Đừng để nghệ sĩ tiếp tục oằn vai

GD&TĐ - Nghệ sĩ sân khấu đang tổ chức giỗ tổ nghề và kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam (12/8 âm lịch).

Minh họa/INT.
Minh họa/INT.

Đây là dịp để mọi người cùng thành kính tỏ lòng biết ơn và báo công dâng tổ. Nhất là, thế hệ nghệ sĩ trẻ thêm một lần nêu quyết tâm vượt khó, tiếp tục gắng gỏi bám trụ với nghề!

Cũng bởi, giữa thời sân khấu không còn là hoàng kim, rạp hát vắng khán giả, nghệ sĩ phải bươn chải muôn nghề. Không còn lạ gì chuyện, mới tối qua trên thánh đường còn lấp lánh hoàng bào, vương miện, quyền thế uy phong, hô mưa gọi gió diệt ác trừ gian, xông pha trận tiền đánh tan giặc giã nhưng sớm hôm sau đã trở thành xe ôm công nghệ, công nhân vệ sinh theo giờ, nhân viên bán hàng online hay MC, ca sĩ, vũ công phục vụ tiệc cưới, hội nghị...

Tất nhiên, khi đó chẳng ai muốn xưng danh vì thực sự không cần “ai biết là ai”. Có muôn vàn lý do để lý giải về điều này, nhưng tựu chung lại đều xuất phát từ niềm kiêu hãnh của nghệ sĩ.

Nếu trên sàn diễn luôn là những phút giây thăng hoa và tỏa sáng, hạnh phúc trong tràng pháo tay tưởng thưởng của bao người mến mộ thì giữa dòng đời, họ chỉ mong được lặng thầm bươn chải trong từng công việc để vun vén cho nhu cầu tối thiếu của bản thân rồi lại trở về hiến dâng cho đam mê.

Họ là những nghệ sĩ trẻ vô cùng dũng cảm, thực sự dám dấn thân, dám bước vào con đường khó mà nhiều người từ chối. Họ có tuổi trẻ, tình yêu và niềm tin rằng được trao nghiệp tổ thì càng phải vững tâm.

Nhưng, cuộc sống chưa khi nào là dòng chảy phẳng lặng mà luôn là muôn trùng thử thách chông gai. Liệu rằng, họ có vững tay chèo để có thể vượt qua hay không? Thực ra, rất nhiều người đã mỏi gối, chồn chân nên không thể bám trụ mà đành tiếc nuối rẽ ngang. Số người còn trụ lại rất nhỏ nhoi!

Đây không phải là sự thất bại của riêng ai mà là cái kết của câu chuyện muôn thuở: “có thực mới vực được đạo”. Khi nghề không đủ sức nuôi sống và mỗi người cũng không còn đủ sức bươn chải, cáng đáng thì họ phải buông tay – thực dễ hiểu. Nghệ sĩ trẻ không có lỗi và có quyền được đưa ra lựa chọn.

Chỉ là, người còn đau đáu với nghề thì mang nỗi lo biết tìm đâu thế hệ kế cận để giữ lửa sân khấu, nhất là với các loại hình kịch hát dân tộc như tuồng, chèo, cải lương ngày càng thiếu hụt trầm trọng.

Mong rằng, tiếng lòng ấy được thấu hiểu và bài toán ấy sớm được Nhà nước giải một cách căn cơ, đừng để riêng cá nhân nghệ sĩ trẻ hay đơn vị nghệ thuật tiếp tục lặng thầm oằn vai.

Có như thế thì đến dịp giỗ tổ, kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam những năm sau niềm vui báo công của những con tằm rút ruột nhả tơ mới thực sự được trọn vẹn, hân hoan!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giàu có nhưng kém văn minh

GD&TĐ - Mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip nói về một người đàn ông ở Nha Trang có hành vi kém văn minh.