(GD&TĐ) - Hàng loạt mã giảm sàn, khiến VN-Index giảm sâu là diễn biến chủ yếu của phiên giao dịch sáng nay (2-3). Việc giảm sàn cũng đã làm xuất hiện việc bắt đáy, giúp tính thanh khoản của thị trường tăng đáng kể…
Tiếp nhận thông tin Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thắt chặt chính sách tiền tệ đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư đã quyết bán hàng giá thấp để thu lại tiền. Việc này dẫn đến tình trạng giảm sàn hàng loạt, kéo nhanh thị trường đi xuống. Nhiều mã blue chip cũng đã giảm sàn trong phiên giao dịch sáng nay. Tuy vậy, cũng có không ít nhà đầu tư quyết định bắt đáy làm khối lượng giao dịch tăng mạnh.
Nhiều mã giảm sàn trong phiên giao dịch sáng nay. Ảnh: Internet |
Kết thúc đợt khớp lệnh mở cửa, VN-Index giảm 1,85 điểm (giảm 0,4%) với khối lượng khớp lệnh đạt 730.100 đơn vị và tổng giá trị khớp lệnh đạt 16,99 tỷ đồng. Tới đợt khớp lệnh liên tục trước việc hàng loạt mã giảm giá, VN-Index đã giảm sâu, mất tới 8,13 điểm (giảm 1,74%). Về cuối phiên, thị trường tiếp tục tụt đốc, màu đỏ chiếm thế chủ đạo trên bảng giao dịch điện tử.
Kết thúc phiên giao dịch sáng 2-3, Vn-Index mất tới 8,29 điểm (giảm 1,78%), đứng ở mức 457,83 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 46.603.288 đơn vị. Tổng giá trị giao dịch khớp lệnh đạt 899,84 tỷ đồng và tổng giá trị giao dịch thoả thuận đạt 74,77 tỷ đồng. Toàn sàn chỉ cón 19 mã tăng giá còn lại 21 mã đứng giá và 245 mã giảm giá. Trong 10 mã có giá trị vốn hoá lớn nhất thị trường chỉ có 1 mã tăng giá, trong khi 9 mã giảm giá.
SSI tiếp tục đứng đầu nhóm cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh được nhiều nhất với 3.613.510 đơn vị. REE đứng thứ hai, khớp lệnh được 2.224.380 đơn vị. ITA đứng vị trí thứ ba, khớp lệnh được 2.129.410 đơn vị.
Trong phiên giao dịch sáng nay chỉ cần tăng được 4,5% cũng có thể đứng trong top 5 mã tăng giá nhiều nhất. Mã đứng đầu nhóm cổ phiếu tăng giá nhiều nhất này là VNS cũng chỉ tăng được 4,71%. BVH đứng thứ hai, tăng được 4,67%. SRC đứng vị trí thứ ba, tăng được 4,62%.
AAM trở thành mã giảm giá nhiều nhất, giảm 8,7%, từ mức 23.000đồng xuống còn 21.000đồng/đơn vị. Đứng thứ hai đến thứ năm lần lượt là VES, GIL, KTB, HAP đều giảm 5%.
Sàn giao dịch Hà Nội cũng có một phiên giảm mạnh về chỉ số và tăng mạnh về khối lượng giao dịch. Kết thúc phiên giao dịch, HNX-Index giảm 3,99 điểm (giảm 4,19%) đứng ở mức 91,17 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 53.980.250 đơn vị. Tổng giá trị giao dịch đạt 765,54 tỷ đồng.
Như vậy, thị trường đã giảm sâu trước những thông tin không tích cực từ các yếu tố vĩ mô. Cả hai sàn đều tụt dốc không phanh. Tuy nhiên, việc bắt đáy cũng diễn ra khá mạnh. Đặc biệt, sàn giao dịch Hà Nội đã giao dịch nhiều hơn sàn giao dịch TP Hồ Chí Minh hơn 7 triệu đơn vị. Thực tế này cho thấy, nhiều nhà đầu tư dao động tâm lý, nhưng nguồn vốn cho hàng giá thấp vẫn khá nhiều.
Vũ Thành