Đưa du lịch xanh và sản phẩm OCOP Quảng Bình vươn xa

GD&TĐ - Dư địa của du lịch và sản phẩm OCOP Quảng Bình tạo cơ hội để chủ thể sản xuất kinh doanh khai thác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh.

Ông Lê Vĩnh Thế (ngoài cùng bìa trái) - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh tham quan các gian hàng được trưng bày và giới thiệu tại Hội nghị.
Ông Lê Vĩnh Thế (ngoài cùng bìa trái) - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh tham quan các gian hàng được trưng bày và giới thiệu tại Hội nghị.

Phát triển du lịch xanh

Chiều 11/6, Tạp chí điện tử Nhà Quản Lý tổ chức chương trình Hội nghị và đối thoại “Du lịch xanh và sản phẩm OCOP Quảng Bình: Hành trình chinh phục thị trường”.

Tham dự có ông Lê Vĩnh Thế, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình; ông Hoàng Xuân Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch, hợp tác xã OCOP trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu khai mạc, nhà báo Nguyễn Đăng Bình, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Nhà Quản Lý chia sẻ: “Thông qua chương trình, ban tổ chức mong muốn tất cả sản phẩm du lịch đặc trưng của Quảng Bình, cũng như các sản phẩm OCOP đạt chuẩn của tỉnh sẽ đến tay du khách và người tiêu dùng nhiều hơn nữa; các doanh nghiệp du lịch và doanh nghiệp, hợp tác xã OCOP sẽ định vị được thị trường, tìm hướng đi đúng với nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng cả nước”.

Ông Hoàng Xuân Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình phát biểu tại chương trình.

Ông Hoàng Xuân Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình phát biểu tại chương trình.

Với phương châm “liên kết chặt chẽ - phối hợp nhịp nhàng - hợp tác sâu rộng - bao trùm toàn diện - hiệu quả bền vững”, tỉnh Quảng Bình đã cho ra mắt loạt sản phẩm du lịch mới với mục tiêu kép là mang đến trải nghiệm tốt nhất cho du khách, đồng thời bảo đảm tôn trọng các tiêu chí về bền vững, thích nghi và phù hợp với xu thế của đổi mới điểm đến du lịch hiện nay. Xây dựng một môi trường sinh thái dưới tán rừng, sinh vật cảnh trên mặt đất, hệ thống hang động trong lòng núi cũng được gìn giữ, bảo vệ, tôn tạo để khai thác ngày càng hiệu quả. Đó chính là định hướng du lịch xanh, phát triển bền vững mà tỉnh Quảng Bình đã và đang hướng đến.

Chia sẻ về định hướng phát triển du lịch tỉnh thời gian tới, ông Trần Xuân Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh: “Đề nghị các cơ quan, ban, ngành liên quan tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong thực hiện chiến lược phát triển du lịch xanh và bền vững của tỉnh, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ công tác tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm du lịch cũng như sản phẩm OCOP Quảng Bình; tiếp tục tăng cường quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các sự kiện, hội chợ du lịch trong nước và quốc tế; đẩy mạnh quảng bá tại các văn phòng lữ hành, đại lý du lịch trong và ngoài nước”.

Toàn cảnh chương trình.

Toàn cảnh chương trình.

Trong phiên đối thoại với chủ đề “Du lịch xanh - Phát triển bền vững”, đại biểu đã thẳng thắn trình bày quan điểm liên quan đến phát triển du lịch Quảng Bình.

Đại diện lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, ông Đặng Đông Hà bày tỏ: “Nhiều ý kiến cho rằng, du lịch Quảng Bình là du lịch “mùa vụ”. Tất nhiên không sai nhưng chúng ta nên xem xét những giá trị mà du lịch Quảng Bình mang lại trong cả năm chứ không riêng khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9. Hơn nữa, tỉnh ta đã có nhiều sản phẩm du lịch mới, phù hợp với mọi điều kiện thời tiết trong đó phải kể đến làng du lịch Tân Hóa hay khu nghỉ dưỡng Bang Onsen”.

Chuyên gia Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện phát triển du lịch Châu Á cho biết thêm: “Ẩm thực cũng là yếu tố thu hút khách du lịch đến với Quảng Bình. Do đó, chúng ta cần tạo sự khác biệt trong từng sản phẩm kết hợp tạo sinh kế cho người dân, đó là những gì du lịch Quảng Bình nên hướng đến”.

Lan tỏa giá trị văn hóa

Quảng Bình hiện có 168 sản phẩm OCOP được công nhận còn thời hạn (gồm 28 sản phẩm OCOP 4 sao và 140 sản phẩm OCOP 3 sao) với 107 chủ thể kinh tế (gồm 58 hợp tác xã, 21 doanh nghiệp, 28 hộ kinh doanh cá thể), số sản phẩm OCOP 4 sao đạt và vượt so với kế hoạch của tỉnh (mục tiêu đến năm 2025 có 20-25 sản phẩm OCOP 4 sao).

Tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh đứng thứ 4/6 tỉnh Bắc Trung Bộ, với một số sản phẩm nổi bật như: khoai gieo, nước mắm, hải sản khô, các sản phẩm từ dược liệu, sản phẩm nông sản. Đây là những kết quả tích cực, thể hiện sự sáng tạo và năng động của các địa phương để tạo ra những dòng sản phẩm OCOP, là niềm tự hào của người sản xuất trong toàn tỉnh và các sản phẩm OCOP Quảng Bình đang trên hành trình chinh phục du khách trong và ngoài nước.

Lãnh đạo các sở ngành, đơn vị, doanh nghiệp tham gia đối thoại.
Lãnh đạo các sở ngành, đơn vị, doanh nghiệp tham gia đối thoại.

Mỗi sản phẩm OCOP được xem là “sứ giả văn hóa” của một xã/phường cụ thể, thể hiện truyền thống, phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân. Khách du lịch trong quá trình mua sắm luôn có nhu cầu được thông tin về những điểm đặc biệt của sản phẩm từ nguồn nguyên liệu, quá trình chế biến, sản xuất và giá trị sử dụng, giá trị văn hóa tinh thần. Do vậy, Quảng Bình nên khai thác triệt để các yếu tố thể hiện giá trị văn hóa bản địa trong sản phẩm OCOP.

Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình Trần Quốc Tuấn đánh giá cao chất lượng sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Bình. Có sự chỉnh chu, đa dạng trong sản phẩm để khách hàng thoải mái hơn trong quá trình chọn mua.

Tuy nhiên, theo ông Trần Quốc Tuấn mặc dù số lượng sản phẩm OCOP của Quảng Bình không nhỏ nhưng các điểm tập trung sản phẩm OCOP chưa nhiều. Do vậy, cần tính toán đến việc phát triển thêm các điểm bán sản phẩm OCOP, nhất là điểm du lịch của tỉnh. Ở đó phải có sự quản lý, kiểm soát và cam kết chặt chẽ về chất lượng sản phẩm.

Ban tổ chức trao quà cho các gia đình chính sách phường Đồng Phú.

Ban tổ chức trao quà cho các gia đình chính sách phường Đồng Phú.

Trong khuôn khổ chương trình Hội nghị và đối thoại “Du lịch xanh và sản phẩm OCOP Quảng Bình: Hành trình chinh phục thị trường”, ban tổ chức đã trao 10 suất quà gồm tiền mặt và hiện vật cho 10 đối tượng chính sách ở phường Đồng Phú (TP Đồng Hới), trao gần 100 hộp sữa dành tặng cho Trung tâm bảo trợ trẻ em Quảng Bình với tổng giá trị khoảng 50 triệu đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.