Đem sức trẻ phục vụ cộng đồng

GD&TĐ - Không chỉ là hoạt động tình nguyện, các bạn trẻ còn không ngừng học tập, rèn luyện kiến thức chuyên môn, ứng dụng kiến thức đã học vào sáng tạo khoa học, phục vụ thực tiễn.

Học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu thực hiện “Lời cảm ơn” đến thương, bệnh binh. Ảnh: TG
Học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu thực hiện “Lời cảm ơn” đến thương, bệnh binh. Ảnh: TG

Những công trình nghiên cứu ban đầu có thể chưa hoàn chỉnh, trọn vẹn, nhưng tư duy khoa học, sáng tạo sẽ là nền tảng để các em khởi nghiệp sau khi ra trường. 

“Lời cảm ơn” từ tuổi trẻ

Những ngày cuối năm, Đội Thanh niên tình nguyện Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) đã dành thời gian chuẩn bị chương trình ý nghĩa mang tên “Lời cảm ơn” tại Trung tâm Điều dưỡng thương, bệnh binh Nghệ An. Trung tâm đóng tại xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, cách trường khoảng 15km. Mang theo đầy đủ vật dụng, thiết bị để dựng sân khấu, tổ chức hoạt động, nhóm thanh niên tình nguyện phân công nhau quét dọn, chăm sóc cây xanh trong trung tâm. Dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền đất nước.

Quá trình học tập, nghiên cứu và sáng tạo khởi nghiệp còn dài nhưng tạo động lực để các bạn trẻ không ngừng rèn luyện kiến thức, chủ động trong tư duy sáng tạo. Với nền tảng này, có thể sau khi tốt nghiệp, sinh viên chưa thể khởi nghiệp ngay lập tức, nhưng về lâu dài, các bạn có thể bước tiếp con đường khởi nghiệp khi có nguồn vốn, kinh nghiệm, hiểu biết và các mối quan hệ xã hội. Việc sáng tạo, sản xuất chính là góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội bền vững. - PGS.TS Bùi Văn Dũng

Riêng phần văn nghệ được dàn dựng rất tự nhiên, có phút ngẫu hứng theo yêu cầu của “khán giả”, với những ca khúc về một thời không thể nào quên, năm tháng chiến tranh bom đạn, khát vọng hòa bình thống nhất. Bùi Vương Phương Nga (Ban chủ nhiệm Đội tình nguyện), Trường THPT chuyên Phan Bội Châu cho biết: Nguồn kinh phí tổ chức chương trình được huy động từ các nhà hảo tâm, sự đóng góp của đoàn viên, thanh niên.

“Bên cạnh đó, chúng em còn có nhiều món quà tự tay chuẩn bị, dành tặng các thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ tại trung tâm. Chương trình được tổ chức đơn giản. Món quà nhỏ thôi và giá trị vật chất không nhiều nhưng từ cảm xúc, sự quan tâm theo dõi, ủng hộ của các thương, bệnh binh đã giúp chúng em nhận thấy mình làm được điều ý nghĩa, ấm áp”, Phương Nga chia sẻ.

Trung tâm Điều dưỡng đang chăm sóc, nuôi dưỡng gần 70 thương, bệnh binh nặng của tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, gồm cả nữ thương, bệnh binh. Các bạn đến đây, không chỉ để tổ chức chương trình với kịch bản sẵn có mà “Lời cảm ơn” còn được trao đi bằng cuộc chuyện trò, thăm hỏi, lắng nghe câu chuyện của một thế hệ, mà tuổi trẻ của họ đã thành lịch sử.

Ông Trần Quốc Tế gắn bó Trung tâm Điều dưỡng thương, bệnh binh Nghệ An từ năm 1982 đến nay. Rời cuộc chiến, ông mang trên mình thương tật 91% và là một trong những thương binh nặng nhất. Ngồi trên chiếc xe lăn, quây quần bên cạnh là nhóm học sinh đang vừa chơi ghi ta, vừa hát, ký ức năm tháng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam và sau đó là thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia lại ùa về trong ông. Những câu chuyện ông kể là bài học lịch sử chân thực, sinh động nhất cho thế hệ trẻ, cho những cô cậu học trò sinh ra khi chiến tranh đã lùi lại rất lâu.

Theo Ban chủ nhiệm Đội tình nguyện, ngoài hoạt động tại Trung tâm Điều dưỡng thương, bệnh binh tỉnh Nghệ An, các bạn còn có nhiều chương trình tổ chức ở Làng trẻ SOS hay trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, các bệnh nhi trong bệnh viện. Qua đó, tạo môi trường để đoàn viên được rèn luyện, trưởng thành trong cuộc sống cũng như công tác, bồi dưỡng kỹ năng xã hội; Góp phần tập hợp, xây dựng tinh thần đoàn kết; Nâng cao chất lượng cơ sở Đoàn, Đội để đoàn viên có hoạt động ý nghĩa, thiết thực với cộng đồng xã hội ngay khi còn trên ghế nhà trường.

Dự án của sinh viên Trường CĐ nghề Việt - Đức đang được sử dụng trong dạy học về hệ thống tự động hóa.
Dự án của sinh viên Trường CĐ nghề Việt - Đức đang được sử dụng trong dạy học về hệ thống tự động hóa.

Đem sức trẻ, tri thức đến nơi cần

Năm 2021 với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều hoạt động của các trường đại học, cao đẳng phải tạm dừng, chuyển sang trực tuyến. Nhưng cũng chính trong bối cảnh đặc biệt này, đã kích thích sự sáng tạo cũng như hoạt động ý nghĩa, thiết thực của sinh viên. Tại Trường ĐH Vinh, Chiến dịch tình nguyện hè những năm trước thường được tổ chức trực tiếp, đi về các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Năm nay, Đoàn trường đã linh hoạt nhiều chương trình cả trực tiếp tại chỗ, lẫn trực tuyến. Cụ thể thành lập 5 Đội hình với từng nội dung hoạt động riêng.

Đoàn trường đã đề xuất đoàn viên Viện Kỹ thuật và Công nghệ chế tạo, lắp đặt máy rửa tay sát khuẩn tự động. Trước đó, giảng viên, sinh viên ngành Sư phạm Hóa học và Công nghệ thực phẩm sản xuất thành công dung dịch rửa tay sát khuẩn Greencare. Đến nay, nhóm thực hiện mô hình đã sản xuất hơn 200 máy rửa tay sát khuẩn tự động, 500 lít dung dịch sát khuẩn. Số máy và dung dịch không chỉ lắp đặt trong trường, mà còn trong các đơn vị, doanh nghiệp phục vụ miễn phí cho người dân, công nhân. Trong đó, thông qua Tỉnh đoàn Nghệ An (hơn 40 máy) và Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An (hơn 50 máy và 100 lít dung dịch rửa tay sát khuẩn).

Bà Nguyễn Hoàng Yến (Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An) cho hay: Thời gian qua, thực hiện vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, nhiều công ty thu hút công nhân trở lại làm việc và thực hiện 5K. Đội sinh viên tình nguyện cung cấp dung dịch rửa tay sát khuẩn và lắp đặt máy phun tự động có giá trị thiết thực đối với công tác phòng dịch tại nhà máy, xí nghiệp.

Cùng với việc góp sức chống dịch, Đội hình Áo xanh Tình nguyện Chương trình “San sẻ yêu thương” cũng huy động và trao hơn 500 suất quà nhu yếu phẩm đến các bạn lưu học sinh Lào, Thái và sinh viên trong khu vực phong tỏa trên địa bàn. Ngoài ra, chương trình còn gửi quà đến TP Hồ Chí Minh và một số điểm dịch tại Nghệ An.

Đội Sinh viên tình nguyện đồng hành trực tuyến cùng sĩ tử với các hoạt động hỗ trợ online chuẩn bị bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT như gia sư trực tuyến, tư vấn online. Bên cạnh đó, chương trình hỗ trợ khắc phục các sự cố online là hoạt động đang được đẩy mạnh, kịp thời nhằm tháo gỡ những khó khăn do sự cố trên máy tính. Thành viên của đội là sinh viên ưu tú thuộc ngành Công nghệ thông tin (CNTT), có trình độ và kỹ năng tốt. Đội đã giúp đỡ hơn 200 lượt thí sinh gặp những vấn đề trong quá trình ôn tập.

Đội Cứu hộ máy tính đã tiếp nhận ủng hộ gồm hơn 100 máy tính, trang thiết bị kèm theo. Sau đó, các bạn xem xét và sửa chữa những máy tính hỏng hóc để “biến cũ thành mới - biến hư thành lành”. Lựa chọn những chiếc máy tính tốt nhất để gửi cho học sinh khó khăn vùng cao học trực tuyến và phục vụ học tập lâu dài sau này. Đội Sinh viên tình nguyện dạy tiếng Anh miễn phí cho thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Chị Nguyễn Thị Hà Giang – Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Trường ĐH Vinh - chia sẻ: Xuất phát từ mong muốn được góp sức cùng giải quyết những vấn đề của nhà trường, cộng đồng, sinh viên nhà trường có nhiều chương trình sáng tạo, ý nghĩa. Hoạt động xã hội của sinh viên ngày càng đi vào thực chất, xuất phát từ kiến thức, kỹ năng mà các bạn được đào tạo, tích lũy. Tham gia hoạt động trên, một mặt, lan tỏa tinh thần tình nguyện trong những người trẻ, mặt khác, tạo động lực để các bạn tiếp tục phấn đấu rèn luyện kiến thức chuyên môn, trở thành nguồn nhân lực chất lượng.

Sinh viên Trường ĐH Vinh tham gia sản xuất dung dịch rửa tay sát khuẩn với quy trình khép kín, đạt chuẩn.
Sinh viên Trường ĐH Vinh tham gia sản xuất dung dịch rửa tay sát khuẩn với quy trình khép kín, đạt chuẩn.

Khởi nghiệp góp sức phát triển kinh tế - xã hội

Dự án “Hệ thống chiết rót, đóng chai và dán nhãn chai tự động các loại chất lỏng” của nhóm sinh viên Trường CĐ nghề Việt – Đức (Nghệ An) xuất sắc giành giải Nhất khu vực, lọt vào cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp toàn quốc.

Chủ nhân của hệ thống này là 3 bạn Nguyễn Công Danh, Phan Văn Hào, Trần Xuân Tiến cùng học Khoa Điện. Theo Nguyễn Công Danh, ý tưởng cho hệ thống này bắt nguồn từ nhu cầu chiết rót, đóng nắp và dán nhãn các sản phẩm tự làm. “Các sản phẩm này chủ yếu thủ công, do cá nhân hoặc hộ kinh doanh nhỏ lẻ sản xuất. Việc có hệ thống chiết rót đóng nắp, dán nhãn tự động sẽ tiết kiệm nhiều thời gian, nhân công, cũng như bảo đảm vệ sinh, thẩm mỹ. Chính vì thế, chúng em đã nghiên cứu và sáng tạo ra hệ thống này”, Công Danh nói.

Công trình ứng dụng từ kiến thức đã học vào sáng tạo máy móc, thiết bị quay về phục vụ nhu cầu sản xuất. Nhưng mục tiêu đưa ra là sản xuất hệ thống tự động hóa, nên phải tính toán, viết mạch khó khăn, phức tạp. Nhiều lần nhóm tác giả thử nghiệm và gặp thất bại như: Chiết rót không đúng, chất lỏng tràn khỏi chai, hoặc dây chuyền đóng nắp bị lệch... Nhưng với sự hỗ trợ của giảng viên và từng bước điều chỉnh, mô hình hệ thống đã hoạt động ổn định, chính xác, tự động. “Khi đưa đi dự thi, hệ thống của chúng em đã cơ bản hoàn chỉnh, vận hành trơn tru. Với chúng em, đây là thành quả rất ý nghĩa trong 3 năm học. Hệ thống cũng đang cải tiến để phù hợp với các loại chai sử dụng trong thực tiễn”, Công Danh chia sẻ.

Cô Phan Thị Mai Thành, Trưởng phòng Công tác HSSV, Trường CĐ Việt - Đức, cũng cho biết: Đề án này thực hiện ý tưởng đưa dây chuyền công nghệ hiện đại vào cho sinh viên tiếp cận và có thể ứng dụng trong thực tiễn sản xuất nhỏ. Nhà trường đang sử dụng hệ thống này trong giảng dạy, đào tạo. Dự kiến tương lai sẽ đầu tư hệ thống chắc chắn hơn để góp phần đáp ứng được thực tiễn sản xuất tự động các loại nước uống đang được ưa chuộng trên thị trường.

Theo PGS.TS Bùi Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Việt - Đức, những năm qua, Ban giám hiệu, các giảng viên chú trọng khích lệ, tạo phong trào khởi nghiệp cho sinh viên. Cụ thể, nhà trường đã đưa vào chương trình đào tạo môn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Để hỗ trợ sinh viên, nhà trường cũng kết nối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, để các em thực tập, được giới thiệu việc làm. Đồng thời qua đó, sinh viên nắm bắt nhu cầu thị trường, doanh nghiệp. Tiếp cận thực tiễn, thực hành để quay trở lại nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm khởi nghiệp từ kiến thức, kỹ năng đã học có tính khả thi. Cân đối, tính toán chi phí, giá thành sản phẩm để dung hòa với nhà đầu tư, tìm kiếm cơ hội đưa ra thị trường để được chấp nhận.

Em Nguyễn Tâm Tâm (thành viên Đội tình nguyện) chia sẻ: “Các ông, các bác thương binh đã hy sinh tuổi trẻ, một phần xương máu cho hòa bình của chúng em ngày hôm nay. Đây cũng là việc làm nhỏ bé của thế hệ trẻ, góp phần thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Qua hoạt động tình nguyện, em lại có dịp để ôn lại một thời lịch sử hào hùng, vẻ vang. Khơi dậy niềm tự hào dân tộc, thể hiện lòng yêu nước, nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân trong học tập và rèn luyện”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.