Trẻ bị bỏ đói?
Theo thông tin phản ánh ngày 21/8, khi tắm cho cháu Đỗ Nghi L. (3 tuổi), bà ngoại cháu là bà Nguyễn Thị Kim Quy (trú P. Hòa Cường Bắc, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) phát hiện có 2 vết lằn đỏ trên mông. Bà Quy ngay sau đó đã gọi điện cho 2 giáo viên phụ trách lớp của cháu L. tại Trường Mầm non Ngôi sao Việt để hỏi thông tin nhưng cô giáo không nghe máy.
Sáng hôm sau, bà Quy có trao đổi với cô giáo nhưng cô cho biết là không biết về sự việc này. Đến ngày 23/8, bà Quy phản ánh sự việc với Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngôi sao Việt và cho rằng, từ khi mình hỏi cô giáo về vết lằn trên người cháu L. thì cô giáo có thái độ đối xử với cháu khác hẳn, thậm chí cháu bị bỏ đói trong nhiều ngày.
Theo bà Lê Thị Bích Kiều – Hiệu trưởng nhà trường sau đó, bà Quy đã cùng với bà Kiều xem lại camera ghi lại các hoạt động tại lớp học của bé L. “Các hình ảnh trong camera thể hiện trong những bữa ăn sáng, trưa và xế, bé L. đều cùng ngồi ăn với các bạn. Tuy nhiên, khi các bạn đi ngủ thì L. vẫn tiếp tục bữa ăn. Sở dĩ như vậy vì L. rất khó ăn và ăn chậm. Nếu giờ ăn của cháu cũng giống như các bạn trong nhóm lớp, cháu không bao giờ ăn hết khẩu phần ăn của mình” - bà Kiều giải thích.
Hình ảnh trích xuất từ camera cũng không thể hiện được vì sao cháu L. bị hai vết bầm trên cơ thể. Theo suy đoán của giáo viên và hiệu trưởng nhà trường, có thể cháu bị bạn cùng lớp lấy cây gậy thể dục đánh vào người khi chơi đùa với nhau. Bà Kiều cho biết, bà ngoại cháu còn cho rằng, có thể giáo viên đưa cháu vào nhà vệ sinh để đánh nên camera không ghi lại được. Qua kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, bà Quy làm thủ tục chuyển trường cho bé L.
Cần biết cách lắng nghe, trao đổi
Thông tin này sau đó được phản ánh đến một số cơ quan báo chí, khi chúng tôi đến làm việc với trường, đề cập đến việc trích xuất camera như một minh chứng rằng bé L. không hề bị bỏ đói trong các bữa ăn nhà trường cho biết, dữ liệu camera chỉ lưu lại được 10 ngày sẽ tự động xóa. “Đây cũng là một bài học kinh nghiệm của chúng tôi, đã không lưu trữ lại dữ liệu để tự bảo vệ cho chính mình. Chúng tôi thừa nhận mình đã sơ suất khi không giám sát chặt chẽ trẻ khi các cháu chơi với nhau, chứ không ai lại đi bỏ đói một đứa trẻ mà mình đã chăm chút suốt hai năm học vừa qua” - bà Kiều chia sẻ.
Việc xung đột giữa phụ huynh và giáo viên cùng với nhà trường trong câu chuyện trên là khá phổ biến, nhất là ở bậc mầm non, khi phụ huynh cho con đến trường thường có tâm lý lo ngại con bị giáo viên bạo hành. Thậm chí, có phụ huynh khi mới gửi con đi nhà trẻ, cứ hỏi giáo viên ở trên trường cô làm gì mà về nhà cháu ngủ giật mình, cháu bỏ ăn…
Mang niềm nghi ngờ, lo lắng và cả sự ám ảnh để theo dõi từng diễn biến tâm lý nhỏ nhất của trẻ sau mỗi buổi đến trường, mọi thay đổi dù là nhỏ nhất của trẻ trước một môi trường mới đều được phụ huynh quy kết… do có chuyện gì ở trường. Một cô giáo kể rằng, buổi tối nhận được cuộc điện thoại của phụ huynh, hỏi rằng sao ở trường các cô cho con ăn đậu phụ gì mà cứ lổn nhổn. Cô giáo ớ ra, vì hôm nay trong thực đơn không có món đó, hỏi cặn kẽ thì mới biết do bé bị ói sau khi uống bữa sữa tối khoảng 30 phút nên sữa bắt đầu kết tủa, vón cục…
Khi chúng tôi liên lạc với bà Quy để xác minh những thông tin mà nhà trường cung cấp, bà Quy từ chối và cho biết, đã có phóng viên đến viết bài trước đó, nhà trường đã biết lỗi, bà thấy câu chuyện như thế là được rồi. Trước đó, theo bà Lê Thị Bích Kiều, sự việc bị “đẩy” lên mức nghiêm trọng là do có lời qua tiếng lại giữa bà Quy và chủ trường dẫn đến thách thức sẽ đưa thông tin lên mạng xã hội để cho trường “sập” luôn. Trước những bức xúc của phụ huynh, nếu người quản lý thân thiện, có kinh nghiệm, biết cách lắng nghe, trao đổi chắc chắn tâm lý của phụ huynh sẽ khác hẳn. CBQL vì vậy, cần có những cuộc trao đổi kỹ năng xử lý trong những tình huống bức bách để giảm áp lực cho giáo viên.