Dùng âm nhạc để thay đổi các quan niệm đã cũ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Với tinh thần 'trở về với di sản văn hóa' và 'tư duy mở từ truyền thống', nhóm nghệ sĩ dùng âm nhạc để thay đổi các quan niệm đã cũ.

Thảo luận 'Tư duy mở từ truyền thống' thu hút khán giả quan tâm đến lĩnh vực sáng tạo, nghệ thuật âm thanh, di sản, môi trường và truyền thống.
Thảo luận 'Tư duy mở từ truyền thống' thu hút khán giả quan tâm đến lĩnh vực sáng tạo, nghệ thuật âm thanh, di sản, môi trường và truyền thống.

Âm nhạc thể nghiệm với văn hóa bản địa

Kiến tạo cuộc gặp gỡ hai nền âm nhạc Ðông - Tây và sự hội nhập giao lưu văn hóa, các nghệ sĩ tham gia dự án âm nhạc Thanh Cảnh đã và đang có nhiều hoạt động nhằm thay đổi cách tiếp nhận những giá trị từ quá khứ, đồng thời truyền cảm hứng cho những hi vọng phát triển nghệ thuật truyền thống trong tương lai.

Trong không gian của đồng bào dân tộc Mông, tiếng đàn tranh, tiếng sáo, khèn kết hợp với kèn trumpet, beatbox… cùng hòa âm trong một bản nhạc mới vừa quen vừa lạ. Đó là kết quả của sự hợp tác tham gia dự án âm nhạc Thanh Cảnh 2023 gồm 6 nghệ sĩ đến từ Việt Nam và Scotland, gồm: Hoài Anh, Trung Bảo, Ly Mí Cường, Lương Minh, Sholto Dobie và Inge Thomson.

Dưới sự bảo trợ của Hội đồng Anh, sáng kiến nghệ thuật Thanh Cảnh 2023 được khởi xướng và tổ chức bởi nền tảng văn hóa và nghệ thuật Lên Ngàn với mục tiêu mang đến cho các nghệ sĩ Việt Nam cơ hội học hỏi, sáng tạo và phát triển.

Là dự án nghệ thuật nhưng không có giám tuyển âm nhạc. Các nghệ sĩ hoạt động ở các loại hình nghệ thuật khác nhau trên nền âm thanh, liên kết tìm tòi những hình thức biểu đạt mới, những ngôn ngữ nghệ thuật mới có tính chất liên ngành. Nghệ sĩ đặt câu hỏi để công chúng cùng khám phá và lắng nghe về âm thanh trong không gian của nền văn hóa bản địa, với góc độ xoay quanh câu hỏi sáng tạo nghệ thuật - đi tìm cái mới hay cái cá nhân?

Vì không có giám tuyển hướng dẫn nên mỗi nghệ sĩ phải tự làm nổi bật bản dạng của mình so với các đồng nghiệp. Đồng thời cũng là thách thức mà mỗi nghệ sĩ đương đại phải tự thể nghiệm và vượt qua trong mối liên hệ nghệ thuật liên ngành. Họ sẽ cùng làm việc, chia sẻ và phản biện quá trình thực hiện tác phẩm của nhau.

Thanh Cảnh 2023 gồm 2 giai đoạn, diễn ra vào tháng 6 và tháng 9/2023. Chuỗi sự kiện bao gồm các hoạt động: Điền dã âm thanh, xưởng nghiên cứu theo chủ đề, cùng chương trình phát triển khán giả. Sự kiện mở xưởng yêu cầu các nghệ sĩ chia sẻ ý tưởng phát triển tác phẩm và giới thiệu tác phẩm hoàn thiện.

Sự kết hợp đạo cụ hiện đại và truyền thống bản địa trong dự án Thanh Cảnh tạo ra góc nhìn mới về âm nhạc.

Sự kết hợp đạo cụ hiện đại và truyền thống bản địa trong dự án Thanh Cảnh tạo ra góc nhìn mới về âm nhạc.

Thanh Cảnh tạo ra hành trình để các nghệ sĩ và khán giả cùng đồng hành, mang đến những trải nghiệm thực tế. Đồng thời tạo điều kiện cho các nghệ nhân dân gian và nghệ sĩ chia sẻ kiến thức, truyền cảm hứng thông qua sự tương tác giữa các thế hệ, khuyến khích sự giao lưu, học hỏi để tạo ra một môi trường với nguồn cảm hứng và tri thức bản địa.

Trong tháng 6 vừa qua, điểm dừng chân đầu tiên của nhóm nghệ sĩ tại xã Sủng Trái (Ðồng Văn - Hà Giang). Họ đã gặp gỡ, làm việc chung và cùng tìm tòi, thử nghiệm âm nhạc để tạo nên những yếu tố mới trong sự giao lưu hội nhập âm nhạc.

Trong số 6 nghệ sĩ, Ly Mí Cường sinh ra và lớn lên tại Ðồng Văn. Anh được học sáo, đàn môi, khèn… bằng phương pháp truyền miệng từ các nghệ nhân dân gian và thực hành âm nhạc dân tộc trên chính vùng đất của mình. Dù là một nghệ sĩ nghiệp dư, nhưng tiếng khèn của anh đóng vai trò kết nối các nghệ sĩ chuyên nghiệp thông qua âm nhạc văn hóa bản địa Mông.

Cuộc gặp gỡ này giữa các nghệ sĩ cũng chính là cuộc đối thoại xoay quanh chủ đề “môi trường sống và di sản nghệ thuật truyền thống”. Họ tập trung vào việc sáng tạo, cộng tác và phát triển các chất liệu bản địa, nhằm mở rộng sự đa dạng và khả năng phát triển của nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Làm mới âm nhạc từ cái có sẵn

Theo ông Nguyễn Quốc Hoàng Anh - Giám đốc nghệ thuật Lên Ngàn, dự án âm nhạc Thanh Cảnh khơi gợi công chúng nhiều suy ngẫm về việc không gian cảnh quan đóng vai trò như một tấm nền. Trên đó, những ý niệm và quan niệm gắn liền với thuật ngữ hiện đại liên tục được biểu đạt.

Lên Ngàn từng có nhiều dự án nhằm đưa chất liệu truyền thống vào sáng tạo đương đại, như: Tuồng “Sơn Hậu - Beyond the Mountain” trình diễn tại khu tập thể Văn Chương (Hà Nội) cuối năm 2020; Vở diễn “Cõi thinh không” lấy cảm hứng từ nghệ thuật tuồng truyền thống và trình diễn tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm cuối năm 2021; Dự án “Âm - Thanh sắc - Màu” do nghệ sĩ graffiti gốc Việt Cyril Kongo bảo trợ đồng hành cùng nghệ sĩ trẻ tại Việt Nam - kết nối giữa văn hóa bản địa và các loại hình nghệ thuật hiện đại.

Nhóm nghệ sĩ dự án âm nhạc Thanh Cảnh điền dã thực tế tại xã Sủng Trái (Đồng Văn - Hà Giang).

Nhóm nghệ sĩ dự án âm nhạc Thanh Cảnh điền dã thực tế tại xã Sủng Trái (Đồng Văn - Hà Giang).

Cùng với sự phát triển các không gian âm nhạc thể nghiệm, sự kết nối, sáng tạo của nhóm 6 nghệ sĩ đã góp phần làm phong phú, mới mẻ các chất liệu âm nhạc quen thuộc. Đưa âm nhạc lãng du khắp chân trời góc bể mới chỉ là một mục tiêu nhỏ, nhưng làm sao để âm nhạc hiện đại phối hòa trong mối tương quan với văn hóa truyền thống - trong không gian văn hóa bản địa mới là ý nghĩa mà dự án cần hướng đến.

Âm nhạc thể nghiệm mang tính truyền thống khó mang tính đại chúng, nhưng âm nhạc đương đại lại mở ra những góc nhìn đa chiều về nhạc cụ và các hình thức biểu diễn. Nếu kết hợp được, thể nghiệm được âm nhạc hiện đại theo tinh thần “trở về với di sản văn hóa” và “tư duy mở từ truyền thống”, rất có thể sẽ đem lại hiệu ứng tích cực về sự đậm đặc bản sắc của âm nhạc đương đại Việt Nam.

Âm nhạc Việt trong một thập kỷ qua có nhiều phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, sự phân định quá rõ ràng giữa truyền thống - hiện đại, đôi khi tạo ra mâu thuẫn trong quan niệm về âm nhạc chính thống. Vì vậy, thể nghiệm âm nhạc từ cốt cách truyền thống bản địa để sáng tạo cái mới, có lẽ sẽ là cầu nối để tạo ra giá trị mới - giống như ngôn ngữ, di sản nghệ thuật hay phong tục tập quán tạo thành tài sản tri thức chung của đất nước.

Trong cuộc thảo luận chủ đề “Tư duy mở từ truyền thống”, TS Lư Thị Thanh Lê - Giảng viên Khoa Các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) - nhận định, chúng ta quá quan tâm tới tính nguyên bản của truyền thống, gọi cái này là truyền thống và cái kia không phải là truyền thống.

Trong khi với cách nhìn đa chiều, truyền thống không bị bó hẹp ở khía cạnh bảo tồn hay giữ gìn nguyên trạng. Khi giới trẻ, nghệ sĩ, nhà sản xuất trở lại với truyền thống, đưa chất liệu này vào quá trình sáng tạo sẽ tạo ra ý nghĩa, câu chuyện mới thông qua các câu chuyện đương đại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ