Đức có là thiên đường du học miễn phí?

GD&TĐ - Đức có một số trường đại học hàng đầu thế giới. Bên cạnh chính sách miễn học phí, có nhiều chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh… Những ưu điểm trên khiến Đức trở thành điểm du học hấp dẫn với cả du học sinh phương Tây. Tuy nhiên, Đức đang đảo chiều chính sách và “thiên đường du học miễn phí” sẽ không còn duy trì được lâu…

Đức có là thiên đường du học miễn phí?

Dấu hiệu đảo chiều chính sách

Một số bang tại Đức đang đảo chiều chính sách miễn học phí đối với một số đối tượng sinh viên nước ngoài. Baden-Wurttemberg, một trong 16 bang của Đức, đã thực hiện thu học phí với sinh viên không phải công dân Liên minh châu Âu (EU).

Bang đông dân nhất của Đức, North Rhine – Westphalia (NRW), cũng lên kế hoạch tương tự. Phát ngôn viên Bộ Khoa học bang NRW cho biết, nguồn lực tài chính bổ sung này sẽ giúp cải thiện chất lượng đại học nói chung.

Mức học phí khoảng 3.500 USD vẫn thấp hơn nhiều so với các trường tại Mỹ và Anh. Tuy nhiên đây là dấu hiệu thay đổi lớn về chính sách của Đức – nước vẫn đang ưu tiên thu hút tài năng từ nước ngoài.

Dân số Đức già hoá nhanh và thiếu hàng trăm nghìn lao động trẻ có trình độ. Các công ty Đức đang buộc phải từ bỏ những hợp đồng béo bở bởi không thể tuyển nhân công và thêm nhiều nhà máy buộc phải giảm quy mô sản xuất trong tương lai vì số người Đức trong độ tuổi lao động tiếp tục giảm nữa. Theo một số ước tính, thiếu lao động có trình độ có thể tới 3,3 triệu vào năm 2040 khi Đức dự kiến có khoảng 80 triệu dân.

Làn sóng hơn 1 triệu người nhập cư đổ tới Đức trong 4 năm qua có thể bù đắp phần nào thiếu hụt lao động ở một số ngành công nghiệp nhưng không thể đáp ứng đủ cho mở rộng sản xuất kinh doanh trong những năm tới.

Trong khi đó, hơn 40% sinh viên quốc tế tại Đức theo học toán, khoa học tự nhiên và kĩ thuật – những lĩnh vực học thuật có nhu cầu tuyển dụng cao.

Chương trình đào tạo thiếu hiệu quả

Ngược lại với Anh, nơi Thủ tướng Theresa May có ý định giảm sinh viên nước ngoài, Đức tìm cách giữ chân càng nhiều cử nhân nước ngoài càng tốt.

Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, giáo dục đại học Đức không chuẩn bị đầy đủ cho sinh viên nước ngoài đáp ứng thị trường lao động Đức. Mặc dù có 18 tháng để tìm việc làm sau khi tốt nghiệp – quãng thời gian dài hơn so với hầu hết các nước khác – nhiều người vẫn khó tìm được việc làm – theo một nghiên cứu năm 2015.

4 trong 5 sinh viên nước ngoài tại Đức quyết định ở lại nước này sau khi tốt nghiệp, nhưng 30% trong số đó phải mất hơn 1 năm mới tìm được việc cho dù thiếu lao động trầm trọng. Những ứng viên người Đức tìm việc nhanh hơn nhiều so với các bạn người nước ngoài.

Cũng có những khó khăn khác. Lương tại các thành phố có nhiều cử nhân nước ngoài học tập như Berlin – là tương đối thấp. Việc các chương trình được dạy bằng tiếng Anh cũng làm giảm động cơ học tiếng Đức của sinh viên nước ngoài, trong khi nhiều công ty tuyển nhân viên có khả năng nói được tiếng Đức ở mức độ nhất định.

Việc chi ra một khoản ngân sách lớn hỗ trợ miễn học phí mà không mang lại hiệu quả tương xứng có thể khiến nhiều bang thực hiện thu học phí trong thời gian tới.

Miễn học phí đại học cho sinh viên nước ngoài từng được Đức coi là một giải pháp bổ sung nhân lực có trình độ - mặc dù tốn kém. Mối quan tâm du học Đức đã tăng lên trong nhiều năm qua và số sinh viên quốc tế tăng 50% giai đoạn 2002 đến 2012. Hầu hết sinh viên không thuộc EU hiện nay đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ. Sinh viên Mỹ cũng chiếm một tỉ lệ đáng kể: Năm 2013, số học viên cao học Mỹ du học Đức nhiều hơn số học viên nước láng giềng Pháp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.