Đừng dại mà “chọn đại” một nghề để học

GD&TĐ - Giảng viên Hà Quốc Trung - Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã nhiều năm công tác trong lĩnh vực dạy nghề.

Giảng viên Hà Quốc Trung cùng các học viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: NVCC.
Giảng viên Hà Quốc Trung cùng các học viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: NVCC.

Ông đã có cuộc trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại và đưa ra lời khuyên về chọn nghề để học mà không phải hối hận.

- Theo ông, việc chọn lựa, học nghề hiện nay có gì bất cập không?

- Muốn học ngành nghề nào thì chúng ta phải lựa chọn, suy xét. Thế nhưng, rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sai lầm khi lựa chọn học nghề. Đặc biệt, học sinh vừa tốt nghiệp trung học cơ sở nếu chưa được định hướng cụ thể, rõ ràng. Việc này sẽ dẫn đến dễ chán nản, chỉ học cho có hoặc bỏ dở giữa chừng.

Nhiều bạn trẻ có thành kiến. Họ coi lao động chân tay là nghề thấp hèn nên không muốn gắn bó, nỗ lực học tập. Một số lựa chọn ngành nghề theo trào lưu của đám đông, bạn bè rủ nên nhanh chán.

Tôi gặp không ít trường hợp, định hướng của phụ huynh còn nặng nề. Họ lựa chọn trung tâm đào tạo thiếu uy tín và kỹ năng thực hành. Nó dẫn đến con cái xao lãng việc học, tiền mất tật mang…

Vì vậy, điều quan trọng là cần thực hiện tốt công tác truyền thông, phối hợp gia đình, nhà trường, xã hội về phân luồng hướng nghiệp. Đồng thời, các địa chỉ học nghề cần liên kết và huy động doanh nghiệp tham gia đào tạo nhằm cho học viên nâng cao tay nghề, giải quyết việc làm sau khi tốt nghiệp.

Muốn sinh viên tích cực học tập, cần bổ sung thêm cơ sở vật chất hiện đại, công nghệ tiên tiến trong đào tạo. Nó sẽ giúp người học nâng cao tay nghề, có môi trường học tập tốt. Đồng thời, giúp người học tìm được đúng địa chỉ. Cần quy hoạch các trung tâm dạy nghề hình thành các trường trung cấp, cao đẳng chuyên nghiệp để tránh đào tạo đại trà như hiện nay.

- Ông có lưu ý gì cho các bạn trẻ học nghề để thành công và chọn đúng cơ sở đào tạo tin cậy?

- Học viên nên tham khảo các ngành nghề về kỹ thuật. Vì hiện nay nhiều công ty, xí nghiệp đang cần nguồn lao động tay nghề chất lượng cao.

Người học cũng cần tìm hiểu chính sách hấp dẫn. Bởi có nhiều diện miễn học phí và chính sách hỗ trợ cho người học, giải quyết việc làm sau khi tốt nghiệp. Tránh tình trạng chán nản khi học vì lo thất nghiệp.

Hiện có nhiều ngành nghề thời gian đào tạo ngắn. Nó phù hợp cho những ai vừa học vừa làm. Vì vậy, quan trọng nhất vẫn là tìm hiểu, nắm bắt thông tin trước khi quyết định. Việc này phần nào giúp người trẻ tránh chọn ngành nghề theo tâm lý đám đông, trào lưu. 

Thực tế, nhiều người muốn làm nghề nhanh nên “chọn đại” một nơi để học, miễn là có chứng chỉ. Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy không chỉ cho bản thân mà cả xã hội. Người học không được đào tạo bài bản, trình độ chuyên môn không vững, khi làm sẽ khó thành công, có thể nhảy hoặc bỏ việc.

Hơn nữa, chứng chỉ, bằng cấp không có cơ sở tin cậy cũng gây khó khăn khi tìm kiếm công việc phù hợp. Sau này, chính người lao động trở nên thiếu chuyên môn, kiến thức trong quá trình đào tạo và tiếp cận công việc khi tốt nghiệp. 

Ngoài ra, chọn đại nơi học để cấp chứng chỉ còn ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách, đạo đức của người học và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giáo dục nói chung.

- Theo ông, đội ngũ giảng viên dạy nghề hiện nay đã có môi trường làm việc tốt?

- Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được xác định là nhân tố quyết định trong việc đổi mới giáo dục hiện nay. 

Cùng với việc mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng lên, số lượng cán bộ quản lý cũng tăng theo. Đội ngũ cán bộ quản lý các cấp được kiện toàn trong cả nước. Các chương đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm, chuyển giao công nghệ ở nước ngoài, tiếp cận trình độ quốc tế, đào tạo tiếng Anh chuyên ngành... đã có tác động tích cực đến toàn hệ thống giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, chính sách cho lĩnh vực này còn chưa đủ mạnh để thu hút và tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên dạy nghề tận tâm cống hiến. 

Bên cạnh đó là cơ chế tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm cũng bất cập. Chính sự thiếu đồng bộ giữa các bộ, ngành khi xây dựng và ban hành các quy định về chế độ, chính sách đối với giáo viên dạy nghề đã gây nên khó khăn trên.
Hơn nữa, dù số lượng giáo viên đã tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng với mức độ tăng của quy mô đào tạo. Kỹ năng dạy của một bộ phận giáo viên còn hạn chế, nhất là một số khối trung tâm dạy nghề.

Ngoài những khó khăn đó, giáo viên còn gặp nhiều trở ngại từ chính học viên. Các em có thái độ học tập chưa đúng đắn, thường bỏ học, ham chơi… Vì vậy, đối với giáo viên cần yêu nghề, có trách nhiệm, xem học viên là trung tâm.
Chủ động bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, làm chủ công nghệ. Thầy cô cũng thường xuyên quan tâm, động viên nhắc nhở học viên, có thái độ ân cần, nhã nhặn.

Để khơi gợi tinh thần học tập cho các em, giáo viên cũng cần soạn giảng, chuẩn bị bài học thú vị trước khi đến lớp nhằm bảo đảm quá trình giảng dạy tốt nhất. Đồng thời, đề xuất, bổ sung các trang thiết bị dạy học hiện đại, nhằm tăng sự thích thú, sáng tạo của các em khi tham gia học tập.

Giảng viên Hà Quốc Trung có nhiều công trình nghiên cứu thiết bị phục vụ việc học nghề của sinh viên. Năm 2019, ông là một trong nhóm tác giả đoạt giải Khuyến khích thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc. Đặc biệt, năm 2020, công trình “Thiết bị hỗ trợ công tác dạy nghề trong lĩnh vực điều khiển tự động” đã đoạt giải Nhất cuộc thi “Tri thức trẻ vì Giáo dục”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ