Bị cô giáo chủ nhiệm của con trai gọi ra trường, anh Tùng hầm hầm chạy lên gác: “Mày lại gây ra trò gì?”. Chị Hạnh đang rửa bát bỗng ngưng ngay lại, nín thở xem hai bố con lại “xử nhau” như thế nào còn nhảy vào can thiệp. Và mỗi lần anh Tùng đánh con, cả nhà lại như một trận đại chiến.
Thằng Tuấn nãy giờ nghe tiếng bước chân huỳnh huỵch trèo lên cầu thang chắc cũng đoán được cơn nổi giận của bố nên kéo chăn trùm kín mặt trả vờ ngủ. Hất chăn của con ra, anh Tùng bạt tới tấp vào hai má nó dễ đến chục cái rồi bỏ xuống nhà với lời đe dọa: “Tao đi họp về mới xử mày!”.
Năm nay Tuấn lên lớp 8. Nó bị coi là một học sinh cá biệt của lớp từ những năm trước. Cái vẻ bất cần, lì lợm của nó khiến thầy cô nào vào lớp cũng khó chịu. Giờ nào nó cũng hoặc là lấy thước, ngòi bút chọc vào lưng các bạn ngồi bàn trước. Nếu không Tuấn sẽ bò ra bàn ngủ thản nhiên. Thầy cô ghi chán vào sổ đầu bài nó cũng kệ. Phạt trừ điểm: không quan tâm. Phạt lao động: không đi. Hạ hạnh kiểm thì nó ở mức không thể yếu hơn được...
Thật ra, hồi còn bé, Tuấn là một đứa trẻ rất ngoan. Tính cách còn có phần hơi nhút nhát. Suốt ngày chỉ quanh quẩn chơi trong nhà. Chán thì bật băng hoạt hình xem cho bố mẹ đi làm. Vì thế, khi đến tuổi đi học Tuấn có phần thiếu mạnh dạn. Kết quả học tập năm lớp một vì thế không cao.
Thay vì tìm hiểu, giúp con tiến bộ thì đi đâu, nói chuyện với ai, bố Tuấn cũng chẹp miệng “Thằng đụt ấy mà. Cứ như cục đất ấy!”. Từ hồi bố mẹ nó sinh thêm em bé, sự lanh lợi, thông minh hóm hỉnh của em gái được bố mẹ ca tụng tán dương trước mặt mọi người bao nhiêu thì nó càng chán bấy nhiêu. Tuấn sinh ra bất cần, lúc nào cũng cảm giác mình là đồ vô tích sự, thua kém đủ đường. Vì thế, nó nghĩ, dù cố gắng bao nhiêu chắc bố mẹ cũng chẳng bao giờ công nhận.
Thế là nó mặc kệ, chẳng cần học. Đến trường Tuấn toàn chơi với những học sinh cá biệt. Được bọn chúng rủ bỏ học đi đánh điện tử Tuấn đi liền. Lên dốc mới khó, xuống dốc thì dễ. Tuấn ngày càng trượt dài trong học tập và lối sống. Tỉ lệ thuận với những điều đó, những trận đòn của bố giáng xuống nó ngày càng nhiều hơn.
Việc đánh con không chỉ xảy ra thường xuyên hơn mà ngày càng mạnh tay hơn. Mỗi khi Tuấn làm sai việc gì dù nhỏ, anh đánh luôn. Tiện thì vả vào mồm, vào mặt. Nặng thì rút dép ném, phang vào bất kì chỗ nào trên cơ thể con. Hoặc vớ cái gì, dùng làm roi cái ấy. Nhiều khi hàng xóm tối cả mắt mũi khi thấy anh đánh con mà chẳng dám sang can. Và mỗi lần anh Tùng đánh con, chị Hạnh lại bênh. Lời qua tiếng lại, có nhiều lần chị đã dắt Tuấn về nhà ngoại ở để khỏi bị bố đánh.
Tuấn đã nên người hay chưa, có lẽ anh là người hiểu rõ hơn ai hết. Nhưng trong sự mắc lỗi của con hôm nay, anh Tùng cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Giá như thay vì dúng roi vọt, anh Tùng chịu khó để ý tâm tư, tình cảm của con để giúp con thoát khỏi mặc cảm, tự ti biết đâu Tuấn đã khác.