Đức phân bổ 15 tỷ euro cho Kiev, EU chi 30 tỷ cho Nga

GD&TĐ -Thủ tướng Đức Scholz tuyên bố phân bổ 15 tỷ euro cho Ukraine, trong khi châu Âu được công bố đã trả cho Nga tới 30 tỷ euro tiền mua sản phẩm dầu mỏ.

Đức phân bổ 15 tỷ euro cho Kiev, EU chi 30 tỷ cho Nga

Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong chuyến thăm thủ đô Kiev đã thông báo rằng, vào năm 2024, chính phủ nước này sẽ phân bổ khoảng 15 tỷ euro cho nhu cầu của Ukraine, trong bối cảnh kinh tế nước này đang gặp khó khăn, số vụ phá sản của các công ty Đức trong tháng 1 đã tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên cơ sở đó, ông Olaf Scholz và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký một thỏa thuận hợp tác bổ sung cho tuyên bố của G7 về đảm bảo an ninh cho Kiev, với số tiền hơn 7 tỷ euro phân bổ trong năm nay để thanh toán cho các thỏa thuận đã ký kết về cung cấp vũ khí.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, một mình Đức sẽ không thể hỗ trợ Kiev nên ông kêu gọi Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác thực hiện các bước tiếp theo, đồng thời tăng cường trừng phạt, cấm vận Moscow.

Bên cạnh việc kêu gọi tăng cường viện trợ cho Kiev, các lãnh đạo phương Tây cũng cam kết phối hợp chặn nguồn cung ngân sách cho Moscow bằng các lệnh trừng phạt vào ngành xuất khẩu năng lượng của Nga, nhằm khiến Điện Kremlin gặp khó khăn trong việc duy trì cuộc chiến ở Ukraine.

Tuy nhiên, một thông tin mới đây đã cho thấy điều này là không hề dễ dàng, khi các nước Liên minh châu Âu (EU) không dễ để từ bỏ nguồn cung cấp dầu mỏ chất lượng cao và khí đốt giá rẻ của Nga.

Theo báo cáo của Eurostat (cơ quan thống kê của Liên minh Châu Âu), mặc dù kim ngạch mua sắm các chế phẩm dầu mỏ Nga của các nước EU đã giảm gần 3 lần so với năm 2022, nhưng vào năm 2023, các nước EU vẫn bỏ ra tới 30 tỷ euro để mua sản phẩm dầu khí từ Nga.

Theo báo cáo, tổng giá thành sản phẩm nhiên liệu thô xuất sang châu Âu năm 2023 giảm 2,9 lần so với năm 2022 - năm mà ngân sách Nhà nước Nga thu được khoảng 90 tỷ euro từ nguồn cung hydrocarbon cho EU.

Đồng thời, Moscow cũng đã giảm đáng kể thị phần cung cấp khí đốt và dầu cho châu Âu.

Nếu vào năm 2021, khí đốt của Nga chiếm 40% lượng mua của châu Âu thì đến năm 2023, tỷ trọng này giảm xuống còn 8%. Về giá trị, xuất khẩu nhiên liệu xanh từ Liên bang Nga lên tới 16,7 tỷ euro, với những khách hàng chủ yếu là Hy Lạp, Bỉ và Hungary.

Chi phí mua dầu từ Nga của các nước Liên minh châu Âu giảm xuống còn 9,3 tỷ euro. Những khách hàng mua sản phẩm dầu mỏ chính của Liên bang Nga ở châu Âu là Hungary, Cộng hòa Séc, Slovakia, Bulgaria, Áo, Ba Lan và Hà Lan.

Ngoài sản phẩm dầu mỏ và khí đốt, nhiều nước EU cũng mua từ Nga các sản phẩm nhôm và niken, phân khoáng, kim loại quý và hóa chất vô cơ, với trị giá vào khoảng hơn 4 tỷ euro.

Theo giới chuyên gia, việc kim ngạch mua sắm hàng hóa Nga từ Liên minh châu Âu năm 2023 giảm đi không hoàn toàn xuất phát từ việc hai bên giảm khối lượng giao dịch, mà một phần là do giá cả các sản phẩm thế giới đã giảm đáng kể đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu như: Khí đốt, lithium, niken và một số mặt hàng khác.

Nếu sang năm 2024, kinh tế thế giới khởi sắc hơn khiến giá cả các mặt hàng trên thị trường thế giới tăng lên, kim ngạch giao dịch với Nga của các nước châu Âu sẽ lại tiếp tục tăng lên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ