Đừng để “tay nhanh hơn não”…

GD&TĐ - Phải khẳng định ngay rằng, cụm từ “tay nhanh hơn não” xuất hiện đã lâu, để chỉ những người sử dụng mạng xã hội, nhất là Facebook, không cần suy nghĩ, kiểm chứng, thẩm định gì đã vội vã like (thích), bình luận (comment), chia sẻ (share) thông tin thất thiệt, sai trái kèm theo những từ ngữ hết sức võ đoán, quy chụp, lên án đầy cay nghiệt trên dòng trạng thái (status) của mình.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Mà kỳ lạ là những người “tay nhanh hơn não” ngày càng phổ biến, không chỉ giới hạn ở những đối tượng trẻ trâu, vô công rồi nghề, ăn chơi lêu lổng, bất mãn…, mà còn lan cả đến những người có ăn học đủ đầy, thậm chí có chức vụ, nghề nghiệp đáng mơ ước trong xã hội.

Vừa qua, GS Nguyễn Minh Thuyết - Chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Cánh diều - trả lời báo chí rằng, ông bị “vu vạ” vì bài học về bốn cái làn được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, “khiến nhiều người có uy tín cũng xông vào chửi”. GS Thuyết cho rằng, “hình ảnh bài học này được ghép với một trang sách giáo khoa được cho là sách Tiếng Việt”…

Liên quan đến việc này, GS Trần Đình Sử - Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn Tiếng Việt - trả lời báo chí rằng, “tôi còn đang giữ các bộ sách trong tay, phải cầm quyển sách, kiểm tra từng trang. Vừa rồi có một trang sách mà được thêu dệt là có ví dụ về “bốn cái làn” thì cũng không có sách nào có hết… Mà hoàn toàn là dựng chuyện, bịa đặt. Không biết ai đã đứng ra làm việc đó nhưng cộng đồng lại thi nhau chia sẻ”.

Không chỉ riêng bài học về bốn cái làn, nhiều bài học khác cũng bị mang ra phê phán, đả kích, châm biếm sau khi đã được thêu dệt, dựng chuyện, bịa đặt, cắt ghép… Mà không chỉ riêng việc sách giáo khoa, những bài học cụ thể, cả chuyện liên quan tới gia đình mà ông Thuyết đăng trên Facebook cũng bị mang ra bỉ bôi, dèm pha, giễu nhại. Thậm chí, những sự xuyên tạc, gán ghép về nội dung sách giáo khoa tiểu học có từ 4 - 5 năm trước cũng được “khai quật” để “tát nước theo mưa”…

Năm học mới chỉ bắt đầu được hơn 1 tháng. Sự hứng khởi còn đang diễn ra ở các trường học khắp cả nước. Ý kiến của các thầy giáo cô giáo, học sinh, phụ huynh có trái chiều trước sự đổi mới cũng là điều dễ hiểu.

Bao giờ cũng vậy, sự góp ý hợp lý, đúng đắn sẽ được, và phải được lắng nghe để điều chỉnh cho phù hợp. Tất nhiên, những góp ý, phê phán, thậm chí mạt sát không chỉ tới những người có liên quan trực tiếp, dựa trên sự cố tình cắt ghép, làm sai lệch nội dung, bản chất sự việc thì đó không còn là đóng góp dựng xây nữa, mà là ý đồ cá nhân thì cần phải bị lên án, chấm dứt.

Bởi đó không chỉ là sự phá hoại có chủ đích nhằm vào nhóm tác giả sách giáo khoa, mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới các em học sinh mới chỉ ê a tập đánh vần, học những bài học đầu tiên trong cuộc đời học sinh hồn nhiên, tươi đẹp. 

Thế nên, GS Nguyễn Minh Thuyết “mong dư luận bình tâm, để không gây áp lực cho các thầy cô đang hào hứng bước vào năm học mới”, cũng là điều hợp lý ở thời điểm hiện tại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.