Đức cấm sử dụng mạng che mặt ở nơi làm việc

Hạ viện Đức ngày 27/4 đã thông qua luật cấm một phần việc mang mạng che mạng của người Hồi giáo và công bố một gói biện pháp an ninh nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra các vụ tấn công cực đoan

Đức cấm sử dụng mạng che mặt ở nơi làm việc

Luật trên được thông qua trong bối cảnh Đức siết chặt an ninh chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào tháng 9 tới, đặc biệt sau vụ tấn công khủng bố ở một khu chợ Giáng sinh tại thủ đô Berlin hồi tháng 12/2016, làm 12 người thiệt mạng.

Luật cấm dùng mạng che mặt tại nơi làm việc được áp dụng với các đối tượng là công chức viên chức, bao gồm cả các nhân viên phục vụ bầu cử, quân nhân và nhân viên tòa án.

Tuy nhiên, luật trên không bao gồm quy định cấm hoàn toàn sử dụng mạng che mặt tại nơi công cộng như đề xuất của các đảng cánh hữu, tương tự với luật định mà quốc gia láng giềng Pháp áp dụng kể từ năm 2011.

Ngoài ra, luật mới cũng có một số ngoại lệ, như nhân viên y tế trong trường hợp cần tránh bị lây nhiễm hay cảnh sát khi cần che giấu thân phận.

Liên quan đến gói biện pháp an ninh mới, Hạ viện Đức đề xuất Berlin sẽ thực hiện các quy định của Liên minh châu Âu (EU) về trao đổi thông tin dữ liệu của hành khách đi máy bay cho các cơ quan chống khủng bố và tội phạm nguy hiểm.

Với những đối tượng mà cảnh sát liên bang Đức liệt vào danh sách tiềm ẩn đe dọa an ninh, lực lượng chức năng có thể buộc các đối tượng này đeo vòng điện tử giám sát nếu quyết định trên được thẩm phán thông qua.

Kể từ năm 2015, thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu, Đức đã tiếp nhận hơn 1 triệu người di cư và tị nạn, trong đó phần lớn đến từ các nước Hồi giáo.

Lực lượng theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu ở Đức chỉ trích chính sách mở cửa tiếp nhận người nhập cư của chính quyền Thủ tướng Angela Merkel, khẳng định đây là nguyên do khiến khủng bố trở thành mối đe dọa thường trực ở nước này./.

Theo Bnews

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ