Trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm 9/3/2024, khi được người dẫn chương trình Lorenzo Buccella của hãng tin RSI (Thụy Sĩ) hỏi suy nghĩ của Đức Giáo Hoàng về cuộc tranh luận đang diễn ra ở Ukraine giữa những người “kêu gọi lòng can đảm đầu hàng và treo cờ trắng” và những người cho rằng, việc đầu hàng sẽ hợp pháp hóa việc sử dụng vũ lực trên trường quốc tế, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói:
“Tôi nghĩ rằng, người mạnh mẽ nhất là người nhìn thấy được tình hình, nghĩ đến người dân và có lòng dũng cảm cầm cờ trắng, và là người đàm phán”.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô lập luận: “Khi bạn thấy mình bị đánh bại, mọi việc không diễn ra tốt đẹp, bạn phải có can đảm để đàm phán”, đồng thời nói thêm rằng, “đàm phán không bao giờ có nghĩa là đầu hàng, mà là lòng dũng cảm để không dẫn đất nước đến chỗ tự sát”.
“Có thể ngươi xấu hổ, nhưng cuối cùng sẽ có bao nhiêu người chết? Hãy đàm phán kịp thời, tìm kiếm các nước để hòa giải”, Đức Thánh Cha nói, và cho biết thêm, nhiều quốc gia muốn giúp chấm dứt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, vốn đã bước sang năm thứ ba.
Trong khi đó, Trung Quốc muốn Nga tham gia đàm phán hòa bình Ukraine.
Bắc Kinh được cho là đã nói với các quan chức Liên minh châu Âu (EU) rằng, không thể thảo luận được giải pháp nào nếu không có Moscow.
Tờ South China Morning Post dẫn lời những người quen thuộc với vấn đề này đưa tin hôm 8/3 rằng, Trung Quốc và Thụy Sĩ đang làm việc ở hậu trường để mời Nga tham gia các cuộc đàm phán do Thụy Sĩ đăng cai tổ chức nhằm chấm dứt giao tranh giữa Kiev và Moscow.
Tháng trước, Thụy Sĩ đã công bố kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình vào mùa hè tới. Vẫn chưa có ngày cụ thể, và số lượng người tham gia tiềm năng cũng chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, Ukraine chỉ ra rằng, Nga chỉ có thể được mời nếu nước này đồng ý trước một loạt điều kiện tiên quyết của Kiev.
Các nguồn tin nói thêm rằng, cả Trung Quốc và Thụy Sĩ đều có chung quan điểm “thực tế” rằng, các cuộc đàm phán không nên chỉ mang tính hình thức.
Không giống như nhiều nước phương Tây, Bắc Kinh từ chối đổ lỗi cho Moscow về việc bùng phát xung đột vào tháng 2/2022, đồng thời nhấn mạnh rằng, xung đột chỉ có thể kết thúc thông qua ngoại giao.
“Các cuộc đàm phán bắt đầu càng sớm thì hòa bình sẽ đến càng sớm”, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói với các phóng viên tại một sự kiện ở Bắc Kinh hôm 7/3.
Ông Nghị nói thêm rằng, “việc thiếu các cuộc đàm phán hòa bình… có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng thậm chí còn lớn hơn”.
Trung Quốc từng đề xuất lộ trình 12 điểm hướng tới hòa bình vào tháng 2/2023. Sáng kiến này bị Kiev bác bỏ.
Ngược lại, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky nhấn mạnh rằng, một giải pháp chỉ có thể dựa trên “công thức hòa bình” 10 điểm mà ông công bố vào cuối năm 2022.
Moscow bác bỏ các điều khoản của ông Zelensky, cho rằng, nó không thực tế. Nga cũng khẳng định sẽ không bao giờ từ bỏ Crimea, đã sáp nhập vào Nga vào năm 2014, cũng như 4 khu vực cũ của Ukraine cũng làm điều tương tự vào tháng 9/2022.
Đại sứ Nga tại Thụy Sĩ Sergey Garmonin nói với truyền thông địa phương vào tháng 1/2024 rằng, một hội nghị thượng đỉnh hòa bình mà không có sự tham gia của Nga chắc chắn sẽ thất bại.
Moscow khẳng định sẵn sàng đàm phán nhưng với những điều kiện có thể chấp nhận được.
Theo South China Morning Post, đặc phái viên Trung Quốc Li đã nói với những người đồng cấp EU rằng, Moscow có hai điều kiện tiên quyết để đàm phán - chấm dứt việc cung cấp vũ khí của phương Tây cho Ukraine và hủy bỏ sắc lệnh năm 2022 của Tổng thống Zelensky quy định rằng, các cuộc đàm phán với Tổng thống Putin là “không thể”.
Các cuộc đàm phán hòa bình có ý nghĩa giữa Moscow và Kiev đã đổ vỡ vào mùa xuân năm 2022, khi cả hai bên đều cáo buộc nhau đưa ra những yêu cầu phi thực tế.
Tổng thống Nga Vladimir Putin sau đó cho biết, phái đoàn Ukraine ban đầu đã đồng ý với một số điều khoản của Nga trong cuộc đàm phán ở Istanbul vào tháng 3/2022, nhưng sau đó đột ngột từ bỏ thỏa thuận.