"Nếu có điều gì đó đe dọa sự tồn tại của đất nước chúng ta thì vũ khí hạt nhân sẽ được sử dụng”, Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm 6/3/2024.
Ông Peskov đồng thời nhấn mạnh rằng, xét đến mức độ nghiêm trọng của chủ đề này thì không thể xem nhẹ nó.
Quan chức ngoại giao Nga nói thêm rằng, việc triển khai như vậy được mô tả là “vũ khí chia tay” trong học thuyết của Moscow về việc quản lý việc sử dụng chúng.
Tài liệu nêu rõ rằng, Nga sẽ trả đũa bằng vũ khí hạt nhân nếu nước này hoặc các đồng minh phải hứng chịu đòn tấn công đầu tiên.
Trong bài phát biểu thường niên trước Quốc hội Liên bang vào ngày 28/2/2024, Tổng thống Putin đã nhắc nhở những kẻ có ý định tấn công rằng, tất cả những nỗ lực trước đây nhằm chinh phục Nga đều kết thúc trong thất bại, đồng thời cảnh báo rằng, “giờ đây hậu quả đối với những kẻ tấn công tiềm năng sẽ còn bi thảm hơn nhiều”.
Ông chủ Điện Kremlin cũng nhấn mạnh rằng, Nga có kho vũ khí hạt nhân khổng lồ, đang ở trạng thái “hoàn toàn sẵn sàng để triển khai được đảm bảo”.
Nhà lãnh đạo Nga cũng lưu ý rằng, các quan chức phương Tây, mặc dù có lẽ chưa hiểu đầy đủ về điều này, nhưng về cơ bản đang mở ra một cuộc chiến tranh hạt nhân tổng lực với những lời lẽ ngày càng leo thang.
Tổng thống Putin cũng bác bỏ các thông tin “vô căn cứ” của phương tiện truyền thông phương Tây cho rằng, Moscow đang có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân vào không gian, và coi đó là một âm mưu của Mỹ nhằm thúc đẩy Nga đàm phán theo các điều khoản do Washington đặt ra.
Cùng thời gian đó, tờ Financial Times, trích dẫn các bài thuyết trình bị rò rỉ dành cho các sĩ quan hải quân Nga được cho là đã sản xuất từ năm 2008 đến năm 2014, cáo buộc rằng, ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật tầm ngắn của Moscow có thể thấp hơn so với những gì các chuyên gia quốc phòng phương Tây đã ước tính.
Theo bài báo, quân đội Nga coi tình huống chiến trường mà tổn thất phát sinh “sẽ dẫn đến việc họ không thể ngăn chặn các cuộc tấn công lớn của đối phương” và đe dọa “an ninh nhà nước của Nga” là cơ sở hợp lệ để sử dụng vũ khí hạt nhân.
Việc phá hủy 20% tàu ngầm tên lửa chiến lược của Nga, 30% tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân hoặc các cuộc tấn công đồng thời vào các trung tâm chỉ huy chính và dự bị ven biển được cho là những ví dụ cụ thể.
Ngược lại, ông Peskov nói với tờ báo vào thời điểm đó rằng, Điện Kremlin “rất nghi ngờ” tính xác thực của các tài liệu bị rò rỉ.