Đừng chọn sai nghề để rồi tiếc nuối

GD&TĐ - Có rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến việc học sinh chọn sai nghề để rồi tiếc nuối. Đây là một trong những lý do chọn sai ngành thường gặp của giới trẻ hiện nay.

Đừng chọn sai nghề để rồi tiếc nuối

Chọn theo ngành HOT

Lý do này không phải là chuyện hiếm gặp đối với nhiều bạn trẻ. Đôi khi, nghe tên ngành học thấy “có tên tuổi” nên đăng ký.

Nguyễn Minh Hùng, sinh viên năm thứ hai trường ĐH Thương Mại chia sẻ: “Năm lớp 12, em vẫn chưa biết nên chọn học ngành gì. Sau đó, em đăng ký vào Quản trị Kinh doanh vì nghe tên ngành liên quan đến kinh tế. Phải cố gắng lắm, em mới đủ điểm đỗ vào trường. Thế nhưng, ngành học này khác so với những gì em tưởng tượng. Vốn đã nghĩ đây là ngành sau này sẽ làm quản lý ở các doanh nghiệp nhưng thực tế không phải như vậy. Điều này khiến em bất ngờ nhưng vẫn cố để học tiếp”.

Thạc sĩ Phạm Nhật Huy Thông – Cán bộ quản lý kế hoạch làm việc tại Đan mạch đã có nhiều năm liền lên kế hoạch sản xuất và phân tích nhu cầu khách hàng cho công ty. Ông cũng là người có kinh nghiệm làm việc tại nhiều quốc gia như Singapore, Hong Kong.

Về vấn đề chọn nghề học theo ngành hot, thạc sĩ Phạm Nhật Huy Thông chia sẻ: Tại Việt Nam, có vô vàn ngành nghề khác nhau cho bạn lựa chọn. Hãy xác định nghề yêu thích rồi tìm hiểu thật kỹ xem nghề đó cụ thể là gì, cơ hội nghề nghiệp ra sao, làm về lĩnh vực gì, mức lương, phẩm chất cần có, mong muốn của nhà tuyển dụng...

Các bạn trẻ cũng cần nhớ rằng học nghề ở Đại học mất ít nhất là 4 năm. Trong quãng thời gian này, ngành học có thể đang hot. Nhưng sau khi bạn ra trường, số lượng người học ngành này quá lớn khiến thừa nhân lực. Như vậy, thời điểm đó, bạn có khả năng rơi vào tình trạng thất nghiệp. Vì vậy, cần lưu ý trong bước chọn nghề, chính là tiềm năng của ngành đó trong nhiều năm tới.

Chọn nghề do bạn bè rủ rê

Học sinh Nguyễn Phương Lan – Trường THPT Tây Hồ (HN) chia sẻ: “Bạn thân của em đã dự định học ngành Báo chí. Trong khi em vẫn đang băn khoăn thì bạn em động viên cùng thi vào trường để được học với nhau. Em thấy cũng hợp lý và sau này cũng sẽ đăng ký vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền”.

Chọn nghề theo bạn bè rủ rê là một trong những nguyên nhân dẫn đến chán nản vì cảm thấy học không đúng sở trường của bản thân.

Thạc sĩ Phạm Nhật Huy Thông cho rằng: “Mỗi tính cách sẽ phù hơp với một số ngành nghề nhất định. Nếu chọn trái ngược với tính cách mình, khó để cảm thấy hứng thú và gắn bó với chúng lâu dài được. Chẳng hạn bạn là một người năng động, hoạt bát thì sẽ rất khó thích nghi với những nghề mang tính ổn định như bảo tàng, thư viện,….

Nhiều người vẫn quyết tâm theo đến cùng vì một số lý do nào đó như không muốn thi lại, ngại chuyển ngành khác, tiếc thời gian và kinh phí đã bỏ ra,…Thế nhưng, hầu hết đều cảm thấy luôn phải gồng lên, phải cố gắng hơn so với những người khác. Lâu dần chính bạn muốn bỏ cuộc dẫn đến nhảy việc, thất nghiệp,…

Vì vậy, khi nghe lý do chọn nghề theo lời bạn rủ rê đã phần nào thấy được tương lai của bản thân. Chỉ cần hiểu được bản thân muốn gì, có thế mạnh gì, rồi tìm hiểu các kênh thông tin thì sẽ không có những lý do chọn nghề “giời ơi đất hỡi” như thế này.

Chọn theo nguyện vọng của bố mẹ

Đây cũng là lý do chọn nghề của không ít bạn trẻ. Theo truyền thống gia đình hoặc vì định hướng của bố mẹ, các bạn chấp nhận học nhưng không có hứng thú.

Cha mẹ luôn muốn tốt cho con cái. Tuy nhiên, trong việc chọn lựa ngành học, chính là tương lai của chính bản thân mình. Mỗi người cần cởi mở, chia sẻ mong muốn của bản thân với người xung quanh. Chỉ khi bạn nói ra, cha mẹ mới hiểu và định hướng đúng đắn cho con.

Thạc sĩ Phạm Nhật Huy Thông cho biết: “Thông thường, truyền thống gia đình ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định lựa chọn nghề nghiệp của các thế hệ sau. Tuy nhiên, nếu không phù hợp, không đúng sở trường, sở thích thì cho dù được sắp đặt cũng rất khó có cơ hội thành công với nghề. Nhiều người thành công hầu hết đều yêu thích công việc họ đang làm. Nhiều người đã vì gia đình để học một ngành nào đó nhưng cuối cùng vẫn phải từ bỏ để theo đúng với mong muốn của bản thân. Không phải những ý kiến cha mẹ đưa ra đều phản bác lại, mà cần có sự tham khảo, trao đổi. Qua đó, bạn sẽ hiểu chính mình hơn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ