Đừng chủ quan khi con hóc dị vật

GD&TĐ - Các bệnh viện trong cả nước hàng năm luôn phải tiếp nhận rất nhiều bệnh nhi bị hóc, nuốt nhầm dị vật vô cùng nguy hiểm vì nó liên quan đến đường thở. Những dị vật thì vô cùng khó lường, từ các loại xương, nắp chai bia, sim điện thoại, đinh, viên thuốc còn nguyên vỏ cho đến những thứ tưởng như vô hại như hạt lạc, cái chun, tăm…

Đừng chủ quan khi con hóc dị vật

Nỗi kinh hoàng của mẹ

Cách đây vài hôm, thấy con gái 5 tuổi hắt hơi sổ mũi, chị Ngọc Diệp (65 - Trần Hưng Đạo - Hà Nội) cứ nghĩ do thời tiết thay đổi, hoặc do nằm điều hòa nên con bị lạnh.

Mẹ bé Thỏ vẫn rửa mũi và giục con xì ra nhưng chị thấy lạ là bình thường rửa mũi nước muối từ bên này sang được bên kia, rửa được các hốc xoang, nhưng lần này thì không, mũi rõ ràng chưa đặc đến nỗi bị tắc. Vài ngày sau đưa con đi chơi, chị Diệp vẫn thấy mũi con không thông trong khi nước mũi vẫn trắng, chị tiếp tục bơm thử nhiều nước muối hơn bình thường rồi động viên bé Thỏ xì mạnh ra…

Kết quả Thỏ xì ra được một cái chun cao su màu đỏ khiến mẹ rụng rời. Cầm cái chun con con, mẹ Thỏ sợ đến run cả tay. Cố gắng nhẹ nhàng dỗ hỏi thì bé Thỏ bảo bé đã nhét hai cái chun vào lỗ mũi… Hoảng quá, vợ chồng chị Diệp cắp con đưa đến bệnh viện nội soi. Bác sĩ vừa soi vừa bảo nếu cái chun mà chui xuống đường thở thì quá nguy hiểm…

Chia sẻ nỗi hoảng sợ của mình với các bạn cùng cảnh nuôi con nhỏ chị Diệp mới biết không hiếm bạn bè của mình cũng đã bị nhiều phen hết hồn như vậy. Con trai chị Hương Trinh thì cậy những viên xốp bọt biển từ cái lót thùng tủ lạnh ra chơi. Vụn xốp nhẹ, con hít mạnh một cái nó bay vào tận trong đường thở luôn. Hai vợ chồng đưa đi bệnh viện bác sĩ gắp mãi mới lấy ra được. May mà hôm đó thằng cu bị viêm mũi nên mũi có gỉ và dịch nên cái bọt xốp chưa bay vào sâu.

Cô bé Su con chị Hằng (phố Tôn Đức Thắng - An Dương - Hải Phòng) lấy bông ngoáy tai nghịch rồi tuột cả cái đầu bông tít trong mũi nhưng cũng không nói gì với mẹ. Đến lúc thấy mũi con có mùi hôi mẹ lại tưởng do viêm mũi, xịt muối và nhỏ mũi mãi không hết. Sau đó bé lại ho sốt, bác sĩ cho đơn uống kháng sinh, họng khỏi mà mũi cứ nặng mùi hơn. Mẹ đưa con đi soi mũi thì bác sĩ mới phát hiện ra cái nút bông đã nở to thối hoắc gây viêm mũi và họng.

Đứa cháu chị Thùy Trang (phố Thi Sách - quận Hai Bà Trưng) ở quê thì còn nhét cả cục pin vào lỗ mũi. Mẹ cháu không phát hiện ra, đến lúc thấy con chảy nước mũi, rồi nước mũi đen sì mới tá hỏa mang con đi khám. Bác sĩ phải mổ lấy ra mới biết là cục pin đũa dùng cho món đồ chơi và mũi đã có dấu hiệu bị hoại tử. Cả nhà thằng bé phải điều trị ròng rã cả tháng trời cho nó…

Phòng ngừa mọi lúc mọi nơi

Một bé gái ở Long An trong lúc chơi bất ngờ giật chiếc khuyên tai bằng vàng bỏ vào miệng, sau đó nôn ói liên tục và được gia đình đưa vào viện. Bé trai ở Tây Ninh thì ngậm miếng kim loại hình chữ thập vào miệng chơi rồi nuốt luôn. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 - TP Hồ Chí Minh khám, chụp X-quang thấy dị vật hình chiếc khuyên tai nằm trong thực quản đoạn ngực bệnh nhi và dị vật cản quang vùng cổ đã làm thủ thuật gắp khỏi thực quản các dị vật đó.

Vì tóc các bé gái mỏng nên nhiều mẹ mua chun tăm để buộc làm điệu cho con đỡ đau tóc. Từ hôm chị Diệp trao đổi bài viết của mình trên Facebook, rất nhiều mẹ có con gái đang học mẫu giáo đã đến trường nói chuyện với các cô giáo để các cô cảnh giác đề phòng vì các cô vẫn dùng chun này để buộc tóc cho các cháu.

Trẻ con có nhiều trò táy máy nghịch dại. Chúng không ý thức được tác hại nghịch xong có khi quên, hoặc do sợ bị mắng, sợ bị mẹ đưa đi gặp bác sĩ nên im ỉm không dám nói nên nhiều trường hợp chuyện nhỏ lại hóa ra nguy hiểm là vậy.

Từng tham gia điều trị cho nhiều bé được đưa đến cấp cứu ở Bệnh viên Xanh Pôn (Hà Nội), bác sĩ Trần Quang Hải -Trưởng khoa Gây mê - Hồi sức bệnh viện Xanh Pôn khuyến cáo: Nhiều trường hợp kẹt dị vật ở trẻ nhỏ khiến ê kíp phẫu thuật phải xoay sở rất khó khăn mới gắp được dị vật ra khỏi thực quản bệnh nhi. Nếu niêm mạc lòng thực quản tổn thương nhiều thì sau khi gắp ra, bé phải nằm viện lâu và ăn qua ống sonde dạ dày lâu dài, rất khó chịu.

Các bậc phụ huynh cần để mắt trông trẻ cẩn thận, không nên cho bé chơi các loại đồ vật có kích thước nhỏ, dễ làm trẻ tò mò nhét vào mũi, tai hoặc bỏ vào miệng ngậm, nuốt dẫn đến nguy cơ di vật đường thở, đường ăn gây hậu quả đáng tiếc.

Dị vật lọt vào thành thực quản để lâu có thể xuyên thủng thành thực quản hoặc tạo ổ nhiễm trùng vỡ vào trung thất. Đây là khoang chứa phổi, tim, là các cơ quan đảm bảo sinh tồn nên khi bị dị tật xâm nhập gây nguy hiểm đến tính mạng con người.

Bác sĩ Trần Quang Hải - Trưởng khoa Gây mê - Hồi sức Bệnh viện Xanh Pôn khuyến cáo: Nhiều trường hợp kẹt dị vật ở trẻ nhỏ khiến ê kíp phẫu thuật phải xoay sở rất khó khăn mới gắp được dị vật ra khỏi thực quản bệnh nhi. Nếu niêm mạc lòng thực quản tổn thương nhiều thì sau khi gắp ra, bé phải nằm viện lâu và ăn qua ống sonde dạ dày lâu dài, rất khó chịu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ