Mục đích của hoạt động là hình thành các mắt xích kết nối ba yếu tố quan trọng: văn hóa, trải nghiệm và giáo dục môi trường trong hoạt động dạy và học, làm cho học sinh từng bước sử dụng, tuyên truyền về việc sử dụng các sản phẩm thủ công truyền thống (sản phẩm hữu cơ) của làng đệm Phò Trạch và làng gốm Phước Tích ở xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế thay cho việc sử dụng các sản phẩm nhựa cùng loại, nhất là nhựa dùng một lần.
Học sinh và giáo viên trường THCS Nguyễn Tri Phương, Phong Điền, Thừa Thiên Huế tham quan, trải nghiệm tại làng đệm Phò Trạch. |
Cụ thể, nhà trường lồng ghép nội dung giáo dục ý thức sống xanh vào hoạt động dạy học trải nghiệm bằng việc cho học sinh tham quan, tìm hiểu tại các làng nghề truyền thống nổi tiếng ở địa phương. Trong hoạt động trải nghiệm, học sinh được trực tiếp tham gia vào quá trình chế tác, dùng thử sản phẩm, trao đổi, trò chuyện cùng các nghệ nhân để nâng cao hiểu biết về làng nghề truyền thống của địa phương.
Sau đó, mỗi nhóm học sinh sẽ tập hợp tư liệu thành các bài thuyết trình để trình bày, truyền tải những vốn kiến thức có được từ hoạt động trải nghiệm đến các bạn của mình trong và ngoài nhà trường. Qua hoạt động, mỗi học sinh được nâng cao vốn hiểu biết về các làng nghề truyền thống và đặc sắc văn hóa địa phương, đồng thời, phát triển ý thức sống xanh, ý thức sử dụng các sản phẩm hữu cơ thay thế cho các sản phẩm nhựa.
Điển hình, học sinh sẽ trải nghiệm việc sử dụng ống hút cỏ bàng, mũ đệm, túi xách đệm của làng đệm Phò Trạch, trải nghiệm việc sử dụng lọ đựng bút, cốc uống nước làm bằng gốm của làng gốm Phước Tích thay cho việc sử dụng các sản phẩm nhựa cùng loại. Từ đó, mỗi học sinh sẽ trở thành một “đại sứ văn hóa nhí” giới thiệu, quảng bá những di sản văn hóa của địa phương mình và tuyên truyền về việc sử dụng các sản phẩm hữu cơ thay cho các sản phẩm nhựa, góp phần giảm thiểu việc xả thải rác nhựa ra môi trường.