Đức lên tiếng về việc gửi lực lượng đặc biệt Serbia đến Kosovo

GD&TĐ - Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Berbok cho rằng khả năng gửi lực lượng đặc biệt của Serbia đến lãnh thổ Kosovo là không thể chấp nhận được.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Berbok.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Berbok.

Ngày 11/12 trên trang Twitter của mình, bà Berbok cho biết “Kosovo đã giảm căng thẳng bằng cách hoãn các cuộc bầu cử địa phương. Những lời hoa mỹ gần đây của Serbia đã phản tác dụng. Đề xuất gửi quân đội Serbia đến Kosovo là hoàn toàn không thể chấp nhận được".

Bà cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với Phái bộ Pháp quyền của Liên minh Châu Âu tại Kosovo (EULEX) và Đại diện đặc biệt của EU về Đối thoại Belgrade - Pristina, Miroslav Lajčák.

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic triệu tập cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia liên quan đến các hành động của Thủ tướng Kosovo Albin Kurti. Ông Kurti đe dọa tấn công người Serb tại các rào chắn ở phía bắc nước cộng hòa tự xưng Kosovo.

Trong khi đó, ông Vucic cũng cáo buộc ông Kurti cố gắng "giải quyết vấn đề của người Serbia ở phía bắc Kosovo và Metohija". Nhà lãnh đạo Serbia nhấn mạnh đến phản ứng của cộng đồng quốc tế, vốn phớt lờ hành động của Kosovo.

Ngày 11/12, ông Kurti yêu cầu dỡ bỏ rào cản trên các con đường của Kosovo vào cuối ngày, nếu không, cảnh sát sẽ vào cuộc. Thủ tướng Kurti không chỉ kêu gọi những người Serb đã lắp đặt các rào cản trên, mà còn cả đội KFOR của NATO.

Trước đó, ở phía bắc Kosovo và Metohija, người Serb đã dựng rào chắn trên các đường cao tốc sau khi chính quyền địa phương bắt giữ cựu cảnh sát Dejan Pantic của Bộ Nội vụ nước cộng hòa tự xưng vì nghi ngờ "khủng bố".

Sau đó, 3 vụ nổ súng đã được ghi nhận trong đêm. Theo Cảnh sát Kosovo, thành viên của các băng nhóm tội phạm đã chặn một số đường cao tốc và bắn vào nhân viên thực thi pháp luật đang làm nhiệm vụ tại khu vực Hồ Gazivode trên đường tới trạm kiểm soát Brnjak.

Trong khi đó, ngày 10/12, ông Vucic tuyên bố Serbia sẽ gửi yêu cầu triển khai lực lượng an ninh nhà nước tại Kosovo theo đoạn 4 Nghị quyết 1244 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Năm 2008, các cấu trúc Kosovo Albania ở Pristina đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Serbia. Theo Hiến pháp Serbia, lãnh thổ này không được công nhận là một tỉnh tự trị Kosovo và Metohija ở trong nước. Trong khi đó, Cộng hòa Kosovo không được hàng chục quốc gia công nhận.

Theo IZ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ