Đưa Tết vào trường học

GD&TĐ - Để HS hiểu giá trị Tết cổ truyền, nhiều trường học tổ chức các hoạt động ngoại khóa thiết thực giúp trò trải nghiệm và tìm hiểu cội nguồn.

Học sinh Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (TP. Hà Nội) được tham dự hoạt động viết thư pháp. Ảnh NTCC.
Học sinh Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (TP. Hà Nội) được tham dự hoạt động viết thư pháp. Ảnh NTCC.

Giáo dục nét đẹp Tết cổ truyền

Để học sinh hiểu về Tết cổ truyền, hàng năm Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (TP Hà Nội) đã tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn văn nghệ, làm bánh chưng, làm mứt – kẹo, viết thư pháp, vẽ tranh, sắp mâm ngũ quả, làm thiệp, thiết kế bao lì xì, sáng tác thơ lục bát chủ đề “ Xuân sum vầy”. Tại các hoạt động này, nhà trường mời phụ huynh cùng tham gia với vai trò hỗ trợ, đồng hành.

Đồng thời, chủ đề Tết cổ truyền còn được nhà trường tích hợp trong hoạt động học tập ở nhiều môn học như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí hay hoạt động giáo dục STEM, qua đó học sinh được sáng tạo nhiều sản phẩm với hình thức phong phú, đa dạng.

Bánh chưng, bánh tét, mứt do học sinh khối 6 Trường PTDTNT THCS &THPT Đăk G’Long (huyện Đăk G’Long, tỉnh Đắk Nông) làm trong hội thi ẩm thực truyền thống do nhà trường tổ chức.

Bánh chưng, bánh tét, mứt do học sinh khối 6 Trường PTDTNT THCS &THPT Đăk G’Long (huyện Đăk G’Long, tỉnh Đắk Nông) làm trong hội thi ẩm thực truyền thống do nhà trường tổ chức.

Phó hiệu trưởng nhà trường Đoàn Hà cho biết: “Năm học 2022-2023, Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa đã xây dựng kế hoạch tổ chức sự kiện văn hóa Tết với chủ đề “Tết hội nhập – Xuân yêu thương” vào cuối tháng Chạp năm 2022. Tại sự kiện này, học sinh sẽ tìm hiểu, nghiên cứu và giới thiệu phong tục Tết cổ truyền của Việt Nam với bạn bè năm châu. Ngoài ra, các em sẽ tự lên ý tưởng và thiết kế tái hiện đặc trưng phong tục đón Tết cổ truyền của Việt Nam cũng như một số quốc gia khác trên thế giới thông qua hoạt động trang trí trại, giới thiệu văn hóa ẩm thực...”.

Tại Trường PTDTNT THCS&THPT Bắc Yên (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La), hàng năm trước khi học sinh nghỉ Tết, nhà trường đều tổ chức hoạt động đón Tết tại trường. Với đặc thù là trường dân tộc nội trú, học sinh theo học đến từ bốn dân tộc gồm dân tộc Mông, dân tộc Mường, dân tộc Thái và dân tộc Dao; do đó, nhà trường ưu tiên lựa chọn các hoạt động giới thiệu về Tết của mỗi dân tộc.

Hiệu trưởng Nguyễn Đức Mích chia sẻ: “Đối với hoạt động trải nghiệm Tết cổ truyền, chúng tôi thường dựa trên cách đón Tết của các dân tộc để tổ chức hoạt động cho học sinh. Ví dụ: Dân tộc Mông sẽ tổ chức cho học sinh làm bánh giày; dân tộc Thái gói bánh chưng tròn; dân tộc Dao tổ chức các điệu múa hát truyền thống…”.

Học sinh Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (TP. Hà Nội) tham gia hoạt động làm bánh chưng. Ảnh NTCC.

Học sinh Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (TP. Hà Nội) tham gia hoạt động làm bánh chưng. Ảnh NTCC.

Thầy Mích cũng cho biết thêm, vì đặc thù là trường dân tộc nội trú, do đó chúng tôi muốn qua hoạt động này giáo dục cho các em hiểu về nét đẹp văn hóa của mỗi dân tộc. Từ đó các em biết trân trọng hơn những giá trị truyền thống của mỗi dân tộc.

Lồng ghép vào môn Giáo dục địa phương

Trước thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 1 đến 2 tuần, Trường THPT Hữu Lũng (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) sẽ tổ chức hoạt động ngoại khóa với chủ đề Tết. Theo đó, nhà trường sẽ dựng các gian hàng, cho các lớp đăng ký làm món ăn truyền thống trong ngày Tết cổ truyền, cũng như tết của các dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống trên địa bàn huyện.

Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thái Dương chia sẻ: “Tại hoạt động ngoại khóa này, học sinh sẽ làm bánh, mứt, món ăn đặc sản… Sau đó, các em thuyết trình và bày bán tại các gian hàng của lớp mình cho thầy cô, khách đến tham quan, học sinh trong trường được thưởng thức. Kết thúc chuỗi hoạt động, ban giám khảo sẽ dựa trên kết quả điểm bài thuyết trình và số tiền lãi các lớp bán được để trao giải”.

Học sinh Trường PTDTNT THCS &THPT Đăk G’Long (huyện Đăk G’Long, tỉnh Đắk Nông) giới thiệu về các món ăn truyền thống trong hội thi ẩm thực truyền thống do nhà trường tổ chức. Ảnh NTCC.

Học sinh Trường PTDTNT THCS &THPT Đăk G’Long (huyện Đăk G’Long, tỉnh Đắk Nông) giới thiệu về các món ăn truyền thống trong hội thi ẩm thực truyền thống do nhà trường tổ chức. Ảnh NTCC.

Thầy Dương cũng cho biết thêm, hiện nay chương trình GDPT 2018 có môn Giáo dục địa phương, Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn thiết kế với 9 chủ đề. Theo đó, trong chủ đề ẩm thực và sản vật xứ Lạng, chúng tôi sẽ lồng ghép để giới thiệu về Tết cổ truyền và phong tục đón Tết ở địa phương. Học sinh sẽ làm các món ăn truyền thống trong ngày Tết ở Lạng Sơn như: bánh, xôi bảy màu, vịt quay..... để có cơ hội tìm hiểu sâu về giá trị của ngày Tết cổ truyền, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, địa phương nơi mình sinh sống”.

Tại Trường PTDTNT THCS & THPT Đăk G’Long, (huyện Đăk G’Long, tỉnh Đắk Nông), các hoạt động như: thi cắm cành đào, cắm cành mai, gói bánh chưng, bánh tét... được tổ chức thường niên mỗi dịp Tết đến xuân về cho học sinh trải nghiệm.

Phó hiệu nhà trường Lê Thị Anh thông tin: “Năm nay, chúng tôi sẽ tổ chức làm các món ăn truyền thống trong ngày Tết của bà con người đồng DTTS ở địa bàn huyện. Bên cạnh đó, trong môn Giáo dục địa phương chúng tôi cũng lồng ghép thêm hoạt động với chủ đề Tết cổ truyền để giảng dạy.

Cụ thể, ở bậc THCS môn Giáo dục địa phương có các phân môn gồm: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật. Trong đó, phân môn Công nghệ có ba tiết với hoạt động nấu ăn. Giáo viên sẽ lựa chọn chủ đề làm các món ăn trong ngày Tết cổ truyền. Với chủ đề đó, tiết 1 học lí thuyết và cho học sinh xây dựng thực đơn, lựa chọn món ăn; tiết 2 các nhóm sẽ học thực hành nấu ăn; tiết 3 tổ chức nấu ăn, trưng bày và chấm điểm.

Phụ huynh cùng con tham dự hoạt động ngoại khoá ở trường với chủ đề Tết bốn phương. Ảnh NC.

Phụ huynh cùng con tham dự hoạt động ngoại khoá ở trường với chủ đề Tết bốn phương. Ảnh NC.

Đối với bậc THPT, trong phân môn Ngữ văn chúng tôi sẽ lồng ghép để giới thiệu Tết cổ truyền, cách đón tết ở ba miền Bắc – Trung – Nam; giới thiệu các lễ hội huyện ở Đăk G’Long như: Lễ hội Lồng Tồng (dân tộc Tày); Lễ hội mừng lúa mới (dân tộc Mạ và dân tộc Mơ Nông), Lễ hội cúng bến nước (dân tộc Mơ Nông)”.

Em Hoàng Thị Hồng Hạnh – học sinh khối 12 Trường PTDTNT THCS & THPT Đăk G’Long bày tỏ: “Hai năm được trải nghiệm các hoạt động nhà trường tổ chức về Tết cổ truyền, em cảm thấy rất vui và bổ ích. Chúng em được cùng thầy cô trang trí cây mai, cây đào, sắp mâm ngũ quả, gói bánh chưng, bánh tét, làm mứt rất ấm cúng.

Theo Hạnh, từ những hoạt động này, em học được kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm, nữ công gia chánh, biết thêm nhiều trò chơi dân gian mang nét đặc trưng của các dân tộc và hiểu được giá trị của ngày Tết. Đối với nữ sinh, Tết không chỉ là kỳ nghỉ lễ mà còn là dịp để mọi nhà đoàn tụ cùng ăn bữa cơm tất niên, nhìn lại một năm đã qua.

“Đặc thù là trường nội trú, thời gian các em ở trường nhiều hơn ở nhà, những hoạt động này là cơ hội để học sinh tìm hiểu, có ý thức giữ gìn những nét đẹp các dân tộc. Các hoạt động cũng rèn luyện cho học sinh nhiều kỹ năng như: làm việc theo nhóm, kỹ năng thuyết trình”, cô Lê Thị Anh Phó hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS &THPT Đăk G’Long (huyện Đăk G’Long, tỉnh Đắk Nông) cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Khôi phục mộc bản triều Nguyễn bằng công nghệ 3D.

Khôi phục mô hình 3D mộc bản triều Nguyễn

GD&TĐ - Các mô hình học máy sau khi được huấn luyện sẽ học cách xây dựng các mô hình 3D mộc bản bị mất từ bản in 2D đang được lưu trữ, để phục dựng lại.