Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng “thiết bị về trường nhưng không ra lớp” vì công tác quản lý chưa sâu sát và hạn chế trong năng lực sử dụng thiết bị của giáo viên.
Ngại sử dụng thiết bị dạy học
Nói về thực trạng mua sắm, trang bị và sử dụng thiết bị để dạy học, ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD&ĐT) nhận định là không đồng đều ở các địa phương, trường học. Các trường ở thành phố, thị xã, vùng thuận lợi được chính quyền ưu tiên cấp kinh phí, mua trang bị thiết bị dạy học đầy đủ, không lạc hậu. Một số trường do làm tốt hoạt động xã hội hóa nên đã xây dựng được xưởng, vườn trường, phòng dạy tin học, ngoại ngữ hay dạy học STEM… khá hiện đại. Bên cạnh đó, nhiều trường ở các vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, nhất là khối các trường tiểu học, điểm lẻ, thiết bị dạy học thiếu thốn, lạc hậu và cũ kỹ.
Cùng vấn đề trên, ông Đặng Tự Ân nhắc đến thực trạng còn có giáo viên tâm lý ngại khó, không muốn sử dụng thiết bị vào dạy học; chỉ thích “dạy chay”, vừa nhàn vừa không mất thời gian chuẩn bị trước khi lên lớp. Từ giáo viên dẫn đến học sinh có thói quen không thích thực hành, làm thí nghiệm hay hoạt động nghiên cứu khoa học. Mặc dù, bản chất của lớp trẻ rất thích hoạt động, tìm tòi khám phá qua hành động thực tiễn. Đa phần các em không thích ngồi học suốt buổi, căng đầu với các con số, ghi nhớ và xử lý số liệu.
“Nói lý thuyết, hàn lâm thì dễ và luôn luôn đúng. Làm thí nghiệm, dạy thực hành không phải lúc nào cũng suôn sẻ và chắc chắn đúng. Hành động trí óc và thực hành cũng có khoảng cách, không thể thường xuyên giống nhau. Nhưng phải khẳng định, giáo viên trên lớp chỉ nói là đặc điểm của lối dạy học cũ, cần phải thay đổi” - ông Đặng Tự Ân cho hay.
Nói về nguyên nhân trong hạn chế sử dụng thiết bị dạy học, ông Đặng Tự Ân còn cho rằng công tác quản lý, chỉ đạo về thiết bị dạy học đâu đó chưa sâu sát, có nơi chưa chú trọng việc sử dụng hiệu quả. Nơi cung cấp thiết bị và đồ dùng dạy học chưa đi sát với nội dung đổi mới dạy học trong các nhà trường. Nhiều thiết bị cấu tạo dưới dạng tĩnh, không hấp dẫn, lôi cuốn học sinh.
Các thiết bị thuộc loại ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học đã được chú trọng trong sản xuất và cung cấp cho các trường nhưng tuổi thọ thường không cao. Thực tế, có trường bằng ngân sách thành phố cấp lắp đặt cho 100% lớp học bộ dạy học qua máy chiếu và màn hình khổ rộng, nhưng mỗi tháng mới sử dụng vài ba tiết.
Từ thực tế công tác, một hiệu trưởng ở Thái Bình cũng thừa nhận còn có tình trạng giáo viên ngại sử dụng thiết bị. Thiết bị có nhưng không dùng mà chỉ dạy chay. Có trường chỉ sử dụng thiết bị khi có hội giảng, chuyên đề. Có trường thiết bị hỏng hóc nhiều, đặc biệt với các môn Vật lý, Công nghệ, Sinh học. Đặc biệt, có thiết bị mua về không phù hợp, không hiệu quả nên dù kinh phí lớn nhưng vẫn đắp chiếu “ngủ đông”…
Thầy Lê Đông Tĩnh, Hiệu trưởng Trường THCS Bảo Yên (Thanh Thủy, Phú Thọ) khẳng định, nhà trường không có hiện tượng thiết bị về trường nhưng không ra lớp. Tuy nhiên, còn có một số thiết bị dạy học không phù hợp với việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, Chương trình, sách giáo khoa mới và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học. Kinh phí đầu tư, mua sắm, sửa chữa duy trì thiết bị dạy học hàng năm quá lớn trong khi đó nguồn kinh phí của nhà trường hết sức khó khăn. Một số thiết bị không còn phù hợp khi thực hiện ứng dụng CNTT như: Tranh ảnh giáo khoa, bản đồ... Những thiết bị này được thay thế khi sử dụng máy chiếu trên lớp.
Sử dụng thiết bị: Nghiêm túc, thực tiễn, khả thi
Từ thực tiễn triển khai, cô Mai Thị Bích Nguyện, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS An Vũ (Quỳnh Phụ, Thái Bình) nhấn mạnh: Trước hết, cán bộ quản lý nhà trường cần thống nhất nhận thức việc lập kế hoạch để thực hiện hoạt động giáo dục, sử dụng thiết bị dạy học trong đơn vị. Sau đó, tổ chức chỉ đạo thực hiện kế hoạch - việc này có ý nghĩa quyết định để biến kế hoạch thành hiện thực.
Còn theo ông Đặng Tự Ân, nhà trường phải làm rõ cho giáo viên hiểu đổi mới dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới là đổi mới cách dạy, cách học. Học sinh học qua hoạt động, qua thực tế. Học là hướng tới hoạt động thực hành và làm ra sản phẩm. Giáo viên tổ chức các hoạt động lĩnh hội tri thức cho học sinh theo quy trình tư duy, quy luật nhận thức.
Bản chất của phương pháp dạy học đổi mới là phương thức dạy học kiến tạo. Nghĩa là đòi hỏi người giáo viên phải tổ chức cho học sinh, thực hành trải nghiệm với những hành động thực (trí óc, tay chân) qua đó phát hiện và tìm cách giải quyết vấn đề, đạt mục tiêu mà bài học đòi hỏi. Cùng với đó, tăng cường cung cấp các thiết bị dạy học hiện đại cùng tập huấn sử dụng một các kỹ càng cho giáo viên. Hoạt động sinh hoạt nhóm phải được coi trọng. Nhóm là nơi chia sẻ các kinh nghiệm, cũng như bồi dưỡng lẫn nhau về kỹ năng sử dụng thiết bị. Nhà trường nên dành nhiều thời gian cho giáo viên trao đổi học tập lẫn nhau về sử dụng thiết bị dạy học.
Cần xây dựng kế hoạch hành động cụ thể trước khi thiết bị được chuyển về trường. Trong đó phải nêu rõ thiết bị này được sử dụng như thế nào, ở đâu, vào bài học nào trong kế hoạch chuyên môn nhà trường. Hàng tháng, từng học kỳ có đánh giá giáo viên đã sử dụng thiết bị dạy học đến đâu, mức độ thế nào. Nên tổ chức các cuộc thi sử dụng đồ dùng dạy học trong trường hay liên trường.