Truyền tri thức và kĩ năng sống cho trò vùng cao

GD&TĐ - Với mô hình bán trú vừa học văn hóa, vừa học kĩ năng sống và tăng gia sản xuất, các thầy cô giáo vùng cao giúp các em mang ánh sáng trí thức trở về bản làng xây dựng nếp sống văn minh, thay đổi nhận thức, tập tục lạc hậu.

Nhà trường ngoài dạy kiến thức còn dạy các em tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn.
Nhà trường ngoài dạy kiến thức còn dạy các em tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn.

Những bữa cơm đủ đầy

Vào một ngày cuối tháng 10, dưới tiết trời se lạnh của những ngày đầu Đông, chúng tôi vượt qua những con đường ngoằn ngoèo, uốn khúc để tìm về Trường PTDT bán trú Tiểu học Krong (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai). Sau khi vượt qua quãng đường dài, đầy khó khăn, những ngôi nhà nhỏ, lụp xụp lẩn khuất sau những tán rừng cũng hiện dần trước mắt chúng tôi. Những người già trong làng, không thể lên nương rẫy lao động ngồi thẫn thờ ở bậu cửa trước nhà. Đâu đó là hình ảnh những đứa trẻ đầu trần, chân đất khoảng chừng 2-3 tuổi lấm lem bùn đất, co ro giữa gió lạnh.

Chúng tôi tiến sâu hơn vào trong, đến với Trường PTDT bán trú Tiểu học Krong (huyện Kbang) để có thể cảm nhận gần gũi hơn với cuộc sống và điều kiện học tập của các em nơi này.

Khi chúng tôi đến nơi đúng lúc tiếng trống trường giục giã vang lên. Thay vì hình ảnh những em học sinh ùa ra ngoài lớp học như đàn kiến vỡ tổ để về nhà thì các em học sinh nơi đây từ tốn về phòng bán trú rồi cất cặp sách. Sau đó, các em đi rửa chân tay, mặt mũi rồi phụ các thầy cô dọn các mâm cơm ra ăn. Những bữa ăn của các em không còn là cơm trắng với rau mà là những mâm cơm có đầy đủ dưỡng chất, đảm bảo cho các em có được sức khỏe tốt nhất.

Các em vui vẻ ăn bữa cơm mà chính tay mình trồng trọt chăm bón. Lâu lâu các em lại bông đùa với nhau, em này khoe đây là thịt của con lợn mình tự tay cho ăn, còn em kia khoe đây là luống rau mình tự tay trồng và chăm sóc… Cứ thế, trong không khí vui vẻ, thoải mái thoáng chốc các em đã ăn sạch veo mâm cơm.

Sau bữa cơm no bụng, các em học sinh tranh thủ ra bắt sâu, tưới nước cho các luống rau và cho bầy lợn, gà, vịt của mình ăn. Nét mặt của các em đều hiện lên sự phấn khởi, hào hứng khó lòng diễn tả được.

Học sinh vừa học, vừa tăng gia sản xuất

Những gương mặt rạng ngời, vui vẻ của các em học sinh vùng cao khi được ăn mâm cơm do chính tay mình làm ra.

Những gương mặt rạng ngời, vui vẻ của các em học sinh vùng cao khi được ăn mâm cơm do chính tay mình làm ra.

Thầy Nguyễn Văn Thuấn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để có được ngày hôm nay là quả một quá trình dài dưới sự nỗ lực của các thầy cô và các em học sinh nơi đây.

Vị hiệu trưởng cho hay, năm học này trường có tổng số 250 học sinh, đa số các em là đồng bào dân tộc thiểu số nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, bố mẹ làm nương rẫy nên các em quen với cuộc sống núi rừng, ít tiếp cận kiến thức và kĩ thuật tiên tiến bên ngoài.

Ngoài ra, khi mới đến trường, ngoài việc dạy kiến thức cho các em, các thầy cô còn phải dạy các em vệ sinh cá nhân: tắm rửa, giặt giũ, đánh răng, rửa mặt… Nhận thấy có những bất cập nên từ năm 2010 nhà trường đã chuyển sang mô hình dạy học bán trú. Trong năm học 2018-2019 này nhà trường có 150 em đăng kí mô hình bán trú (ở lại theo kiểu nội trú).

Thầy Thuấn cho hay, từ những em học sinh không biết vệ sinh cá nhân, không biết đọc tên của chính mình thì các thầy cô đã tận tình chỉ bảo, hướng dẫn các em từng việc nhỏ nhất. Các thầy cô dạy cho các em từ việc cầm đũa ăn cơm, cầm bàn chải đánh răng, dùng khăn rửa mặt…Sau một thời gian, các em đã quen dần với nếp sống mới, sạch sẽ và đi vào nề nếp trường lớp.

Không chỉ có vậy, các thầy cô trong trường còn dạy các em tăng gia sản xuất, tự trồng rau, chăn nuôi để cải thiện bữa ăn. Bên cạnh đó, vào những dịp Tết đến Xuân về nhà trường còn mổ heo, gà, vịt và rau cho các em học sinh mang về ăn Tết cùng gia đình để mâm cơm cuối năm đầm ấm, đủ đầy hơn...

“Việc nuôi heo, vịt…là để tận dụng nguồn ăn thừa của các em học sinh. Bên cạnh đó, các em tự chăn nuôi và trồng rau để cải thiện bữa ăn và tạo nguồn quỹ giúp cho nhà trường.

Thông qua nguồn quỹ này có thể xây dựng thêm các phòng ăn, ngủ cho cho các em học sinh.

Đặc biệt hơn cả là việc chăn nuôi, trồng trọt này sẽ giúp cho các em học cách tự mình biết cách nuôi, trồng để sau này có thể hướng dẫn lại cho bà con trong làng nhằm làm thay đổi nhận thức, tập quán canh tác lạc hậu, dựa vào những thứ sẵn có trong rừng…”, thầy Thuấn tâm sự.

Không chỉ dạy các em chăn nuôi và trồng trọt mà nhà trường còn mở thêm những buổi ngoại khóa giúp cho các em học sinh tự tin hơn trong giao tiếp khi trước đám đông. Bên cạnh đó, thầy cô cũng lồng ghép thêm những kiến thức pháp luật vào các trò chơi dân gian để các em tiếp thu một cách dễ dàng hơn.

Thầy Thuấn còn chia sẻ, thời gian tới nhà trường sẽ tổ chức cuộc thi gấp chăn màn, vệ sinh cá nhân và kĩ năng nói trước đám đông… cho các em học sinh. Từ những cuộc thi này sẽ giúp các em xây dựng được nếp sống văn minh, thay đổi nhận thức, tập tục lạc hậu xưa nay.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Đinh Xuân (làng Tăng, xã Krong, huyện Kbang) cho hay: “Người dân trong làng suốt ngày chỉ biết cây lúa, biết rau rừng nên cũng không có điều kiện chăm sóc, cho cháu ăn, học như ở trường học… Giờ thấy con có thể tự chăm sóc bản thân và phụ giúp gia đình chúng tôi vui cái bụng lắm”.

Thầy Lê Thanh Hải – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kbang cho biết, mô hình bán trú đã giúp cho huyện có những sự đột phá về việc duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng dạy và học ở vùng cao.

Theo thầy Hải, để có được những thành tựu hiện nay phần lớn là nhờ vào ban giám hiệu nhà trường cùng các thầy cô “dám nghĩ, dám làm”. Những việc làm này đã mang lại hiệu quả thiết thực không chỉ cho học sinh mà còn cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng khó khăn.

“Hiện nay chúng tôi đang mở rộng, từng ngày nâng cao chất lượng của mô hình bán trú vùng cao chính từ nguồn lực của các trường có được…”, thầy Hải bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ