Trong chương trình viếng thăm, Đức Pháp Vương Gyalwang và tăng đoàn Phật giáo sẽ cử hành Pháp hội quán đỉnh cộng đồng (nghi lễ cho phép thực hành pháp tu), cầu nguyện quốc thái dân an, cầu siêu hương linh liệt sĩ, đồng bào tử nạn, chia sẻ Phật pháp tại: Hà Nội, Nam Định, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM.
Truyền thừa Drukpa khởi nguồn từ Ấn Độ cách đây gần 1.000 năm, có ảnh hưởng rộng khắp các quốc gia và lãnh thổ trên dãy Himalaya như: Ladakh, Nam Ấn, Tây Bengal, Nepal, Bhutan...
Ngày nay, các trung tâm tu học của Truyền thừa Drukpa tiếp tục được phát triển tại châu Á (Hong Kong, Đài Loan, Malaysia, Singapore, Việt Nam); châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Ba Lan); châu Mỹ La tinh (Argentina, Peru, Mexico) và nhiều nhóm thực hành tại Bắc Mỹ.
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa là người được các dân tộc trên dãy Himalaya tôn sùng là hiện thân của Đức Phật Quan Âm qua việc chuyển thế vào các kiếp sau, liên tục quay trở lại nhân gian. Hiện thân các kiếp sau này được gọi là Thượng sư Giác ngộ hay Tulku (trong Tạng ngữ có nghĩa là bậc Hóa thân chuyển thế).
Theo quan niệm của Kim cương thừa, các Thượng sư có khả năng đặc biệt lựa chọn cho mình hóa thân đời kế tiếp. Trước khi viên tịch, Đức Phật đều báo trước các dấu hiệu xác định hoá thân kế tiếp tại nơi sinh trước kia của mình hoặc tại quốc gia lân cận. Cứ như vậy đến Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa là đời thứ 12.
Ngài đã có bút tích về sự xuất hiện của mình và nhiều Thượng sư Giác ngộ cũng tiên tri như vậy. Ngày đản sinh đã có nhiều điều may mắn, tốt lành.
Thuở nhỏ, Ngài đã chứng tỏ năng lực tâm linh siêu việt, trước khi biết đọc, biết viết, đã phân biệt được các bản kinh sách, lên 3 tuổi đã nhận ra các bậc thị giả và tùy tùng đời trước khi họ tìm đến.
Bậc Ấu nhi đã nhanh chóng được xác nhận là hóa thân chuyển thế đời thứ 12 của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa. Lên 4 tuổi, Ngài đăng quang và chính thức trở lại dẫn dắt Truyền thừa Drukpa.
Hơn 30 năm truyền giảng Phật pháp toàn thế giới, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đã khởi xướng nhiều dự án nhân đạo, đúng như tôn chỉ phụng sự nhân loại và vũ trụ của Truyền thừa.
Tổ chức từ thiện quốc tế Live to Love (Sống để Yêu thương) được Ngài sáng lập nhằm thúc đẩy 5 nhóm việc thiện nguyện: bảo vệ môi trường, cứu trợ, giáo dục, dịch vụ y tế và bảo tồn di sản.
Với những nỗ lực không mệt mỏi vì cộng đồng, Đức Pháp Vương đã được Liên Hợp Quốc tôn vinh với nhiều giải thưởng cao quý: “Vì mục tiêu phát triển thiên niên kỷ”, “Bậc bảo hộ vùng Himalaya”, “South - South Awards” cho những nỗ lực nhân đạo và đóng góp bảo tồn môi trường thế giới.
Một trong những dự án tiêu biểu của Ngài là ngôi trường mang tên Druk White Lotus (Bạch Liên Hoa) ở Ladakh (Ấn Độ). Công trình đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế, trong đó có giải thưởng Kiến trúc thế giới (năm 2002) và Thiết kế xuất sắc về môi trường học đường của Hội đồng Anh (năm 2009).
Ủng hộ mạnh mẽ quyền bình đẳng giới, Đức Pháp Vương đã thành lập Tự viện Druk Gawa Khilwa ở Kathmandu (Nepal) và ở Shey (Ladakh). Tại đây, ni chúng được hướng dẫn tu tập tâm linh và trao truyền những pháp môn mà trước đây chỉ dành riêng cho tăng chúng.
Những chuyến hành hương Pad Yatra “vì môi trường” do Đức Pháp Vương tổ chức hàng năm thường kéo dài từ 1 - 3 tháng, trải qua hàng trăm ki lô mét. Thành viên của đoàn thu gom rác thải nhựa trên đường đi để kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường.
Năm 2010, các tình nguyện viên của Truyền thừa Drukpa đã phá kỷ lục Guinness về trồng cây tại Himalaya trong thời gian ngắn nhất, với 50.033 cây xanh được trồng trong vòng 33 phút.
Đức Pháp Vương đã 5 lần thăm Việt Nam để cầu nguyện quốc thái dân an, cầu siêu vong hồn, đóng góp trí tuệ và hướng đạo trong việc xây dựng di sản kiến trúc văn hóa Phật giáo cho nhân dân Việt Nam.