Đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão là bất hiếu hay văn minh?

GD&TĐ - Ở Việt Nam, việc đưa bố mẹ già vào trung tâm dưỡng lão vẫn còn nhiều chiều ý kiến trái chiều . Không ít người còn giữ quan niệm để bố mẹ già vào viện dưỡng lão là bất hiếu.

Đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão là bất hiếu hay văn minh?

Có nên đưa người già vào viện dưỡng lão không là câu hỏi được rất nhiều người đặt ra hiện nay. Theo quan niệm của người Việt nói riêng và Á Châu nói chung, cha mẹ già sẽ cần con cái chăm sóc, đẻ con ra để "sau này có đứa chống gậy".

Đặc biệt không ít người có suy nghĩ viện dưỡng lão là nơi người lớn tuổi bị bỏ rơi, bị cô đơn và không được chăm sóc tốt. Tuy nhiên, những vấn đề này có thực sự còn đúng không? Đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão có phải là giải pháp đúng đắn không? và là bất hiếu hay văn minh? Để trả lời cho câu hỏi này, phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân.

PV: Thưa chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân, hiện nay vấn đề đưa người già vào viện dưỡng lão vẫn gây tranh cãi. Không ít ý kiến cho rằng gửi bố mẹ ở viện dưỡng lão là bất hiếu, quan điểm của chị về vấn đề này thế nào?

Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân
Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân
Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân: Ở các nước phát triển thì viện dưỡng lão là lựa chọn phổ biến và phù hợp với người già. Nhưng ở Việt Nam, do khác biệt văn hóa xã hội và quan niệm về chữ Hiếu, việc đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Không ít người mang định kiến gửi ông bà, bố mẹ vào viện dưỡng lão là bỏ mặc không thương, tìm cách rủ bỏ trách nhiệm của mình cho người khác, bị xem là bất hiếu. 
Trước hết, quan điểm của tôi đó là nếu con cái có thời gian và điều kiện chăm sóc tốt bố mẹ thì hãy để bố mẹ ở nhà chăm sóc. Có thể thuê thêm người giúp việc, y tá hỗ trợ nếu cần thiết. Bởi vì văn hoá của người Á Đông đa phần bố mẹ thích được gần con cái, tuổi già yếu đứng bên kia sườn dốc của cuộc đời, ánh mắt họ nhìn vào con cái là cả một bầu trời. 
Tuy nhiên, gia đình Việt Nam hiện nay đang có những biến đổi về cấu trúc, quy mô, quan hệ giữa các thành viên ít nhiều đã làm thay đổi nhận thức và quan niệm truyền thống về gia đình cũng như chữ Hiếu. Theo đó có “Hiếu” không phải là cố gắng giữ bố mẹ ở bên cạnh mình, mà là chia sẽ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bố mẹ như thế nào.
Vào viện dưỡng lão, sống độc lập hay sống cùng con cái hãy để cho bố mẹ quyết định, ít nhất là khi họ còn tỉnh táo. Cảm giác có được những lựa chọn ở giai đoạn cuối đời, có thể đưa ra quyết định và biết rằng những mong muốn đó được tôn trọng có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Với trường hợp mà con cháu quá bận rộn công việc, học hành,  thường xuyên đi công tác không có điều kiện về thời gian cũng như kỹ năng chăm sóc người cao tuổi, luôn kèm theo những vấn đề như bệnh mãn tính, suy giảm trí nhớ và những phức tạp khác của tâm lý do tuổi tác thì nên cân nhắc tới việc đưa các cụ vào viện dưỡng lão.
Thay vì để ông bà, bố mẹ già thui thủi một mình ở nhà, khoá cửa suốt ngày và buồn bã. Ngoài ra còn ẩn chứa các mối nguy hiểm về sức khỏe như té ngã, bất ngờ đột quỵ... nếu con cái không ở bên kịp thời xử lý.
Ở viện dưỡng lão có các y tá, điều dưỡng viên được đào tạo bài bản sẽ chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ, sinh hoạt cá nhân cho các cụ, ngoài ra còn được thăm khám và theo dõi sức khoẻ định kỳ. Viện dưỡng lão còn là điểm hẹn của người già. Các cụ cũng vui hơn vì có người bầu bạn, được trò chuyện chia sẻ tâm sự, có thể giải tỏa những vướng mắc tâm lý của mình. 
PV: Người già ở viện dưỡng lão sẽ đối mặt với những vấn đề gì về mặt tâm lý?
Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân: Nguời già bao giờ cũng muốn sống quây quần bên con cháu. Khi mới vào các trung tâm hay viện dưỡng lão các cụ thường có tâm lý lo lắng, cảm thấy nhớ nhà và chỉ muốn về.
Có người thì cho rằng con cái bất hiếu, bỏ rơi bố mẹ dẫn đến tinh thần suy sụp, thậm chí bị trầm cảm, rối loạn lo âu. Người lại nói dối về hoàn cảnh gia đình neo đơn không có con cháu nên mới phải nương nhờ viện dưỡng lão. Cũng phải thừa nhận, có những người con xem bố mẹ là gánh nặng và thoái thác trách nhiệm chăm sóc cho trung tâm cả năm mới đến thăm bố mẹ một lần.
Tuy nhiên đó chỉ là trường hợp đơn lẻ. Hiện nay, vấn đề viện dưỡng lão đang ngày càng được xã hội nhìn nhận một cách đầy đủ và cởi mở hơn. Đa phần người già sau khi vào viện dưỡng lão thì các chỉ số về sức khỏe thực thể và tâm lý được cải thiện một cách đáng kể. Vì được sống trong môi trường lành tính, thiết kế phù hợp với người cao tuổi, đảm bảo an toàn và đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế cơ bản, thể chất và cả sức khỏe tinh thần.
PV: Theo chị khi nào thì nên cho bố mẹ đi viện dưỡng lão? 
Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân: Việc khi nào đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão cần cân nhắc dựa trên điều kiện kinh tế của gia đình và tình trạng sức khỏe, tâm tư, nguyện vọng của bố mẹ. Dù quyết định ở nhà hay tìm đến viện dưỡng lão bạn vẫn nên tìm hiểu kỹ càng để đảm bảo bố mẹ nhận được sự chăm sóc tốt nhất. 
Những trường hợp nên cân nhắc vào viện dưỡng lão như người già bị lú lẫn hoặc có một số bệnh mãn tính như huyết áp, tai biến, đột quỵ... cần sự chăm sóc chuyên môn, theo dõi 24/24 vượt quá khả năng của gia đình.
Một số người già vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh, tính độc lập cao không muốn phụ thuộc vào con cháu. Bản thân thích gặp gỡ, giao lưu, tham gia sinh hoạt cộng đồng cũng như được chăm sóc y tế chuyên nghiệp chủ động chọn viện dưỡng lão làm điểm dừng chân những năm tháng cuối đời. Có thể lựa chọn mô hình bán trú (sáng đến, chiều về) hoặc chăm sóc dài hạn tuỳ theo nhu cầu và điều kiện. 
Trước cuộc sống bề bộn lo toan, mô hình viện dưỡng lão là một giải pháp, xu hướng tất yếu của xã hội nhưng việc này cần phải gắn chặt với trách nhiệm của con cái, khéo léo trao đổi, thống nhất giữa hai bên để tránh trường hợp bố mẹ hiểu lầm, hiểu sai bị con cái bỏ rơi vô tình dẫn đến những hệ lụy tiêu cực. 
Trong trường hợp bố mẹ ở viện dưỡng lão chăm sóc dài hạn, thì việc lui tới thăm nom cần được duy trì thường xuyên, tặng quà và đừng quên chia sẻ những câu chuyện, tin tức về con cháu, họ hàng... để các cụ cảm nhận được sự ấm áp, bớt lo nghĩ. 
Chăm lo sức khỏe người cao tuổi không chỉ cần quan tâm đến thể chất, các giải pháp tinh thần cũng rất quan trọng và liều thuốc tinh thần tốt nhất chỉ có thể do người thân mang lại. 
Xin cảm ơn chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân về cuộc trao đổi. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.