Dự thảo về giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo: Cần đánh giá đa chiều

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến tham vấn xây dựng Luật Nhà giáo. Trong đó có nội dung nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp.

Cô trò Trường THPT Lý Thường Kiệt (Hà Nội). Ảnh: Việt Cường
Cô trò Trường THPT Lý Thường Kiệt (Hà Nội). Ảnh: Việt Cường

Chứng chỉ này được cấp cho giáo viên sau khi đáp ứng các yêu cầu về đào tạo, bồi dưỡng và kinh nghiệm.

Dành cho ngành nghề đặc thù

Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, về mặt lý thuyết việc này có nhiều ưu điểm. Bởi theo thông lệ, các quốc gia yêu cầu chứng chỉ hành nghề (ở đây có thể coi chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo như chứng chỉ hành nghề) với ngành nghề đặc thù, yêu cầu về trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp như kinh doanh dịch vụ pháp lý, khám chữa bệnh...

Từ đó cho thấy, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo góp phần chuyên nghiệp hóa, giúp hoạt động giáo dục được quản lý hiện đại, theo hướng tiếp cận dịch vụ nhiều hơn. Mục đích của việc sử dụng giấy này để đảm bảo giáo viên có đủ năng lực chuyên môn và đạo đức để giảng dạy. Giấy chứng nhận này thường cấp cho giáo viên sau khi hoàn thành các yêu cầu về đào tạo, kinh nghiệm và chứng chỉ. Các yêu cầu có thể khác nhau giữa quốc gia và khu vực.

Ngoài ra, với việc sử dụng giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo có thể tăng cường hội nhập quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà giáo Việt Nam tham gia thị trường giáo dục giữa các quốc gia công nhận chứng nhận nghề nghiệp lẫn nhau. Giấy chứng nhận này có thể tạo vị thế bình đẳng giữa nhà giáo công tác ở các mô hình trường khác nhau. Nếu hợp nhất chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, tập sự, bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp sẽ giúp giảm bớt sự cồng kềnh.

Một số người lo lắng, giấy chứng nhận nghề nghiệp có thể là “giấy phép con”, gây khó khăn cho giáo viên. Điều này có thể xảy ra nếu triển khai thực tế thiếu hiệu quả, điều kiện phát huy tác dụng giấy chứng nhận chưa sẵn sàng.

Ví dụ, chất lượng đào tạo sư phạm không đồng đều giữa cơ sở giáo dục; hệ thống bồi dưỡng, phát triển năng lực nghề nghiệp nhà giáo thường xuyên, liên tục chưa đảm bảo để đáp ứng thực tiễn quản trị. Đặc biệt, công tác giám sát, đánh giá nghiệp vụ giáo viên, lương nhà giáo… còn nhiều ngổn ngang sẽ khó tạo động lực khách quan để chuyên nghiệp hóa nghề giáo. Do đó, có thể dẫn đến thiếu tin cậy, gây chồng chéo trong công tác quản lý nghề giáo.

Thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, giấy chứng nhận nghề giáo góp phần quy chuẩn các điều kiện để hành nghề giống như lĩnh vực y tế, giúp giáo viên đảm bảo trình độ chuẩn nhất định. Các cơ sở giáo dục công lập hay ngoài công lập có sự yên tâm khi nhận hoặc luân chuyển giáo viên đủ điều kiện để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Qua đây cũng thúc đẩy quá trình bồi dưỡng, học tập suốt đời của giáo viên để nâng cao kiến thức, kỹ năng.

Đa số giáo viên mong muốn giảm bớt chứng chỉ, văn bằng để yên tâm công tác. Tuy nhiên, hiện có khá nhiều thông tư, quy phạm pháp luật khác yêu cầu về trình độ đào tạo, kiến thức kỹ năng giáo viên. Do đó, cần sự đồng bộ và quy chuẩn lại mọi thứ. Thầy Cường nhấn mạnh, nếu ban hành giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo cần phân chia theo từng đối tượng cụ thể, cả đội ngũ quản lý mà có/không tham gia giảng dạy, giáo viên các trường đặc thù để thầy cô nắm bắt.

Cô Bùi Lan Anh - Trường THPT Việt Đức. Ảnh: NVCC

Cô Bùi Lan Anh - Trường THPT Việt Đức. Ảnh: NVCC

Còn những băn khoăn

Là người trực tiếp đứng lớp, thầy Vũ Hoàng Sơn – Trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh, TPHCM) không hoàn toàn ủng hộ việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp cho nhà giáo như dự thảo của Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến. Lý do thầy Sơn đưa ra là mỗi sinh viên sau khi học 4 năm ở cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành Sư phạm được cấp bằng tốt nghiệp đại học đủ chứng minh năng lực chuyên môn nhà giáo. Nếu thêm giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ tạo ra cho giáo viên một loại “giấy phép con”.

Tuy nhiên, thầy Vũ Hoàng Sơn cho rằng, giấy chứng nhận nghề nghiệp nếu triển khai chỉ phù hợp với sinh viên sư phạm vừa tốt nghiệp ra trường. Đối với thầy, cô đã có nhiều năm giảng dạy mà giờ yêu cầu đi học bổ sung để cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ bất hợp lý. Hơn nữa, Thông tư 08/2023 của Bộ GD&ĐT có hiệu lực từ ngày 30/5/2023 đã bãi bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng, nếu yêu cầu có giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ thêm áp lực cho thầy cô.

Tương tự, cô Bùi Lan Anh – Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng bày tỏ sự băn khoăn trước dự thảo về giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo. Bản thân cô và đồng nghiệp có nhiều loại văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận ngoài bằng tốt nghiệp đại học. Gần 20 năm trong nghề, các cô vẫn vượt mọi khó khăn để gắn bó với trường lớp, học trò và đảm bảo chất lượng chuyên môn, được phụ huynh đánh giá cao.

“Theo tôi, điều cốt yếu trước mắt mà ngành Giáo dục cần làm là cải cách chế độ tiền lương cho đội ngũ giáo viên cả nước. Nếu được tăng lương đúng với tính chất công việc, thầy cô sẽ có thêm động lực để yêu nghề. Thực tế có nhiều thầy cô vừa rời bục giảng lại tranh thủ làm thêm như giao hàng, bán hàng online… để cải thiện thu nhập, trang trải cuộc sống. Để xây dựng Luật Nhà giáo, chúng tôi tha thiết mong Bộ GD&ĐT đề xuất với Chính phủ và các bên liên quan sớm có giải pháp để nhà giáo sống được bằng lương”, cô Lan Anh bày tỏ.

“Một số thầy cô bày tỏ nghi ngại về mức độ tin cậy của giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo. Cơ quan nào sẽ đứng ra cấp, cấp cho đối tượng nào, thời hạn là bao lâu? Vì thế theo tôi, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu dài hơi để đảm bảo giấy chứng nhận nghề nghiệp phù hợp với quy định pháp luật. Từ đó giúp nhà giáo có thời gian nghiên cứu và lộ trình phấn đấu rõ ràng”, thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh trao đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ