Phụ huynh săn “trường điểm”
Một xu thế đang tồn tại trong xã hội hiện nay đó là các bậc phụ huynh có tâm lý “chọn trường học” cho con cái. Họ chấp nhận cho con học trái tuyến, kể cả đưa đón xa nhà, miễn sao con cái được vào học trong môi trường giáo dục tốt nhất. Vì thế, các “trường điểm”, lớp chất lượng cao và cô giáo dạy giỏi luôn trong tầm ngắm của họ.
Lý giải tại sao phải cho con trai học “trường điểm” của quận Hoàn Kiếm, cách xa nhà hàng chục km, đưa đón bất tiện, chị Thu Huyền, ở khu chung cư Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội bật mí: Kiểu gì cũng phải cho con trai học ở trường điểm chứ học trường làng con sẽ không đủ sức cạnh tranh vào trường tốt.
Do xã hội phát triển, số gia đình có mức thu nhập cao ở Hà Nội hay các thành phố đông dân cư ngày càng nhiều. Chình vì có điều kiện nên ai cũng muốn cho con cái được học tập ở môi trường tốt, có thương hiệu trong giáo dục.
Vì vậy, săn “trường điểm”, cố công cho con học “trường điểm” bao giờ cũng là mục tiêu số một mà các bậc phụ huynh nhắm tới khi có con đến tuổi đi học cũng như nhu cầu chuyển cấp.
Cuộc đua cho con vào học ở “trường điểm” luôn là cuộc cạnh tranh khốc liệt của phụ huynh khi vào đầu năm học, thậm chí ngay từ đầu hè. Thường họ ngắm rất lâu, thậm chí nhiều năm trước khi con đi học hay chuyển cấp.
Căn cứ theo các quận, huyện, khu vực tuyển sinh, thành tích dạy và học, phụ huynh dễ dàng chỉ ra các “trường điểm” thuộc diện tốp đầu. Chẳng hạn quận Cầu Giấy, bậc học Mầm non có Trường Mầm non Hoa Hồng; bậc Tiểu học có Trường Dịch Vọng A, Nam Trung Yên, Nguyễn Siêu; bậc THCS có Cầu Giấy, Lê Quý Đôn, Nam Trung Yên. Lên THPT, ngoại trừ các trường chuyên, còn có một loạt trường mà phụ huynh mong muốn con được học như Yên Hòa, Nguyễn Tất Thành, Lương Thế Vinh, Cầu Giấy.
Bao giờ hết áp lực?
Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa tuyển sinh đầu cấp, hiệu trưởng, lãnh đạo các Phòng GD&ĐT sở hữu “trường điểm” cũng đồng thanh ca bài ca “khổ” bởi áp lực. HS thì đông nhưng cơ sở vật chất trường lớp luôn có hạn. Thêm vào đó, chất lượng dạy và học giữa các trường cũng không đồng đều. Chính vì thế, không thể đáp ứng nhu cầu cho con học tập ở trường tốt của các bậc phụ huynh.
Tại Hà Nội, số học sinh đầu cấp ở cả ba bậc học năm nay đều tăng mạnh. Ví dụ, học sinh vào lớp 1 tăng khoảng 31.000 em. Học sinh vào lớp 6 tăng 18. 000 em. Lứa tuổi Dê vàng tốt nghiệp lớp 9 thi tuyển sinh vào lớp 10 của toàn thành phố tăng 22.000 em.
Vì thế, công tác tuyển sinh năm học 2018 - 2019 để giảm áp lực tuyển sinh cho trường THCS có số lượng thí sinh đông, Hà Nội đã cho phép 16 trường được phép kiểm tra, đánh giá năng lực của thí sinh. Song do công tác chuẩn bị quá gấp gáp nên công việc đánh giá năng lực học sinh chưa thực hiện được trong mùa tuyển sinh năm 2018 này.
Khi hỏi có giải pháp gì để hiến kế cho việc giảm tải mùa tuyển sinh đầu cấp ở các đô thị lớn, cô Nguyễn Thy Hường, giáo viên Trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội khẳng định: Ngành Giáo dục phải tạo ra sự đồng đều về chất lượng dạy và học cũng như công tác chăm sóc HS bán trú giữa các trường.
Bởi chính sự chênh lệch hiện tại giữa các trường, nhất là về chất lượng dạy học, điều kiện CSVC đã khiến cho phụ huynh nảy sinh tâm lý chọn trường học tốt hơn cho con cái mình.
Thực tế không phủ nhận rằng, nguyện vọng cho con học ở trường học tốt là nguyện vọng chính đáng của phụ huynh. Học trường tốt, học sinh được chăm nuôi và dạy dỗ tốt hơn, sẽ là cơ hội phát triển tốt hơn. Nhưng điều quan trọng nhất, phụ huynh phải biết lượng sức học của con để chọn trường cho con học. Nếu chọn không đúng, cố công cho con học “trường điểm” sẽ vô tình tạo gánh nặng áp lực học hành cho con.