"Đừng để con chết vì những thiếu hiểu biết bầy đàn"

Tùy các bạn lựa chọn, đừng vì khoe mẽ mà chạy theo phong trào chích vắc xin dịch vụ, rồi chích trễ hại chết con mình vì tính bề ngoài bầy đàn.

"Đừng để con chết vì những thiếu hiểu biết bầy đàn"

Nhiều người đặt ra câu hỏi về cách bảo quản vắc xin bởi họ cho rằng sự sai sót nào đó, đặc biệt ở các địa phương, vùng quê đã biến Quinvaxem – loại vắc xin được chính phủ Việt Nam lựa chọn để tiêm chủng mở rộng (miễn phí) thành chất độc hại chết trẻ.

Cách bảo quản Quinvaxem có phải nguyên nhân gây ra các vụ tử vong?

Đầu tiên nên hiểu rằng tiêm phòng dịch là một hoạt động tạo miễn dịch cộng đồng toàn thế giới. Khi có dịch bệnh, nó không bị hạn chế ở đường biên giới các quốc gia mà lan tràn rất nhanh.. Vì thế các nước giàu có, họ muốn tự bảo vệ mình thì phải hỗ trợ các nước kém phát triển phòng dịch như là xử lý từ gốc vấn đề.

Vì thế không ngạc nhiên nếu họ viện trợ cho chúng ta cũng như nhiều nước đang phát triển khác vắc xin. Và nên nhớ, họ viện trợ thì phải đảm bảo tính an toàn và hữu hiệu của loại vắc xin đó. Họ đã tính toán trước việc bảo quản và sử dụng ở các môi trường vùng sâu vùng xa ở những nước kém phát triển hơn cả Việt Nam.

Vắc xin phải được bảo quản lạnh và tránh ánh sáng. Vì thế thuốc phải được trang bị hệ thống dây chuyền bảo quản lạnh chuẩn mực, với nhiều dụng cụ đo và cảnh báo khi nhiệt độ thay đổi không phù hợp. Đồng thời huấn luyện nhân viên y tế rất kỹ lưỡng.

Tem chỉ thị màu trên mỗi lọ vắc xin đảm bảo không có chuyện tiêm nhầm loại vắc xin đã hết hạn hoặc bảo quản sai cách.
Tem chỉ thị màu trên mỗi lọ vắc xin đảm bảo không có chuyện tiêm nhầm loại vắc xin đã hết hạn hoặc bảo quản sai cách.

An toàn sau cùng chính là Tem Cảnh Báo trên lọ vắc xin. Tem này là hình tròn màu tím, có hình vuông màu trắng bên trong, khi nhiệt độ thay đổi vượt ngưỡng cho phép, thì hình vuông sẽ chuyển sang màu tím và không trắng trở lại được. Vì vậy, chỉ cần quan sát tem chỉ thị màu này là biết lọ vắc xin đó từng bị bảo quản ở nhiệt độ không đúng hay không, có còn đủ tiêu chuẩn sử dụng hay không.

Tóm lại, việc bảo quản vắc xin tôi cho là nghiêm ngặt và kỹ lưỡng hơn cả các loại dược phẩm khác, nên việc có các biến chứng do bảo quản kém là rất hiếm.

Sáng 25/12, người dân chen lấn đăng ký tiêm dịch vụ tại Phòng tiêm 182 Lương Thế Vinh, Hà Nội sáng 25/12
Sáng 25/12, do người đến quá đông đăng ký tiêm dịch vụ ở địa điểm 182 Lương Thế Vinh dẫn đến cảnh chen lấn, hỗn loạn. Sau đó, ban giám đốc phải quyết định dừng tiêm. Ảnh: Hà Quyên.

Một vắc xin có thể gây biến chứng tử vong thế nào?

Đó có thể do các nguyên nhân:

- Do hóa chất gây độc trong thành phần của thuốc, điều này chắc chắn không có, vì vắc xin cũng như những loại dược phẩm thông thường khác, cũng chịu sự kiểm soát thành phần chặt chẽ.

- Do độc lực của các yếu tố gây bệnh làm suy yếu đi, nếu cơ thể trẻ có sức đề kháng kém, thì sẽ phát bệnh điển hình của loại bệnh mà loại vắc xin đó phòng chống, chứ không tử vong đột ngột như ghi nhận.

- Do sốc phản vệ, bản chất là một loại dị ứng của cơ thể với các loại chất lạ, tỷ lệ sốc phản vệ của các loại vắc xin là rất thấp so với nhiều loại thuốc khác. Tuy nhiên nó có thể là một nguyên nhân gây tử vong cũng tương tự bất cứ loại thuốc tiêm truyền nào khác, truyền dịch thông thường vẫn có thể mắc phải. Vì thế cần có bộ chống sốc và xử lý kịp thời khi xảy ra.

Sau cùng, thì các bạn phải hiểu rằng có những cái chết ngẫu nhiên do các bệnh nền âm thầm hay những nguyên nhân chưa rõ ràng. Số lượng chết của trẻ dưới 1 tuổi mỗi ngày ở Việt Nam lên đến 70 em, do vậy, việc trùng lặp vào thời điểm tiêm vắc xin là điều bình thường.

Tổ chức Y Tế Thế Giới WHO đã điều tra kỹ lưỡng các tử vong ở Việt Nam và kết luận không bị gây ra bởi Quinvaxem, chỉ có một ca được xác định là sốc phản vệ mà thôi.

Và cho đến nay WHO vẫn tuyên bố bảo đảm sự an toàn của Quinvaxem và khuyến cáo sử dụng trên toàn cầu.

Tại sao các nước phát triển không dùng Quinvaxem?

Vắc xin đắt tiền (dịch vụ) thì ít tác dụng phụ hơn, nhưng sức bảo vệ yếu hơn còn loại rẻ tiền (miễn phí) thì có nhiều tác dụng phụ hơn nhưng bảo vệ mạnh hơn. Nên chưa chắc mắc tiền đã là tốt hơn. Mắc hay rẻ là do công nghệ mà thôi, (như sản xuất ti vi đen trắng giờ mắc hơn tivi màu).

Sở dĩ các nước giàu, họ chọn loại vắc xin mắc tiền ít tác dụng phụ nhưng bảo vệ yếu hơn vì hệ thống y tế họ mạnh, họ sẵn sàng ứng phó tốt khi có dịch bệnh xảy ra. Và ngược lại, Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo các nước có hệ thống y tế yếu nên chọn loại vắc xin mạnh mẽ hơn (Quinvaxem), đảm bảo dịch bệnh ít bùng phát hơn, tất nhiên chịu khó với tác dụng phụ một chút.

Tác dụng phụ nhỏ như sốt, mệt thì có, còn gây chết thì phải xem lại. Mỗi ngày, Việt Nam có khoảng 70 trẻ dưới 1 tuổi chết không rõ nguyên nhân, nên việc trùng hợp vào đợt chích vắc xin là bình thường, đừng hiểu lầm! Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã tuyên bố an toàn, chưa có trường hợp chết nào do Quinvaxem cả, hãy tỉnh táo.

Tóm lại nên chích ngừa, chích loại miễn phí hay dịch vụ đều được, chỉ có điều, khi có dịch bệnh xảy ra, dịch sẽ ưu tiên chọn lựa trẻ để gây bệnh theo thứ tự sau:

(1) Trẻ không chích ưu tiên bị trước

(2) Trẻ chích loại dịch vụ bảo vệ kém ưu tiên bị thứ hai

(3) Sau cùng mới đến trẻ chích loại rẻ tiền bảo vệ mạnh mẽ

Tùy các bạn lựa chọn cho con mình. Đừng vì khoe mẽ mà chạy theo phong trào chích dịch vụ, rồi chích trễ này kia hại chết con mình vì tính bề ngoài bầy đàn.

Bác sĩ Huỳnh Phước Sang tốt nghiệp chuyên ngành đa khoa, hiện là Chuyên viên tư vấn cao cấp các dự án đầu tư phát triển Y tế và các mô hình xã hội hóa.

Với kinh nghiệm và kiến thức y học sẵn có, anh sẽ đưa ra lời khuyên cho độc giả Zing.vn về các vấn đề y tế, sức khỏe đang được quan tâm hiện nay.

Theo news.zing.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ