Đừng để nông dân phải dùng hàng giả

Đừng để nông dân phải dùng hàng giả

Nhìn bề ngoài không khác gì nhãn hiệu bột giặt Omo chính hãng nên bà Nguyễn Thị Lợi ở Long Phú (Quốc Oai – Hà Nội) quyết định chọn mua gói xà phòng Omo loại 1kg ở chợ, nhưng khi mang về nhà giặt quần áo thì thấy mùi lạ, không lên bọt. Bà mang bao bì ra đọc thì thấy những dòng chữ nhoè và không ghi hạn sử dụng và nơi sản xuất trên bao bì. Bà Lợi ngồi ngán ngẩm: “Mình bị lừa vì hàng nhái rồi!”.

Ngay trước cổng trường tiểu học xã Bình Đà (Thường Tín – Hà Nội), hàng giải khát của bà Nguyễn Thị Lan bán đủ các loại nước ngọt, nước khoáng tinh khiết giống hệt về hình thức và kiểu dáng các nhãn hiệu nổi tiếng Pepsi, Coca cola, Aquafina,… nhưng khi xem kỹ nhãn mác thì các sản phẩm đó được làm khác đi về tên gọi như Aquatina, Pesi,…

Hàng Việt về nông thôn (ảnh: Internet)
Hàng Việt về nông thôn (ảnh: Internet)

Là một tiểu thương kinh doanh vải lụa lâu năm ở chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm – Hà Nội), chị Trần Thị Hà cho biết, quần áo chị bán đa số là hàng gia công và hàng Trung Quốc vì giá rẻ nên dễ bán. Khách đến mua hàng thường chỉ hỏi giá, thấy vừa túi tiền thì mua. Chị cũng từng thử lấy hàng có thương hiệu nhưng người dân chê hàng chợ mà giá đắt quá nên không mua. Thậm chí nhiều người chẳng tin vì họ sợ mua phải hàng nhái, hàng không chính hãng.

Theo thống kê của Bộ Công thương, hiện tại cả nước có hơn 9.000 chợ của hơn 6.000 xã và 550.000 điểm bán lẻ trên cả nước. Tuy nhiên, đầu tư của Nhà nước cho nông thôn con thấp (14% tổng đầu tư). 70 % dân số sống ở nông thôn nhưng mạng lưới cửa hàng bán lẻ tương ứng đang phục vụ họ chỉ chiếm 47% của cả nước. Và mức tiêu dùng của lực lượng 70% dân số này chỉ chiếm 27% doanh số bán lẻ trên cả nước. Và tỷ lệ hàng giả, hàng nhái lại đang hoành hành tại đây. Giá rẻ, mẫu mã đẹp đã thu hút lượng đông đảo bà con nông dân đến với những mặt hàng không được kiểm soát về chất lượng này trong khi chúng ta đang thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt”. Hàng Việt ở chợ nông thôn có chăng là những sản phẩm nhái, ăn theo các nhãn hiệu nổi tiếng, và cũng chỉ khi các cơ quan có chức năng quản lý thị trường vào cuộc thì người tiêu dùng nông thôn mới biết đó là hàng nhái. Có thể coi thị trường nông thôn hiện nay là mảnh đất màu mỡ cho các sản phẩm kém chất lượng, chứ chưa là điểm dừng chân của hàng Việt Nam có chất lượng

Buông lỏng quản lý

Theo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, phần lớn hàng lỗi, hàng xấu thì đổ về nông thôn, vùng sâu, miền núi trong khi những mặt hàng tốt thì dành cho xuất khẩu và thành thị. Người dân nông thôn trước hết quan tâm đến giá rẻ phù hợp với túi tiền của mình, sau đó mới tính đến chất lượng. Vì thế, hàng nhái, hàng kém chất lượng lại có cơ hội “độc chiếm” thị trường nông thôn.

Ngoài ra, vấn đề xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn do chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa thấm vào đâu so với lợi nhuận và vốn bỏ ra cho loại hàng giả. Bên cạnh đó, nhiều người ở nông thôn khi gặp phải hàng kém chất lượng đều có chung suy nghĩ bỏ qua, vứt hàng đi mà không tố giác lên cơ quan chưc năng.

Ông Đỗ Gia Phan – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, có một thực tế, một số mặt hàng nhái người nông dân biết nhưng họ vẫn dùng vì giá rẻ. Xét từ góc nhìn xuất phát từ lợi ích, người tiếu dùng ở nông thôn cũng cần được  trang bị kiến thức cần thiết để tránh bị lừa, tránh hàng xấu, hàng nhái, hàng giả. Họ cần được thông tin trung thực để biết được thực chất của hàng hoá, dịch vụ.

Việc thông tin, quảng bá sản phẩm nội cho người tiêu dùng là một việc làm cần thiết, không những cần cho doanh nghiệp mà còn có ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên điều người tiêu dùng cần là thông tin trung thực về hàng hoá dịch vụ, vì vậy bên cạnh việc gây ấn tượng về thương hiệu của doanh nghiệp thì lượng thông tin hàm chứa trong thông điệp quảng cáo đối với người tiêu dùng là rất cần thiết.

Chúng ta cần nhớ là một khi thượng đế mất lòng tin là doanh nghiệp mất tất cả. Người ta đã tổng kết là nếu để mất một khách hàng thì thực tế sẽ mất mười khách hàng. Đó  là sự thật, vì một khách hàng mất lòng tin, người đó sẽ nói cho mười người biết và doanh nghiệp sẽ mất mười khách hàng. Trong thời gian vừa qua, một số quảng cáo trên truyền hình đã gây phản càm nơi người tiêu dùng. Có người nói là nếu trong số 10 người, chỉ cần 4 người không phản đối thì đã là thắng lợi. Thực tế không phải như vậy, đặc biệt là khi chỉ một trong 4 người đó bị lừa thì họ sẽ không bao giờ tin vào quảng cáo đó nữa. Ông Phan nói.

Bên cạnh việc tăng cường sự quản lý của Nhà nước, các doanh nghiệp cần phải có chủ trương mở rộng phân phối về nông thôn, làm sao để đưa hàng hoá đến tận tay nông dân thì mới khắc phục được tình trạng trên.

Nam Giang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ