.

Đôi khi nằm ôm con một mình trong đêm, chị nghĩ rằng anh yêu biển nhiều hơn chị, rằng biển là người đàn bà có tài mê hoặc đàn ông, thế nên nhiều người đàn ông xứ này ra đi cùng biển mãi mãi, để những người đàn bà mỏi mắt trông chờ cho đến khi thân thể cạn khô nhựa sống và không thể chờ được nữa. Chị rất sợ mất chồng nên nhiều lần khuyên anh kiếm nghề khác mà làm.

Ban đầu anh chẳng nghe, nhưng do chị nài nỉ quá nên cũng xiêu lòng, bỏ biển đi phụ hồ. Được dăm bữa, anh chỉ còn là cái bóng, thức suốt đêm bên ấm trà, đốt thuốc chờ sáng. Lúc đó, chị hiểu rằng anh mê biển thật rồi, bắt anh bỏ biển khác nào cắt đứt nguồn nhựa sống. Chị đành để anh đi biển lại. Và cũng chính quyết định đó khiến bây giờ chị hối hận thật nhiều.

Giá như hồi đó cứ để anh mất ngủ vài tháng rồi anh sẽ dần quên biển thì anh đâu phải chịu cảnh ngồi xe lăn như bây giờ. Nhưng mọi thứ đã xảy ra, không ai có thể biết trước tương lai để mà lựa chọn thế này, thế khác. Âu cũng là cái nghiệp hai vợ chồng chị phải gánh.

Chị không sợ khổ cực, chỉ sợ anh không vực được tinh thần dậy để làm chuyện gì cả, đó là điều đau đớn hơn tất cả. Những đêm anh không ngủ, chị cũng nằm nhắm mắt thế thôi. Chị làm sao yên giấc khi chồng mình giằn vặt bản thân thế kia? Anh như người đuối nước, chị muốn kéo anh ra khỏi xoáy nước lắm nhưng không biết bằng cách nào để làm được.

Mải suy nghĩ vẩn vơ, chị quên mất anh, cho đến khi giật thót mình vì tiếng la toáng của mấy người xung quanh:

- Ê! Ê! Đừng lăn xe ra đó nguy hiểm lắm, cát lún đó!

Khi chị kịp định thần lại thì anh đã ngã nhào trên cát. Chị vội vã chạy lại đỡ anh lên, mấy người xung quanh cũng giúp chị một tay. Gương mặt anh cau có, tái lại. Anh ráng gồng hai cánh tay lăn xe quay trở vào.

Lặng yên đẩy anh ra đường sứ, đưa anh về nhà, giúp anh tắm rửa… Chị làm tất cả trong im lặng. Chị biết chỉ cần mở miệng nói một tiếng thôi, tất cả nỗi tủi nhục sẽ trào ra theo nước mắt, anh sẽ khóc thật. Đàn ông khóc là yếu đuối. Chị không muốn anh yếu đuối.

Khi xoa dầu vào những vết bầm trên chân anh, chị nhẹ nhàng:

- Anh đừng cử động nhiều, nhức lắm.

- Em còn thương anh chứ?

- Sao anh hỏi lạ vậy?

Chị ngạc nhiên nhìn anh. Anh né ánh mắt của chị nhìn ra phía cửa:

- Anh biết hết rồi! Nếu cần, em cứ tìm một con đường để đi, một người đàn ông có thể lo cho em…

Chị hụt hẫng:

- Chẳng phải anh hứa sẽ lo cho em suốt đời sao?

- Bữa giờ thằng Thành hay nhắn tin cho anh, nói hãy giải thoát cho em, nó vẫn còn thương em đó…

Giọng anh chùng xuống, rồi đột ngột, anh nhìn chị bằng đôi mắt hằn lên tia máu đỏ:

- Giờ anh chỉ là một thằng tàn phế, em hiểu không?

Thành là người yêu cũ của chị. Không ngờ anh lại nghĩ chị rẻ rúm đến vậy. Không kiềm được bản thân, cánh tay chị lao vút đi. Một tiếng “bốp” vang lên rất mạnh. Chị chạy vụt đi, bỏ lại anh phía sau với đôi mắt nhuốm đêm đen…

* * *

Sau cái sự cố lỡ tay, chị chọn cách im lặng. Anh cũng im lặng. Thành ra căn nhà giờ đây chỉ rộn ràng nhờ tiếng thằng Hai líu lo kể những chuyện ở trường, ở lớp. Mỗi lần cần nói gì với anh, chị lại biểu thằng Hai kêu ba mẹ biểu thế này, mẹ biểu thế nọ chứ không nói trực tiếp. Anh cũng làm y vậy. Thằng Hai mới đầu hớn hở ra chiều mình là nhân vật quan trọng, sau bị sai nhiều quá, thằng nhỏ đâm cáu:

- Sao ba má ngồi sát bên mà không nói với nhau đi, kêu con chi vậy?

- Thì má nói nhỏ sợ ba hổng nghe.

- Thì má la to lên. Ba mà hổng nghe nữa thì má kê sát vô lỗ tai hét lên.

- Cái thằng…

Chị bỏ dở câu nói, lườm nó một hơi dài. Anh làm hòa:

- Thôi, nhỏ mà lý sự quá. Má nó đưa tiền cho nó đi mua nước mía uống đi. Nóng quá là nóng.

Được giải phóng khỏi cuộc chiến tranh lạnh, thằng nhỏ hí hửng chạy chân sáo vụt ra ngoài ngõ. Chỉ còn hai vợ chồng, chị lảng đi rửa chén. Anh chúi đầu vô tờ báo. Rửa chén xong vẫn chẳng thấy thằng Hai về, chị nói trổng:

- Thằng nhỏ đi đâu mà lâu vậy ta? Lại la cà nữa rồi!

Chị nhớm gót định đi tìm nó nhưng anh gọi giật lại:

- Mình ngồi đây, tui có chuyện muốn nói với mình.

Cha, bữa nay mình mình tui tui nữa. Định nói cái gì đây hông biết.

- Mai mình ra ngoài xóm hỏi thăm xem chỗ nào người ta cho nhận đồ về làm gia công thì nhận về tui làm cho đỡ buồn.

- Chỗ bà Tám có cho lãnh hột đào về cạy đó.

- Hông, cái đó tỉ mỉ đàn ông sao làm được. Tui thấy báo người ta đăng cái nghề đan giỏ mây này cũng hay nè, hỏi thử chỗ nào cho lãnh thì nhận về tui làm.

- Cha, cái đó phải biết đan chớ không biết sao làm.

- Thì tui đi học. Người ta làm được thì mình làm được chớ gì đâu mà khó.

- Ờ, để mai tui đi hỏi thử coi.

Chị liếc trộm anh. Anh vẫn chúi mũi vào tờ báo. Coi bộ bữa nay cũng ngộ ra chút chút rồi đó. Do tờ báo hay là do cái chỗ hôm bữa của chị đây không biết?

Chị chưa kịp điều tra ra nguyên nhân làm anh thay đổi suy nghĩ thì anh đã học xong cái nghề đan giỏ mây mất tiêu. Mấy bữa rày, ngày nào anh cũng tự lăn xe đến nhà ông Sáu học đan giỏ, tối về cặm cụi đan tới tận khuya. Bữa đầu chưa rành, đan rồi gỡ, rồi đan rồi gỡ, có khi anh cáu ném cái giỏ dở dang xuống đất cái “bộp” làm thằng Hai đang học giật nảy cả mình.

Giờ thì anh đan rành rẽ rồi, anh còn bảo vài bữa đan quen anh chạy ăn sản phẩm. Người ta chạy sản phẩm có người kiếm được kha khá tiền, đủ cá mắm mỗi ngày. Anh mà thức khuya làm thêm chắc cũng kiếm được thêm chút mua cho thằng Hai vài bộ đồ mới. Nghe anh bảo vậy, thằng Hai nhanh nhảu:

- Ba, siêu thị đang có đợt giảm giá á, ba dẫn con đi mua liền đi!

- Cha mầy, ba mới học đan à, chừng nào rành mới làm nhanh được chớ! Chưa lãnh được đồng lương nào nó đã đòi mua đồ rồi, lanh dữ ha!

Thằng Hai cười giòn hơn tiếng xe cup của ông Tư xe ôm:

- Thì con dặn trước ông ba cho chắc mà.

- Thôi, rảnh thì phụ tui đan giỏ đi ông hai ơi!

Nhìn anh cầm tay dạy con đan giỏ, chị thầm cảm ơn sự vô tình nào đó làm anh dứt đôi mắt ra khỏi biển. “Biển ơi, ở lại đó thôi nghe, phía sau hàng dương xanh mát, đừng tràn vào ngôi nhà nhỏ của tui nha”, chị thì thầm nhờ gió nhắn với biển, và gió, ngún nguẩy quay ngoắt ra biển kể lể gì đó, để biển vỗ vào bờ oàm… oặp…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Doãn Ngọc Tân lỡ hẹn trận gặp Malaysia vì chấn thương.

Doãn Ngọc Tân lỡ hẹn trận gặp Malaysia

GD&TĐ - Khó trở lại thi đấu do chấn thương, tiền vệ Doãn Ngọc Tân có thể vắng mặt ở đợt hội quân tháng 6/2025 chuẩn bị cho trận tuyển Việt Nam làm khách Malaysia.

Man United quyết bán bằng được Sancho.

Man United giảm giá bán Sancho

GD&TĐ - Câu lạc bộ Man United quyết định hạ giá bán Sancho sau khi nhiều đội bóng quay lưng với cầu thủ này.