Đừng biến con thành “hoàng đế không ngai“

GD&TĐ - Cùng chuyên gia tâm lý Lê Khanh - Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý - đào tạo kỹ năng Rồng Việt luận bàn về việc cưng chiều, bao bọc con "quá kỹ" của một bộ phận không nhỏ phụ huynh hiện nay.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sai lầm biến con thành "trung tâm vũ trụ"

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh nhận định, hiện nay xu thế hạn chế sinh con, thậm chí là không sinh hay chỉ sinh một con đã là xu thế chung của phụ nữ nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều nước đã phải báo động về tình trạng hạn chế sinh sản sẽ dẫn đến việc lão hóa dân cư trong nhiều thập kỷ qua.

Tuy nhiên, chuyện lão hóa dân số là chuyện của tương lai, còn chuyện trước mắt là vô tình tạo ra những vị “hoàng đế” trong mỗi gia đình.

Đã từ lâu, người ta nhận thấy đa phần trẻ sinh ra trong các gia đình chỉ có 1 con thường có những vấn đề về tâm lý và hành vi. Và nhiều khảo sát chỉ ra rằng, điều này thường xuất phát từ cách nuôi dạy con của nhiều gia đình.

Có thể nói, thái độ chăm sóc con thái quá, nuông chiều con không giới hạn… không chỉ có ở các gia đình con một mà khá phổ biến ở nhiều gia đình hiện nay, tất cả vì con và cho con, đời cha me khổ nên không muốn con mình khổ…là chủ trương chiếm ưu thế của các bậc cha mẹ.

Và chính sự cưng chiều đó, nếu không kiểm soát sẽ trở thành một "vấn đề" không nhỏ, gây hệ lụy đối với trẻ con một. Khi bé không có được sự chia sẻ, không có “đối thủ” để "cạnh tranh" trong nhà thì chính người lớn cũng góp phần tạo xu hướng và biến trẻ trở thành “trung tâm của vũ trụ”.

Thậm chí, có nhiều bà mẹ từ việc thương con, chiều con đã dần đi đến thái độ “sợ con”, một lời nói, một yêu cầu của con là một “mệnh lệnh” phải thi hành! Với cách ứng xử như thế, trẻ không trở nên độc đoán, ích kỷ và luôn đòi hỏi mới là lạ!.

Nguyên tắc ứng xử với "con một"

Dĩ nhiên, không phải hầu hết các trẻ con một đều trở thành “hoàng đế” trong gia đình. Nhưng đó là một kết quả hiển nhiên cho các bậc cha mẹ khi chỉ có một con và không nắm vững các nguyên tắc ứng xử với con.

Khi chỉ có một thành viên “nhí” trong gia đình, các bà mẹ cần phải được “vũ trang” đầy đủ từ các “kiến thức” và “công cụ” cho đến kỹ năng cũng như phải có được sự ủng hộ của các “đồng minh” như chồng, ông bà nội ngoại… để đừng vô tình hay trở nên bất lực trong việc biến một đứa trẻ trở thành kẻ độc tài!

Theo chuyên gia Tâm lý Lê Khanh, tất cả những điều này chỉ tạo ra sự hài lòng trong hiện tại nhưng sẽ là sự đau khổ dài lâu trong tương lai, khi đứa con bước chân ra ngoài xã hội, đặt chân vào các nhà trường.

Từ bậc học mầm non đến đại học, nơi mà sự ích kỷ, độc đoán, chỉ biết có mình sẽ là con đường nhanh nhất để biến các em thành kẻ cô độc, phải chịu đựng sự tẩy chay của bạn bè.

Nguy hiểm hơn, nếu bé được chiều chuộng, có quà bánh, tiền bạc rủng rỉnh mà không biết cách sử dụng thì sẽ trở thành một tay “đại ca đầu gấu” với một cơ số những kẻ xu nịnh xung quanh và dễ đi bắt nạt những bạn học. Hay ngược lại trẻ sẽ bị “đè bẹp” để trở thành một nạn nhân của sự đàn áp và trở nên căng thẳng, khủng hoảng tâm lý.

Nếu chỉ có một con, các bậc cha mẹ cần hết sức lưu ý đến việc tạo ra các mối quan hệ giao tiếp tốt đẹp và ứng xử phải phép cho đứa con của mình. Cần biết đến những giới hạn, và thúc đẩy hay khích lệ con tham gia vào các hoạt động đội nhóm ngoài xã hội. 

Hãy dám “buông tay” cho trẻ tham gia các hoạt động “lăn lộn” trải nghiệm với các kỹ năng làm việc nhóm, đi qua những “gian khổ” trong cuộc sống ngoài thiên nhiên. Nơi mà trẻ sẽ ý thức được các giá trị sống trong tinh thần tập thể, cùng làm, cùng chơi và biết xây dựng ý thức trách nhiệm cho bản thân.

Gia đình là nền tảng của xã hội, khi trẻ em được lớn lên với sự nuôi nấng, dạy dỗ hợp lý và hài hòa từ gia đình thì sẽ trở thành những nhân tố tích cực cho sự phát triển của xã hội mai sau. 

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ