Sau hình phạt, cậu HS “hay chuyện” trong giờ học đã biết trật tự nghe thầy giáo giảng bài. Nhưng mỗi lần nghĩ lại hơn nửa tiết quỳ gối góc lớp hôm đó là thấy chua xót. Bởi sau đó một thời gian dài, cậu không dám ngẩng mặt tự tin trước cô bạn gái thầm thích ở lớp. Khuôn mặt nghiêm khắc của thầy giáo lúc chỉ thẳng ngón tay bảo cậu quỳ gối khiến cậu không còn thấy giờ học của thầy giáo thú vị. Mỗi khi thấy các bạn túm tụm cười nói, đang định tung tẩy chơi, cậu chợt rụt lại nghĩ “Hay là chúng nó đang nói vụ mình bị quỳ gối…”. Có cậu bạn khác cũng bị phạt quỳ gối thì lại rơi vào trạng thái nổi loạn, thách thức. Lúc nào cũng ra mặt chống đối, kiểu: “Quỳ thì quỳ, sợ gì. Quỳ mỏi thì đứng, đuổi học thì ở nhà… chơi”. Thầy giáo bảo: Tôi bất lực không GD được cậu.
Chỉ khi chuyển cấp học với các bạn mới, thầy cô giáo mới, cảm giác tự ti đó dần vơi bớt. Chính cô giáo chủ nhiệm lớp mới đã truyền cảm hứng cho cậu làm nghề giáo. Và điều cậu học trò học được từ cô giáo chính là không bao giờ dùng hình phạt khiến HS cảm thấy mất mặt, xấu hổ. Biện pháp “cùng quẫn” này không chỉ phản GD, mà còn gây ảnh hưởng đến tâm lý, tổn thương nhân cách học trò. “Đừng tưởng làm GV mà có quyền đứng trên dạy bảo. Nhiều khi phải ngồi xuống làm bạn với HS, lắng nghe chúng, nhìn thẳng vào mắt chúng để hiểu tâm tư, tình cảm. Lớp 8, lớp 9, cái tuổi ẩm ương, sẵn sàng bất cần, nổi loạn, nếu cứ chỉ nhăm nhăm dùng hình phạt thì làm sao để HS tâm phục khẩu phục?” - ông giáo già tâm tư.
“Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Ai cũng một thời cắp sách đến trường, đều đã có vài lần mắc lỗi lầm, nghịch dại. Kỷ niệm đó sẽ tươi hồng theo suốt cuộc đời nếu được thầy/cô giáo cảm hóa HS bằng sự chia sẻ, yêu thương. Ngược lại, đó sẽ là vết sẹo trong tâm hồn, chỉ nhắc thoáng qua thôi lại thấy “a cay” nhức nhối. Nếu HS phạm lỗi, GV chỉ biết to tiếng quát mắng, những hình phạt nặng nề, có người không kiềm chế thì động chân động tay, há chẳng phải uổng công 4 năm học sư phạm sao? Là giáo viên được học về tâm lý lứa tuổi, học phương pháp sư phạm… mà không áp dụng được những kiến thức đã học vào thực tế thì… khác gì bố mẹ nóng tính đứng lớp dạy con.
Không ít người nêu quan điểm, rằng nếu không cho GV phạt HS thì làm sao mà dạy HS nên người. Xin hỏi lại rằng: Phải chăng chỉ có hình phạt mới GD được học trò? Bao nhiêu bài học về kỹ năng sư phạm kỷ luật tích cực, kỷ luật không nước mắt… trong trường sư phạm chả có ích lợi gì trong thực tiễn nhà trường? Tại sao thầy cô tự đặt mình vào thế “một mình” khi không kết hợp với tập thể đồng nghiệp và gia đình để GD HS trong trường hợp cảm thấy bế tắc, bất lực? Có ý kiến cực đoan cho rằng, nếu cha mẹ không đồng ý hình phạt quỳ gối của GV thì mang con về dạy. Điều này một mặt thể hiện sự yếu kém về nghiệp vụ, mặt khác phơi bày tư duy sai lệch về nghề nghiệp. Đừng cho rằng làm thầy, làm cô là có quyền năng vượt trên cả quy định của nghề nghiệp, của luật pháp. Xin nhớ cho, dù là ngành nghề nào cũng không bao giờ cho phép sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã phát động “Trường học hạnh phúc”, nhấn mạnh đến ba tiêu chí: Yêu thương, An toàn, Tôn trọng, lưu ý các nhà trường, GV cần tôn trọng sự khác biệt của HS, thấu hiểu, chia sẻ và hỗ trợ HS vượt qua khó khăn. Thời buổi 4.0, từ bố mẹ với con cái giờ cũng phải thay đổi tư duy “yêu cho roi cho vọt”, thì thầy cô giáo cũng vậy, đừng biến mình thành tấm gương của bạo lực, hành xử sao để trường học phải đúng nghĩa là nơi giáo dục, giáo viên phải là tấm gương cho học trò.