Đưa ứng dụng gọi xe “không chiết khấu” vào Việt Nam

GD&TĐ - Theo tạp chí Forbes, quy mô thị trường dịch vụ gọi xe Việt Nam ở mức 500 triệu đô la Mỹ trong năm 2018 và sẽ tăng lên khoảng 2 tỉ đô la Mỹ trong năm 2025. Trước tiềm năng đó, nhiều startup công nghệ mới nổi đã ra mắt hàng loạt các ứng dụng gọi xe với nhiều tiện ích ưu việt, gần đây nhất là ứng dụng TADA của MVL - startup công nghệ gốc Hàn Quốc.

Anh Kay Woo giới thiệu ứng dụng TADA
Anh Kay Woo giới thiệu ứng dụng TADA

Từ một ý tưởng nhân văn

Công ty TNHH MVL (Mass Vehicle Ledger) Technology của nhà sáng lập trẻ Kay Woo với tiền thân là MVL Foundation Pte. Ltd, được thành lập vào tháng 3/2018 tại Singapore nhằm kết nối các lĩnh vực khác nhau trong ngành công nghiệp xe hơi.

Cuối tháng 1/2019, MVL đã chính thức giới thiệu bản thử nghiệm của ứng dụng gọi xe TADA tại thị trường Việt Nam. Việt Nam là quốc gia thứ ba tại Đông Nam Á trong kế hoạch phát triển toàn cầu của MVL. Theo chia sẻ của anh Kay Woo, TADA trong tiếng Hàn có nghĩa là “cùng đi nào”, với mong muốn lấy giá trị lợi ích của cộng đồng là giá trị cốt lõi, đảm bảo thu nhập của tài xế ở mức cao nhất, đem lại trải nghiệm dịch vụ tốt nhất và giá cả cạnh tranh nhất.

Ứng dụng gọi xe TADA vốn được khởi đi từ một ý tưởng nhân văn. Đầu năm 2018, anh Kay Woo có đi công tác tại một nước Đông Nam Á và sử dụng thử ứng dụng gọi xe bản địa để di chuyển. Nhà sáng lập trẻ này thấy người tài xế thực hiện cuốc xe tỏ vẻ khá mệt mỏi nên anh vừa đồng hành vừa trò chuyện. Người này than vãn rằng các đơn vị cung cấp ứng dụng gọi xe thu phí chiết khấu quá cao buộc cánh tài xế phải chạy cật lực mới kiếm đủ thu nhập. Chính vì tài xế làm việc quá sức nên rất dễ ảnh hưởng đến sự an toàn của hành khách.

Từ sự thấu hiểu đó, Kay Woo bắt đầu suy nghĩ về ứng dụng gọi xe cam kết không thu phí chiết khấu của tài xế lẫn khách hàng. Theo chia sẻ của Kay Woo, “TADA là ứng dụng gọi xe đầu tiên trên thế giới được vận hành trên nền tảng công nghệ blockchain. Với công nghệ này, chúng tôi có thể cung cấp giá trị cao hơn về mặt cân bằng giữa giá cả mỗi chuyến đi của hành khách và 0% tỷ lệ hoa hồng đối với tài xế. Tôi tin rằng những điều này sẽ đem tới những cải thiện cho ngành công nghiệp dịch vụ gọi xe toàn cầu”.

TADA và các đối tác
TADA và các đối tác 

Nhiều tiện ích với công nghệ blockchain

Sau tám tháng nghiên cứu thị trường Việt Nam, startup MVL đã thử nghiệm dịch vụ gọi xe ô tô tại Việt Nam và trong quá trình hoàn thiện giấy phép. Dự kiến ứng dụng sẽ thử nghiệm trong vòng 3 tháng. Người dùng có thể tải ứng dụng này từ app điện thoại và đặt xe tương tự như dùng ứng dụng của Grab, GoViet, FastGo. Tuy nhiên, công ty đưa ra cam kết không thu phí hoa hồng trọn đời của tài xế.

“Mặc dù TADA không thu chiết khấu của tài xế nhưng cước phí so với những đối thủ cạnh tranh khác lại thấp hơn. Ví dụ, khi tài xế thực hiện một cuốc xe bình thường có mức giá 100.000 đồng thì sẽ phải trả phí chiết khấu 28.000 đồng cho ứng dụng gọi xe. Tài xế TADA thực hiện cuốc xe có giá cước rẻ hơn nhưng khả năng cạnh tranh cao hơn và kiếm được thu nhập nhiều hơn trong giờ cao điểm”, đại diện của startup này nhận định. TADA cho rằng, điều làm nên sự khác biệt của họ là sự công nhận dành cho tài xế có trách nhiệm, đồng thời hành khách đi xe cũng được điểm thưởng vì đã để lại đánh giá sau mỗi chuyến đi.

Theo các chuyên gia công nghệ, lợi nhuận của TADA có thể đến từ dòng tiền chạy trong hệ sinh thái. Đơn cử như việc một khách hàng sử dụng dịch vụ TADA đánh giá cho tài xế sẽ nhận được điểm tích lũy vào ví điện tử. Tương tự, khi tài xế trong trạng thái nghỉ (non-driving), nếu dùng app để tìm kiếm đối tác là gara sửa xe, rửa xe, thay thế phụ kiện và sau đó thực hiện ghi lại dữ liệu thì hai bên cũng nhận thêm điểm thưởng. Tất cả dữ liệu liên quan đến việc sử dụng dịch vụ TADA sẽ được tập trung vào nền tảng blockchain để toàn bộ lịch sử của một chiếc xe được theo dõi, lưu trữ một cách minh bạch khi có nhu cầu sử dụng (mua bán xe, bán bảo hiểm). Tuân theo nguyên tắc vận hành của hệ thống blockchain, hoạt động xác thực giao dịch không thông qua trung gian thứ ba sẽ tạo nên tiền ảo và trong tương lai, hoạt động chuyển đổi, mua - bán lớn dần có thể hình thành thị trường thứ cấp.

Tiềm năng lớn của thị trường Việt Nam

Theo nhà sáng lập Kay Woo, ứng dụng TADA là ứng dụng gọi xe dựa trên nền tảng blockchain đầu tiên triển khai ở Việt Nam và đã thu hút khoảng 2.000 tài xế tại TPHCM. Mục tiêu của TADA là sẽ thu hút 25.000 tài xế trong năm 2019 và sẽ mở rộng ra các thị trường khác như Hà Nội và Đà Nẵng. “Chúng tôi rất vui mừng khi phục vụ tài xế và khách hàng tại Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Singapore. Sự thống nhất giữa hai lĩnh vực giao thông và công nghệ sẽ giúp chúng tôi tạo ra hệ sinh thái cho tất cả mọi người. Chúng tôi tin rằng hệ sinh thái này sẽ đem lại giá trị cân bằng và phần thưởng xứng đáng cho tất cả các bên tham gia”, anh Kay Woo lạc quan bày tỏ.

Anh Kay còn cho biết thêm, Việt Nam là một trong những thị trường rất quan trọng nên công ty muốn tập trung vào thị trường này. Công ty cũng hi vọng sẽ mở rộng ra các thị trường khác như Malaysia, Philippines, Hàn Quốc. Sau sự kiện Uber sáp nhập vào Grab vào ngày 8/4/2018, nhiều hãng công nghệ cung cấp dịch vụ gọi xe tương tự TADA đã bắt đầu ồ ạt đổ bộ vào thị trường Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...