Những năm gần đây, người dân ở xứ ngàn cau - huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) liên tiếp đón nhận tin vui khi giá cau tăng cao. Song, cau tăng giá kéo theo tình trạng trộm cau. Người dân ở đây dùng chông lồ ô cùng nhiều cách khác để chống trộm.
Hiện, giá cau đã giảm rất nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Tuy nhiên, cau vẫn là nguồn lợi kinh tế chính của nhiều hộ gia đình nơi đây, nên các biện pháp mạnh tay để chống trộm cau vẫn được người dân áp dụng.
Lồ ô được người dân chẻ thành những thanh sắc bén, đầu vót nhọn hướng xuống phía dưới. Chông lồ ô là mối đe dọa với những kẻ trộm vào ban đêm. |
Cau được người dân huyện Sơn Tây trồng trải dài khắp nơi từ trên rẫy đến trong vườn nhà, nhưng phần lớn diện tích cau nằm cách xa khu dân cư. Do đó, khi cau tăng giá lại xuất hiện tình trạng trộm cau. |
Huyện Sơn Tây có hơn 1020 ha cau, hơn một nửa diện tích cau đang cho trái. Thời điểm giá cao, mỗi buồng cau có thể bán được 300-400 nghìn đồng. Đây chính là "đích ngắm" của những kẻ trộm. |
Để ngăn kẻ trộm, nhiều người thậm chí dùng cả dây thép gai quấn thành nhiều vòng trên thân cây cau làm chướng ngại vật. |
Chông lồ ô, dây thép gai hay lưỡi lam được người dân gắn vào thân cây ở độ cao khoảng 2-3m, nhằm giúp các cây cau đang cho trái tránh khỏi những kẻ trộm. Tuy nhiên, các cách làm trên tìm ẩn nguy cơ gây thương tích khi có người bám vào thân cau để leo lên. Chính quyền địa phương đã tuyên truyền để người dân không sử dụng những biện pháp chống trộm có thể gây nguy hiểm cho người khác. |
Vào mùa cau cho trái, sợ bị trộm nên anh Đinh Văn Mẽo phải cất công tự mình canh gác hơn 300 cây cau trong rẫy. "Được chính quyền khuyến cáo không nên dùng kẽm gai hay chông để quấn vào thân cây, nên khi cau cho trái là tôi ra rẫy thức canh trộm", anh Mẽo nói. |
Ông Phạm Hồng Khuyến - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây cho biết, chính quyền đã tuyên truyền người dân không dùng chông lồ ô hay các vật sắc nhọn khác để tạo chướng ngại vật chống trộm cau, đến nay các cách làm trên đã không còn được bà con áp dụng. Theo đó, những 'bẫy' chông hiện nay được bà con giữ lại là để bảo vệ những cây cau giống. |