Đừng “chụp” tiếng xấu cho cô!

Nghe cô nói, tôi nhè nhẹ thở phào, bao nỗi lo con bị đì, bị dìm trong lớp dần dần được giải tỏa.

Đừng “chụp” tiếng xấu cho cô!

Hải, con trai tôi, vừa bước chân vào lớp 5 một trường tiểu học ở quận Thanh Xuân (Hà Nội). Từ năm lớp 2 đến nay tôi không cho con đi học thêm nên mỗi khi con mách cô giáo Vân khó tính, rất hay nhắc nhở con lười học, nói chuyện riêng trong lớp hay con thường xuyên bị gọi lên bảng làm bài tập là tôi lại nghĩ con đang bị cô Vân “dìm”.

Hôm đi họp phụ huynh đầu năm, nghe các bậc cha mẹ “mách” nhau kinh nghiệm về việc “bồi dưỡng”, “làm màu” với cô giáo của con mà tôi đâm lo. 

Nhất là mới có ít ngày vào năm học mới mà con trai thường xuyên bị cô giáo nhắc nhở. Mỗi khi con làm sai chuyện gì, hay quên làm bài tập, chọc phá bạn, cô Vân lại “chỉnh” con. 

Tôi cứ thắc mắc tại sao cô Vân thường xuyên “chỉ mặt đặt tên” con trai mình trong khi các cháu khác ở lớp lại được cô chiếu cố, không bị nhắc nhở nhiều. 

Những khi ấy tôi đã nghĩ cô bắt bẻ con, có ác cảm với con vì đã không đi học thêm ở nhà cô chăng? Cũng giống nhiều bà mẹ khác, tôi như ngồi trên đống lửa khi nghĩ con mình đang bị phân biệt đối xử. Tôi vội vàng “quy chụp” cho cô giáo không tốt, thiếu công bằng...

Sợ con bị thiệt thòi, tôi - dù không muốn - nhưng vẫn mạnh dạn đến gặp riêng cô để xin cho con được học thêm tại nhà cô. Nhưng tôi thật bất ngờ khi cô Vân xởi lởi: “Tôi không dạy thêm chị ạ. Hiện tại tôi chỉ kèm cặp riêng một số cháu trong lớp có lực học yếu, nhưng đó là do tôi tự nguyện chứ không lấy tiền của các cháu”.

Thấy tôi lúng túng, ngần ngại, cô Vân nói tiếp: “Theo tôi nhận định qua hai năm học vừa qua do tôi chủ nhiệm thì cháu Hải nhà chị không cần phải đi học thêm ở đâu cả, vừa tốn tiền lại lấy mất thời gian nghỉ ngơi, vui chơi của cháu. 

Hải tuy nghịch ngợm nhưng khá thông minh, hiểu bài nhanh, chỉ có điều cháu hiếu động, quậy phá lớp nên tôi nhắc nhở nhiều thôi. Mong chị đừng hiểu lầm. Ở nhà, anh chị quan tâm đến bài vở của cháu, nhắc nhở cháu trình bày cho sạch sẽ chứ cu cậu thường xuyên làm lấm lem sách vở”.

Nghe cô nói, tôi nhè nhẹ thở phào, bao nỗi lo con bị đì, bị dìm trong lớp dần dần được giải tỏa. Tôi thấy nhẹ cả lòng. Vậy mà lâu nay cứ mỗi lần Hải đi học về mà kêu bị cô la là tôi lại suy đoán này nọ.

Ngẫm lại, phải công nhận là Hải nhanh đoảng, bộp chộp. Nghe cô Vân tận tình hướng dẫn cách về bảo ban cho con học tại nhà, từ giải toán cho đến các môn khác, tôi mới thấy rõ cái tâm của cô. 

Tôi nhận ra mình nhiều khi “gai góc” với thầy cô của con quá, cứ hơi một tí là suy luận, đổ thừa cho cô. Ngay cả việc cô nhiệt tình chỉnh con, nhắc nhở con lại bị nghĩ là ác cảm với con mình.

Trong nhiều trường hợp có lẽ chính phụ huynh chúng ta chưa thật sự thông cảm cho những người cầm phấn, nếu thầy cô có hơi quá tay chút là lại xót con, đổ lỗi cho thầy cô “không biết dạy con mình” hay làm ầm ĩ với ban giám hiệu đòi kỷ luật, đòi đuổi việc cô giáo. Thật may tôi đã sớm nhận ra cái tâm với nghề của cô giáo lớp con.

Theo Tuoitre

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ